Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam - Trung tâm KH - CN hàng đầu của cả nước

CHÍ TUẤN thực hiện 16/05/2014 07:28

Là cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đang hội tụ rất nhiều nhà khoa học với nhiều công trình khoa học đặc biệt xuất sắc. Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam - dịp để tuyên truyền các công trình khoa học, tôn vinh, động viên đội ngũ các nhà khoa học… PV ĐBND có cuộc trao đổi với ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, CHỦ TỊCH VIỆN HÀN LÂM KH VÀ CN VIỆT NAM CHÂU VĂN MINH.

Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam - Trung tâm KH - CN hàng đầu của cả nước ảnh 1- Thưa Chủ tịch, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam được biết đến là đầu não của các đề tài, công trình về KH-CN. Nhân kỷ niệm ngày KH và CN Việt Nam 18.5, xin Chủ tịch cho biết những kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật của Viện trong thời gian qua?

- Sau gần 40 năm xây dựng, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu KH-CN có giá trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Trung bình hàng năm số công trình công bố quốc tế của Viện Hàn lâm tăng khoảng 25% và chiếm khoảng 40-45% của cả nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Năm 2013, Viện có gần 2.300 công bố, trong đó có trên 450 công trình đạt chuẩn quốc tế ISI; 32 sách chuyên khảo, 13 bằng phát minh sáng chế. Lần đầu ở Việt Nam đã được xếp trong danh mục SCOPUS quốc tế.

Bên cạnh đó, Viện đã chủ trì xây dựng bộ bản đồ quốc gia, bộ Atlas Biển Đông; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân định ranh giới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Viện đã có đóng góp trong việc đề xuất xây dựng cảng biển nước sâu Dung Quất; phương án thoát lũ ra biển Tây, điều khiển lũ, cải tạo đất vùng đồng bằng sông Cửu Long; về các hiện tượng lạ, hiện tượng động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh II, tư vấn lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Viện thực hiện tốt nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao về công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Ngoài ra, Viện tập trung nguồn lực, đầu tư nghiên cứu các hướng KH-CN trọng điểm, có ý nghĩa KT-XH như: công nghệ vệ tinh, công nghệ vũ trụ, KH-CN biển, công nghệ gene, công nghệ vật liệu mới... Năm 2013, Vệ tinh VnREDSat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo, cung cấp ảnh vệ tinh phục vụ các hoạt động KH-CN, giám sát TNMT, AN-QP. Dự án Trung tâm vũ trụ được triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, Viện cũng tích cực chuẩn bị cho dự án vệ tinh VnREDSat-1B. Hệ thống vệ tinh do Viện Hàn lâm quản lý sẽ tạo nền tảng quan trọng cho các ứng dụng công nghệ vũ trụ, thực hiện chiến lược về công nghệ vũ trụ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Gần đây, máy bay không người lái của Viện chế tạo đã được thử nghiệm thành công. Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam đã chế tạo thành công Vệ tinh loại nhỏ PicoDragon, hoạt động trong không gian và gửi thành công tín hiệu về mặt đất. 

Viện có nhiều đóng góp trong việc giám định gene hài cốt liệt sỹ; hoàn thành nhiều quy trình sản xuất giống cây trồng, bò cao sản, vaccine thành phẩm, thuốc chống sốt rét Artimisinin, thuốc cắt cơn nghiện ma túy Hentos; Hàng loạt chế phẩm sinh học, thực phẩm chức năng có giá trị. Các loại phân bón, chế phẩm xử lý nước thải, xử lý nước phèn, nước lợ, nước ô nhiễm và lắp đặt hàng nghìn trạm xử lý nước phục vụ đồng bào, chiến sỹ tại các vùng sâu và biên giới, nhiều bệnh viện tuyến huyện. Đặc biệt, gần đây Viện đã thử nghiệm thành công công nghệ xử lý bùn đỏ thành quặng thép, giải quyết ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả KT-XH. Tóm lại, còn rất nhiều kết quả nghiên cứu của Viện đã được chuyển giao, ứng dụng thành công.

- Thưa Chủ tịch, trong số những kết quả trên, Chủ tịch có thể giới thiệu một công trình khoa học điển hình?

