Chủ động nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất bền vững

Nguyễn Giang 15/06/2014 09:38

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập, nhất là từ thị trường Trung Quốc. Dù trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là điều bình thường, nhưng giải pháp tối ưu nhất vẫn là chuyển từ lệ thuộc sang tương thuộc, đa dạng nguồn nguyên vật liệu.

Trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước, hiện Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, đạt gần 12,5 tỷ USD. Riêng giá trị nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sản xuất chiếm 2,3 tỷ USD và nhóm mặt hàng nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày chiếm đến 2 tỷ USD. Nguyên nhân do ngành công nghiệp của nước ta cũng như các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự chủ động xây dựng nguồn nguyên vật liệu, trong khi đó, Trung Quốc là một nguồn cung lớn, có giá thành thấp.

Nguồn:diendandautu.vn
Nguồn:diendandautu.vn
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) khuyến nghị, giải pháp an toàn cho nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp trong nước là chuyển đổi hướng hoạt động sản xuất từ lệ thuộc sang tương thuộc. Nghĩa là, đôi bên cùng có lợi, tránh tình trạng nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất bị lệ thuộc nhiều vào một đối tác nhập khẩu, một nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì lệ thuộc vào nguyên vật liệu sản xuất từ nước ngoài, thì doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho việc tự chủ nguyên vật liệu, góp phần tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa. Thêm vào đó, việc tạo dựng hệ thống liên kết sản xuất, chuyên môn hóa theo từng khâu giữa các doanh nghiệp trong nước hay thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những biện pháp hiệu quả giải quyết vấn đề này.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, nước ta đang có cơ hội lớn để tự chủ nguyên vật liệu do Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết. TPP có quy định, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phải đạt từ 55% tổng giá trị trở lên và chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài TPP để sản xuất một sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Đây là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc để tự chủ nguyên vật liệu.

Tất nhiên, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp trong quá trình tiến tới nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu không thể thiếu vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Các bộ, ngành liên quan cần giúp Chính phủ xây dựng chiến lược cụ thể, bền vững trong việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với các hoạt động đầu tư thiết bị hiện đại; đổi mới công nghệ sản xuất theo chuỗi liên kết, tổng hợp toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất. Trong quá trình tiến tới nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu, trước mắt, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sử dụng nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu từ nhiều đối tác khác nhau. Hoặc có thể đầu tư xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại một số nước lân cận như Lào, Campuchia, phục vụ cho việc hoàn thiện quy trình sản xuất trong nước.

Việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu bước đầu có thể sẽ tạo ra ít nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, song, vẫn cần thực hiện tích cực theo lộ trình được tính toán cặn kẽ. Hơn nữa, cái đích cuối cùng của sản xuất là để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi thị trường tiêu thụ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao thì không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận khó khăn để có thể đáp ứng yêu cầu này.

Nguyễn Giang