Phải xuất phát từ điểm gốc là hiểu mục đích của lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm

Nguyễn Phú Trọng
ĐBQH TP Hà Nội
Quỳnh Nga lược ghi
09/06/2014 08:56

Vừa qua lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Như hôm tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, phát biểu trước QH, Chủ tịch QH có nói có lẽ lần đầu tiên trên thế giới có kiểu lấy phiếu tín nhiệm như của ta. Cho nên đúng là còn lúng túng. Ý định rất tốt nhưng có khi cũng chưa lường tính hết, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện dần.

Tại sao nói lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến rất nhiều thứ, bởi ngay từ thuật ngữ, khái niệm đã hiểu không giống nhau. Bây giờ giải thích lấy phiếu tín nhiệm là để tham khảo, để đánh giá cán bộ, thăm dò tín nhiệm - đấy là dần dần chúng ta mới nhận thức được thế chứ từ đầu có hiểu lấy phiếu tín nhiệm là như thế đâu? Lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau ở chỗ nào? Bây giờ ta bảo bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải là bỏ phiếu tín nhiệm đâu. Tức là thôi, miễn, anh không làm nữa. Đó là mục đích. Cho nên có lẽ phải xuất phát từ điểm gốc là hiểu mục đích của lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Thống nhất với nhau về mục đích. Tất nhiên là tương đối thôi chứ nói về lý thì chưa bên nào chịu bên nào. Ý kiến rất là nhiều. Tôi lấy ví dụ nói lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nói một cách rất đơn giản, cơ học thì lấy phiếu tín nhiệm cũng là động tác tôi ghi phiếu rồi bỏ vào thùng phiếu. Với tư cách là người chủ trì, tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm thì gọi là: tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Còn tôi với tư cách là đại biểu, tôi viết phiếu, bỏ phiếu vào thùng thì gọi là bỏ phiếu chứ ai bảo là lấy phiếu. Hai cách gọi đó cùng chỉ một sự vật, hiện tượng, một việc. Thế nên bây giờ ta nên quy định với nhau một cách tương đối. Thế nào là lấy phiếu tín nhiệm? Thế nào là bỏ phiếu tín nhiệm? Đúng như nhiều đại biểu nói, trước đây ta chưa hề có khái niệm lấy phiếu tín nhiệm mà chỉ có bỏ phiếu tín nhiệm. Hiến pháp bây giờ cũng không có chữ lấy phiếu tín nhiệm mà chỉ nói bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm là vì ở các nước khi bỏ phiếu là bỏ phiếu bất tín nhiệm, có khi cả Chính phủ, thành viên Chính phủ hay Thủ tướng. Ở ta, lấy phiếu tín nhiệm tất cả các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tức là lấy phiếu cả các đại biểu dân cử. Rất đặc thù Việt Nam. Sở dĩ có thuật ngữ lấy phiếu tín nhiệm hình như bắt đầu từ Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay với ý muốn là nên thường xuyên có những động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa để cho mỗi cán bộ khi thực hiện chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính. Tự giác là chính. Còn đã đến lúc để tôi phải tỏ thái độ tôi bỏ phiếu bất tín nhiệm anh là lúc bấy giờ đến nước đường cùng rồi, anh không còn có thể chỉnh sửa được nữa, thì là thôi đấy, cho anh nghỉ. Cho nên chúng ta mới chủ trương lấy phiếu tín nhiệm hàng năm và nếu hai năm liền phiếu tín nhiệm thấp thì có cách để cho anh thôi chứ không để hết nhiệm kỳ hay hết tuổi. Và muốn là để tự mỗi người tự tu dưỡng, tự rèn luyện và thay đổi cán bộ chứ không để quá trì trệ. Đấy là xuất phát từ thực tế. Một điểm nữa là trong công tác đánh giá cán bộ, thì bên cạnh những mặt tốt nhưng hình như cũng tương đối, thậm chí có nhiều trường hợp rất hình thức, không thực chất. Vì sao? Vì nể nang nhau, có chức, có quyền, rồi quan hệ, rồi lợi ích..., nể nang nhau không dám đánh giá thật. Ở Hội nghị mà phê bình nhau cũng đã khó rồi. Cho nên tại sao cuối năm khi mà bình bầu thì phần đông là đảng viên đủ tiêu chuẩn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hầu hết các tổ chức đảng là trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ yếu kém rất ít – nhưng có đúng thực chất thế không nào? Nó có một sự nể nang nhau.