- Như tôi đã nêu ở trên, lĩnh vực hoạt động của Viện khá rộng. Song kết quả điển hình là công nghệ xử lý bùn đỏ thành thép. Bùn đỏ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được quản lý tốt. Viện đã nghiên cứu thử nghiệm quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp và thép từ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Lâm Đồng (hàm lượng tổng sắt trong bùn đỏ khá cao khoảng 35,7%)). Quy trình công nghệ của Viện đã được Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng đón nhận và thử nghiệm thành công trên quy mô công nghiệp 200 tấn. Theo tính toán ban đầu, công nghệ đã mang lại hiệu quả KT-XH và môi trường khi tính đến những lợi ích tổng thể như chi phí xây hồ bùn đỏ, chi phí thu hồi các sản phẩm phụ và chi phí bảo vệ môi trường. Kết quả trên đã được Chính phủ đánh giá cao và cho phép Viện xây dựng đề án khả thi áp dụng thực tế tại Tây Nguyên.

- Bên cạnh những đóng góp về khoa học, công tác đào tạo được Viện quan tâm như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Với đội ngũ trên 4.000 cán bộ (khoảng 2.600 cán bộ biên chế), trong đó có 220 Giáo sư - Phó giáo sư, 714 tiến sỹ - tiến sỹ khoa học và 722 thạc sỹ. Hàng năm Viện đào tạo gần 400 tiến sỹ, và trên 300 thạc sỹ, đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ ra nước ngoài học tập, đào tạo, trao đổi, hợp tác khoa học… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Viện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015; Triển khai thực hiện các chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của Viện Hàn lâm như chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ, xây dựng khu ươm tạo công nghệ cho cán bộ trẻ, gửi cán bộ trẻ đi đào tạo và đào tạo nâng cao ở nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế của Viện hoặc của Nhà nước. Hiện tại, 19 viện chuyên ngành của Viện Hàn lâm đã được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Viện được Chính phủ ủng hộ, Bộ GD và ĐT và các bộ, ngành đã thẩm định đề án thành lập Học viện KH-CN trực thuộc Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam. 

- Thưa Chủ tịch, sự kết hợp giữa Viện với Bộ KH và CN được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

- Bộ KH và CN là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động KH-CN. Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam là đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ, trực tiếp triển khai công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn thẩm định, đào tạo cán bộ theo quy định của nhà nước.

Mặc dù vậy, Bộ KH và CN luôn ủng hộ Viện trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm. Viện Hàn lâm và Bộ KH và CN có chương trình phối hợp công tác hàng năm nhằm giải quyết những nhiệm vụ KH - CN đột xuất, những hội nghị quốc tế lớn, những vấn đề liên quan đến công tác quản lý KH-CN… Năm 2012, Viện đã phối hợp với Bộ KH và CN xây dựng tiêu chí và xác định các tập thể khoa học mạnh, các tập thể khoa học tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khoa học tự nhiên tại Viện Hàn lâm. Trên cơ sở đó, Viện đã phê duyệt chủ trương thành lập 11 Trung tâm xuất sắc giai đoạn 2013-2016 là các chuyên ngành khoa học có thế mạnh, tiềm năng nhằm triển khai thực hiện trong chiến lược xây dựng 60 Trung tâm xuất sắc trong chiến lược phát triển KH-CN của đất nước.

Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, Bộ KH và CN tích cực phối hợp triển khai chiến lược phát triển các chuyên ngành. Bộ cũng rất tích cực ủng hộ triển khai Chương trình hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện nhằm hỗ trợ và thu hút cán bộ trẻ, giỏi và có trình độ cao về công tác tại Viện.

- Thưa Chủ tịch, những lĩnh vực, dự án KH-CN nào sẽ được Viện ưu tiên tập trung trong thời gian tới?

- Bám sát Luật KH và CN, chiến lược phát triển KH-CN, quy hoạch phát triển Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Viện sẽ tập trung một số nội dung.

Thứ nhất, triển khai các dự án về vệ tinh, đồng thời tích cực triển khai các dự án, chương trình của Chính phủ giao như: dự án mạng lưới trạm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, chương trình Tây Nguyên 3, chương trình KH-CN vũ trụ... Triển khai dự án sưu tập bộ mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam; trình Chính phủ xem xét phê duyệt thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tại Quốc Oai, Hà Nội nhằm thực hiện quy hoạch hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ hai, tích cực trình Chính phủ xem xét phê duyệt thực hiện dự án xây dựng “cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Viện tại khu công nghệ cao Hòa Lạc” nhằm tạo nên bước đột phá mới trong công tác nghiên cứu triển khai của Viện trong thời gian tới. Thứ ba, tích cực triển khai các nhiệm vụ KH-CN trọng điểm của Viện: thí điểm xây dựng 3 trung tâm xuất sắc đầu tiên tại Viện; xây dựng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc; dự án Metagenomics và một số dự án khác. Thứ tư, tích cực triển khai hoạt động Học viện KH-CN, triển khai mạnh mẽ chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ.

- Xin trân trọng cám ơn Chủ tịch!

CHÍ TUẤN <i>thực hiện</i>