Tại sao phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đúng quy cách ?

Vi Hoa thực hiện 14/06/2014 16:24

Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đúng quy cách có thể giảm nguy cơ tử vong hơn 30% và giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não hơn 50%. Đội mũ bảo hiểm vẫn là giải pháp hữu hiệu giảm mức độ thiệt hại về người do tai nạn giao thông. Đặc biệt ở đất nước chúng ta với gần 38 triệu mô tô, xe gắn máy thì càng cần phải duy trì tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái trao đổi với PV báo ĐBND như vậy.

- Xin Ông cho biết mục đích của  đợt cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy  ?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy; xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đồng thời kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm; đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Việc xử lý nghiêm minh vừa nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và làm chuyển biến hành vi đúng đắn là đổi mũ bảo hiểm đúng quy cách,đúng tiêu chuẩn khi tham gia giao thông. Làm sao khi tham gia giao thông thì mọi người đều tự giác chấp hành để bảo vệ mình và để góp phần tăng cường ATGT cho gia đình mình, cho xã hội. Đối với cơ sở sản xuất phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng mũ bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận mà lơ là trách nhiệm. Đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái mũ bảo hiểm, góp phần ngăn chặn và  lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực này.

Mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy Nguồn:citinews.net
Mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy
Nguồn:citinews.net
- Vậy thưa Ông, những hoạt động cụ thể sẽ hướng tới xử lý vi phạm của người tham gia giao thông hay của cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn, chất lượng ?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Kế hoạch gồm 3 hoạt động chính gồm: công tác tuyên truyền và công tác quản lý về sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm. Hoạt động này sẽ triển khai trước và thực hiện từ ngày 20/5 đến 19/6, sau đó mới tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm từ ngày 1/7, trong đó tập trung vào loại mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy.

Ủy ban tập trung tuyên truyền rộng rãi cách nhận biết và phân biệt mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy với mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy. Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe gắn máy phải có đủ 3 bộ phận chính là vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động để bảo vệ an toàn cho đầu. Đây là bộ phận quan trọng nhất của mũ bảo hiểm có tác dụng hấp thu lực khi va chạm để giảm chấn thương sọ não, giảm tai nạn chết người. Mũ có dấu hợp quy CR, ghi rõ: "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy". Còn những loại mũ không có đủ các yếu tố trên đó là mũ nhựa, mũ cối, mũ thời trang, mũ mềm thì bằng trực quan có thể nhận biết đó là mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy.

Cùng với đó, tuyên truyền Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định việc đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm.

Về tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, sẽ tập trung xử lý các loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn chất lượng; các loại mũ bảo hiểm xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là vấn đề gốc cần phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, ngăn chặn nguồn gốc mũ không bảo đảm chất lượng.

Lực lượng quản lý thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và cảnh sát kinh tế phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, nhập lậu, mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn với mũ bảo hiểm. Đặc biệt ngăn chặn triệt để việc bày bán mũ nhựa, mũ dởm, những loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy trên vỉa hè, dọc các tuyến đường vì vi phạm trật tự an toàn giao thông và vi phạm về kinh doanh. Như vậy, sẽ ngặn chặn được nguồn cung mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, mũ không bảo đảm chất lượng. 

Nguồn: TinGiaLai.Vn
Nguồn: TinGiaLai.Vn
Các lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý vi phạm đối với đối tượng đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy. Cụ thể yêu cầu dừng xe, tuyên truyền nhắc nhở từ ngày 20 - 30/6; từ ngày 1/7 kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Bằng trực quan lực lượng cảnh sát giao thông cũng như người dân có thể nhận biết ngay người đi mô tô, xe gắn máy đội những loại mũ nhựa, mũ cối, mũ thời trang, mũ mềm, đó không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy. Công tác cưỡng chế có vai trò đặc biệt quan trọng, ngoài phạt răn đe còn hỗ trợ lại công tác truyền thông để thay đổi thái độ và hành vi người tham gia giao thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

- Thưa Ông, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, chất lượng không chỉ là vấn đề văn hóa khi tham gia giao thông mà còn là vấn đề tôn trọng pháp luật và bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy ?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Trước tình trạng đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy đang có chiều hướng gia tăng, lấn át việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng sẽ làm gia tăng trường hợp người chết, bị thương khi xảy ra TNGT. Hệ quả sẽ ảnh hưởng tới chủ trương đúng đắn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe gắn máy mà toàn dân đang thực hiện. Vì vậy, cần phải ngăn chặn ngay tình trạng này.  

Người tiêu dùng đội những loại mũ nhựa, mũ cối, mũ thời trang, mũ mềm chỉ mang tính đối phó với lực lượng chức năng, không bảo đảm an toàn, mặt khác không thể hiện sự tôn trọng pháp luật; ảnh hưởng việc xây dựng văn hóa giao thông. Những chiếc mũ này vừa không bảo đảm chất lượng, lại không bảo vệ được vùng đầu.

Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đúng quy cách có thể giảm nguy cơ tử vong hơn 30% và giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não hơn 50%. Đội mũ bảo hiểm vẫn là giải pháp hữu hiệu giảm mức độ thiệt hại về người do tai nạn giao thông. Đặc biệt ở đất nước chúng ta với gần 38 triệu mô tô, xe gắn máy thì càng cần phải duy trì tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

- Xin cảm ơn Ông!

Vi Hoa thực hiện