Cách chức Thủ tướng không phải lối thoát cho khủng hoảng Thái Lan

Nhật An 16/05/2014 07:24

Việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết cách chức Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng 9 bộ trưởng đã phần nào thỏa mãn lực lượng biểu tình phản đối chính quyền Shinawatra nhiều tháng qua. Song cuộc đảo chính của Tòa án Hiến pháp không mở ra lối thoát cho tình trạng bất ổn chính trị ở quốc gia này.

Phe đối lập Thái Lan biểu tình Nguồn: Guardian
Phe đối lập Thái Lan biểu tình
  Nguồn: Guardian
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan là kết quả của nhiều tháng trời các chính trị gia đối lập theo đuổi vụ kiện nhằm luận tội và phế truất bà Shinawatra. Nhóm 27 thượng nghị sỹ đối lập đã cáo buộc Thủ tướng Yingluck vi phạm Hiến pháp khi điều chuyển trái luật người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Thawil Pliensree vào năm 2011. Sau phán quyết của Tòa, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia đã bắt đầu thủ tục tố tụng để buộc tội bà Shinawatra có liên quan tới chương trình trợ cấp cho nông dân trồng lúa. Những thủ tục tố tụng này cuối cùng có thể dẫn đến phán quyết cấm bà Shinawatra trở lại chính trường Thái Lan.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan về việc cách chức Thủ tướng Yingluck Shinawatra không những không giúp giải tỏa căng thẳng chính trị hiện nay mà còn có thể đẩy Thái Lan lún sâu vào xung đột. Những người thuộc phe áo vàng phản đối chính quyền Shinawatra đã tiếp tục xuống đường tổ chức các cuộc tuần hành mang tên “Trận chiến cuối cùng” ở Thủ đô Bangkok, theo lời kêu gọi của thủ lĩnh lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban, nhằm kêu gọi Chủ tịch Tòa án Hiến pháp tối cao, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử và Chủ tịch Thượng viện nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn chính quyền của bà Yingluck và bổ nhiệm Thủ tướng lâm thời theo điều 7 của Hiến pháp. Trong khi đó, lực lượng ủng hộ Chính phủ Thái Lan, hay còn gọi là phe áo đỏ, tuyên bố sẽ duy trì các cuộc biểu tình phản đối phán quyết của Tòa án Hiến pháp cũng như thách thức phe áo vàng.

Thêm nữa, việc chỉ định ông Niwatthamrong Boonsongpaisan thay thế bà Yingluck hầu như không thể xoa dịu những người muốn nữ Thủ tướng này ra đi. Ông Niwatthamrong là cấp Phó của bà Yingluck và là một trong những người chịu trách nhiệm về chương trình trợ giá lúa gạo. Nhân vật này được cho là gần gũi với anh trai của Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị kết tội tham nhũng sau cuộc đảo chính năm 2006.

Ngay cả khi lực lượng biểu tình chống Chính phủ do ông Suthep lãnh đạo đã thành công trong việc phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra, thì đảng Pheu Thai vẫn đang nắm quyền. Cho đến nay, chính đảng đồng minh của gia đình Shinawatra luôn giành chiến thắng áp đảo trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, nhờ có sự ủng hộ đông đảo của nhóm cử tri ở các vùng nông thôn nghèo. Xét tương quan lực lượng hiện nay giữa đảng Pheu Thai và đảng Dân chủ đối lập chính, thì đảng cầm quyền vẫn sẽ hưởng lợi từ việc kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới. Đảng Dân chủ đối lập cũng đã công khai tuyên bố sẽ phá hoại kế hoạch tổ chức bầu cử Hạ viện được ấn định vào ngày 20.7 tới. Vì vậy, việc tổ chức một cuộc bầu cử tại thời điểm này sẽ là vô nghĩa, nếu một trong hai phe phái chính ở Thái Lan từ chối tham gia tiến trình này hoặc không chấp thuận kết quả của nó. Giải pháp mà Thái Lan cần là sự thỏa hiệp đến từ cả hai phía và thúc đẩy một tiến trình hòa giải nghiêm túc.

Trong khi các bên ở Thái Lan chưa chịu ngồi lại để vạch ra lộ trình nhằm đưa đất nước thoát khỏi vòng luẩn quẩn của khủng hoảng hiện nay, thì nền kinh tế nước này đang phải gánh chịu hậu quả lớn từ sự mất ổn định chính trị triền miên. Ngân hàng HSBC cảnh báo, nền kinh tế Thái Lan đang dần tụt hậu so với các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á, do bất ổn chính trị kéo dài khiến số khách du lịch nước ngoài giảm, sự thất bại của chương trình trợ giá lúa gạo rất tốn kém và các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại không muốn đầu tư vào Thái Lan mà chuyển sang những thị trường khác trong khu vực.

Nhật An