Bắt đầu từ các đường biên giới

Minh Nguyễn 03/06/2014 08:30

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Nội các của ông đã tuyên thệ nhậm chức với sự tham dự của khoảng 4.000 quan khách, trong đó có 8 nguyên thủ quốc gia. Vị khách đặc biệt được chú ý là ông Nawaz Sharif, Thủ tướng đầu tiên của nước láng giềng Pakistan dự lễ nhậm chức của một Thủ tướng Ấn Độ kể từ khi hai nước tuyên bố độc lập năm 1947. Đây là tín hiệu cho thấy hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của New Delhi dưới thời ông Modi.

Thứ nhất, ông Modi đã nhận thấy một thực tế hầu như bị phớt lờ lâu nay, đó là chính sách đối ngoại phải bắt đầu từ các đường biên giới quốc gia. Các chính sách ngoại giao truyền thống của Ấn Độ vốn bị ám ảnh bởi những khái niệm lớn như không liên kết. New Delhi đã không sẵn lòng đương đầu và giải quyết những vấn đề do ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực  giảm mạnh trong những thập niên gần đây. Nếu không đưa Ấn Độ giành được ưu thế trong tiểu lục địa Nam Á thì ông Modi không thể tạo ấn tượng lâu dài đối với thế giới.

Thứ hai, Thủ tướng Modi hiểu rõ sự cần thiết phải vứt bỏ chủ nghĩa hình thức về ngoại giao, vốn làm Ấn Độ bối rối trong chính sách can dự với các nước láng giềng. Chủ nghĩa hình thức chính là rào cản khiến trong suốt một thập niên cầm quyền, Thủ tướng Manmohan Singh đã không sẵn lòng hoặc không thể băng qua biên giới để hội đàm với các nhà lãnh đạo láng giềng. Ông Singh đã tới dự các hội nghị cấp cao khu vực tại Dhaka (Bangladesh), Colombo (Sri Lanka), Thimphu (Bhutan), Male (Maldives) và Kabul (Afghanistan), mỗi nơi một lần và chưa từng tới Pakistan, nhưng với bất kỳ thước đo nào thì đây vẫn là một thành tích ngoại giao đáng buồn. Trong buổi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Nam Á sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Modi tuyên bố ông sẵn sàng tới thăm tất cả các nước láng giềng, trong đó có Pakistan, vào thời gian sớm nhất. Có một số đồn đoán rằng, ông Modi có thể đáp ứng tích cực lời mời của người đồng cấp Bangladesh Sheikh Hasina tới thăm Dhaka trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ.

Thứ ba, Thủ tướng Modi sẽ phải vượt qua những mâu thuẫn nội bộ để có những quyết sách ngoại giao đúng đắn. Mặc dù Thủ tướng tiền nhiệm Manmohan Singh cũng có tầm nhìn rõ ràng về khả năng liên kết của Ấn Độ với các nước láng giềng, song ông không thể vượt qua những kháng cự chính trị trong nội bộ đảng Quốc đại để có thể ký bất kỳ hiệp định quan trọng nào liên quan đến chia sẻ nguồn nước với Bangladesh hay liên quan đến hòa bình với Pakistan. Lãnh đạo đảng Quốc đại đã không để Thủ tướng Singh tới Pakistan dù chỉ một lần. Dưới sức ép của Thủ tướng bang Bengal, bà Mamata Banerjee, Thủ tướng Singh buộc phải rút các thỏa thuận với Bangladesh; hay trước sức ép từ bang Tamil Nadu, lãnh đạo đảng Quốc đại đã ngăn cản Thủ tướng Singh tới Colombo hồi năm ngoái để tham dự cuộc gặp cấp cao đa phuơng. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Modi đã chứng tỏ quyết tâm gánh vác trách nhiệm của Chính phủ trung ương để tiến hành chính sách ngoại giao với các nước láng giềng.

Thứ tư, với việc mời Thủ tướng Mauritius tới dự lễ nhậm chức, Thủ tướng Modi đang thừa nhận mối quan hệ đặc biệt của New Delhi với quốc đảo nhỏ bé này. Tân Thủ tướng nhận thức một cách chính xác sự cần thiết phải phục hồi mối quan hệ với Mauritius, nước đang nổi lên như một cực chiến lược ở Tây Ấn Độ Dương.

Cuối cùng, Thủ tướng Modi có vẻ nhận thấy rằng vị thế của Ấn Độ trong quan hệ với các nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc sẽ chỉ được cải thiện đáng kể khi New Delhi có thể tái thống nhất địa chính trị của tiểu lục địa Nam Á. Trong những thập niên qua, Ấn Độ phàn nàn về mối quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ và Trung Quốc với Pakistan. Gần đây, Ấn Độ lo lắng dõi theo ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh ngày càng được củng cố tại Nam Á. Nhưng thay vì than vãn về sự can thiệp của thế lực bên ngoài vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình, New Delhi cần một chiến lược xây dựng dựa trên lợi thế tự nhiên về địa lý, sự bổ trợ về kinh tế, vai trò lịch sử như một nhà cung cấp dịch vụ an ninh khu vực và di sản văn hóa chung. Nếu như Thủ tướng tiền nhiệm từng nói đến câu chuyện phục hồi tính ưu việt khu vực của Ấn Độ thì tân Thủ tướng Modi có thể có ý chí chính trị để hiện thực hóa mục tiêu này bằng cách giải quyết những bất đồng chính trị tồn đọng với các nước láng giềng, thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế của toàn tiểu lục địa Nam Á.

Minh Nguyễn