Bước chuyển của giáo dục Lai Châu
Nghị quyết 04/2011 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới đã có hơn 4 năm thực hiện. Đến nay, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tạo bước chuyển về chất cho giáo dục của tỉnh.
![]() Tiết tin học lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu |
Năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 428 trường, 6.092 lớp, 123.641 học sinh; công tác đổi mới quản lý giáo dục, năng lực cán bộ, giáo viên được nâng lên với 98,5% được đào tạo chuẩn; toàn tỉnh có 56 trường đạt chuẩn Quốc gia; 96,5% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; số học sinh THCS tốt nghiệp đạt 99,68%; 82 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi… là những kết quả khả quan sau hơn 4 năm Lai Châu thực hiện Nghị quyết số 04/2011 của Đảng bộ tỉnh về Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.
Để chất lượng giáo dục toàn tỉnh đạt mức trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc như Nghị quyết đã đề ra, ngay từ khi bắt tay thực hiện, ngành giáo dục đã phối hợp các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân các dân tộc về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển KT - XH. Cùng với đó, ngành đã xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp mang tính đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, đã tập trung bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; sắp xếp lại cán bộ theo yêu cầu mới phù hợp với năng lực và phẩm chất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh trong giai đoạn mới. Đặc biệt, các chế độ chính sách đối với người học được chi trả kịp thời, đúng đối tượng, trong đó tập trung vào công tác bán trú dân nuôi, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nội trú, bán trú; tiếp tục thực hiện chủ trương đưa học sinh lớp 3,4,5 ở các điểm lẻ về các trung tâm giáo dục. Bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách của Trung ương và xây dựng các chính sách của tỉnh về chế độ giáo viên, học sinh; xây dựng trường, lớp học; bổ sung trang thiết bị dạy học... tỉnh còn khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia đầu tư phát triển giáo dục. Trong đó, đưa ra cơ chế phân bổ nguồn vốn theo hướng tập trung có trọng điểm, ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có 6.223 phòng học (3.370 phòng kiên cố, 1.683 bán kiên cố, 1.210 phòng tạm).
Trường THPT Than Uyên là một ví dụ sinh động với những giải pháp linh hoạt nhằm đổi mới công tác quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên luôn được nhà trường coi là mắt xích quan trọng trong đổi mới phương pháp giáo dục cho học sinh; tạo mọi điều kiện cho cán bộ, giáo viên chủ động tìm giải pháp về chuyên môn, xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển cho trường. Đối với học sinh khá giỏi, trường bố trí những giáo viên có năng lực, chuyên môn để đảm nhận. Riêng học sinh trung bình, yếu, sắp xếp giáo viên có kinh nghiệm rèn luyện kỹ năng làm bài, hướng các em vào các trường trung cấp và dạy nghề. Qua đó, trình độ giáo viên không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi, thi đỗ các trường chuyên nghiệp năm sau cao hơn năm trước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Mường Tè Lý Mỹ Ly chia sẻ, mặc dù là huyện xa nhất, có nhiều bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng giáo dục chưa toàn diện, song huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cùng với sự vào cuộc các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, giáo viên tuyên truyền vận động đồng bào huy động học sinh ra lớp, ngành giáo dục huyện luôn đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục ở các cấp học; đồng thời tổ chức cán bộ, giáo viên được giao lưu, học tập kinh nghiệm ở trong, ngoài tỉnh để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ vậy, số lượng cũng như chất lượng học sinh tăng qua từng năm; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được kiện toàn, nâng lên rõ nét...
Những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 04 đã mang lại tín hiệu khả quan cho việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từ đó góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, từng bước tạo nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Đến hết năm 2013, giáo dục Lai Châu ở bậc mầm non đã huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt hơn 99%; bậc tiểu học có hơn 50% số trường học 2 buổi/ngày; hơn 99% học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; bậc THCS đã huy động 96% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, tỷ lệ chuyển lớp đạt từ 95% trở lên… |