Một vấn đề nữa là cứ nói phát huy vai trò giám sát của nhân dân, nhưng trong Đảng mới là phạm vi Chi bộ thì có bao nhiêu, Đảng bộ có bao nhiêu... Cho nên phát huy vai trò giám sát của dân, dân giám sát anh, góp ý kiến cho anh, vừa được một cái là anh lắng nghe được thêm ý kiến của dân, dân có quyền giám sát anh. Thì tính chất ta mong muốn là như thế. Cho nên mới có chuyện là lấy phiếu tín nhiệm. Thế lấy phiếu tín nhiệm có sai hay không? Lâu nay pháp luật không cấm và cũng chẳng có ai bảo là không được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là một hình thức để chúng ta xem xét, đánh giá cán bộ. Và mới gọi là một kênh thôi chứ không phải tất cả chỉ có thế này là đánh giá cán bộ. Hàng năm chúng ta đều đánh giá cán bộ, đều có phê bình, tự phê bình, đều có viết bản kiểm điểm, lấy ý kiến hai chiều, đều lưu hồ sơ, xếp loại, công bố. Trước khi bầu cử có đánh giá, sau khi bầu cử có đánh giá, nhất là anh nào tham gia nhiều cương vị thì có rất nhiều chỗ để đánh giá cán bộ. Thế nhưng như tôi nói ở trên có trường hợp, mà không phải có trường hợp mà là nhiều trường hợp hình thức, không thực chất. Cho nên mới có cái gọi là: lấy phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là một kênh thăm dò tín nhiệm của cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm. Thế nên có đại biểu nói đúng là lấy phiếu tín nhiệm có mâu thuẫn gì với bỏ phiếu tín nhiệm đâu? Đến khi nào rơi vào một trong mấy trường hợp thì mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm: một là khi có 20% tổng số ĐBQH đề xuất; hai là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đề xuất; và còn một kênh nữa là UBTVQH đề xuất. Nhưng còn quy định chung chung, cũng có phần hình thức, cho nên khó khả thi. Thực tế đã thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm bao giờ đâu, suốt mấy chục năm nay chưa thực hiện được lần nào cả. Cho nên lần này nếu làm được lấy phiếu tín nhiệm chúng ta sẽ có thêm một kênh nữa để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm – nó sẽ khả thi hơn.

Thế nên tôi mới trở lại ý đầu tiên: mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là gì, mục đích của bỏ phiếu tín nhiệm là gì thì ta phải thống nhất với nhau quan niệm như vậy mới được. Và hiểu khái niệm thuật ngữ lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm giống nhau, khác nhau ở chỗ nào thì có khi xử lý được và dễ thống nhất với nhau. Chứ còn nói lý thì rất khó để tranh luận. Thực tế tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau, ngay trong đại biểu chúng ta ý kiến đã khác nhau rồi, chưa nói đến ý kiến của nhân dân. Đấy là chưa kể trường hợp công bố công khai đến mức nào và công bố ở đâu? Trong Nghị quyết mới chỉ nói là công khai với đối tượng được lấy phiếu và trong kỳ họp thôi, chứ bây giờ công bố công khai, đăng báo thì tất cả thế giới biết anh được bao nhiêu phiếu tín nhiệm rồi còn gì nữa - cũng rất là tâm tư: thế này tôi làm gì còn uy tín để làm việc, thế này thì luôn luôn phải co mình lại để đối phó, chứ nếu làm hết mình là va chạm, va chạm là mất phiếu. Lấy phiếu tín nhiệm có mặt này, mặt kia thật. Thực tiễn có chuyện như thế. Cho nên phải tính có khi đến một thời điểm nào đó ta lại bổ sung, rồi hoàn thiện dần. Đến lúc này ta tạm thống nhất tương đối với nhau, làm một bước như vậy sau lại làm tiếp. Và có phải chỉ làm cho nhiệm kỳ này đâu mà còn làm cho cả các nhiệm kỳ sau nữa, nếu như nó tốt, ta hoàn thiện dần.

Vì sao lại có 3 mức lấy phiếu tín nhiệm? Chính là vì lấy phiếu tín nhiệm theo nghĩa như thế nên mới thiết kế 3 mức. Nếu chỉ 2 mức tức là bỏ phiếu rồi: một là chấp nhận anh còn làm tiếp; hai là anh thôi. Nhưng mà thông thường nếu đã 2/3 tổng số ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì mặc nhiên coi như thôi còn gì nữa. Hoặc nếu chỉ được hơn 50% thì kỳ sau tôi đưa anh ra để bỏ phiếu tín nhiệm rồi còn gì nữa? Có sức răn đe chứ... Thế nên việc thiết kế 3 mức lấy phiếu là tương đối co dãn, là để biết anh đang ở mức nào của sự tín nhiệm của tập thể.

Tại sao trong Nghị quyết đề ra ban đầu là một năm tiến hành lấy phiếu tín nhiệm một lần, nhưng trong lần sửa đổi Nghị quyết này co lại một nhiệm kỳ tiến hành lấy phiếu một lần? Ngoài lý do như trên đã nói là hàng năm chúng ta đều có đánh giá, trước khi bầu cử có đánh giá, có lấy phiếu và đều phải góp ý kiến, khi đã trúng cử vào QH thì ai được bầu vào chức danh Chủ tịch Nước, hay Thủ tướng, hay Chủ tịch QH, hay Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban đều được bỏ phiếu cả, cũng là dịp bỏ phiếu đánh giá cán bộ đấy chứ. Và đến cuối nhiệm kỳ lại đánh giá nữa. Dồn dập, liên tục. Hai là cả quá trình anh tự viết bản kiểm điểm cá nhân, rồi có ý kiến yêu cầu bản kiểm điểm này phải có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ nữa... - thế thì quanh năm chỉ bận một việc này thôi còn làm với ăn gì nữa. Có một thực tế như vậy. Thế nên mới tính hay là ta cứ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ, vì đầu nhiệm kỳ thì anh đã phải cọ xát, đánh giá mới được bầu hoặc phê chuẩn vào chức danh ấy và đến cuối nhiệm kỳ cũng vậy, lại cọ xát, đánh giá để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Mức như thế nên chăng là phải.

Nguyễn Phú Trọng<br><i>ĐBQH TP Hà Nội</i><br>Quỳnh Nga <i>lược ghi</i>