Thomas Friedman khám phá Trung Đông
Với giọng văn sắc sảo, trong sáng, Từ Beirut đến Jerusalem đã chạm sâu hơn vào lịch sử đau thương và vô cùng phức tạp của cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Cuốn sách đưa độc giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ đau đớn tột cùng đến nụ cười sảng khoái.
Tên tuổi của nhà báo Thomas Friedman, ba lần đoạt giải Pulitzer, đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các cuốn sách được dịch sang tiếng Việt như: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Olive, Nóng, phẳng, chật…Thế nhưng, Từ Beirut đến Jerusalem lại là cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi Thomas L. Friedman cũng như mang đến cho ông giải Pulitzer.
Thomas Friedman viết Từ Beirut đến Jerusalem trong những năm 80 của thế kỷ trước và đã giành Giải Sách quốc gia Mỹ cho hạng mục phi hư cấu, khi ông còn là phóng viên thường trú khu vực Trung Đông của tờ New York Times. Từ Beirut đến Jerusalem là cuốn sách phi hư cấu bán chạy bất ngờ ở Mỹ, đến nay vẫn tiếp tục được tìm đọc. Cuốn sách được đánh giá là viết tốt, đọc hấp dẫn, đặc biệt là các câu chuyện thực, đắng lòng và chua xót của Trung Đông, nhất là mối quan hệ Israel và Palestine. Thomas Friedman bộc bạch ngay trong những chương đầu của cuốn sách: “Cuốn sách chính là con đường từ Beirut tới Jerusalem mà tôi đã rong ruổi, bằng cách này hay cách khác, suốt thời trưởng thành của mình. Đó là một con đường khác thường, hài hước, thi thoảng có bạo lực và thường là không thể lường trước”.

Mỗi chương, mỗi trang trong cuốn sách ghi lại những khoảnh khắc sống động và trải nghiệm mang tính sống còn giữa ranh giới của sự sống và cái chết mà tác giả từng trải qua. Chứng kiến những biến động lịch sử và cách hành xử của con người trong cuộc chiến, Từ Beirut đến Jerusalem còn chứa đựng quan điểm của tác giả trong những cuộc chiến triền miên không hồi kết ở Trung Đông, đôi khi nó là sự hài hước, nhưng có lúc là sự châm biếm, đả kích và cả những trăn trở không thôi về niềm tin của con người và sự thật trong chiến tranh.
Từ Beirut đến Jerusalem viết về những xung đột gay gắt ở khu vực Trung Đông, được chia làm hai phần: Beirut và Jerusalem. Phần thứ nhất: Beirut, Friedman đã tái hiện một cách sống động về cuộc nội chiến của người Lebanon. Từ lịch sử cuộc nội chiến, những xung đột nội bộ gay gắt đến chi tiết nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến này bằng cách nào và diễn biến ra sao đều được ống kính phóng viên của ông thu trọn. Phần thứ hai: Jerusalem, hai chương đầu là bức tranh thu nhỏ nền văn hóa của người Do Thái và nguồn gốc của người Israel, từ đó tác giả đi sâu phân tích lịch sử và diễn biến của cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel.
Từ Beirut đến Jerusalem là cuốn sách không thể bỏ qua đối với bất cứ ai đang tìm kiếm cái nhìn sâu hơn về những nguyên nhân chính trị và ảnh hưởng tâm lý của cuộc xung đột đa sắc tộc đã bủa vây khu vực chưa bao giờ chấm dứt tiếng súng này. Được ví như cuốn từ điển hấp dẫn về Trung Đông, khi đọc cuốn sách này, bạn đọc như đang đi trên chiều dài lịch sử của Trung Đông và hiểu vì sao cho đến nay những sự kiện xảy ra ở vùng đất này đều trở thành tít lớn trên phương tiện truyền thông thế giới. Chaim Poyok, báo Washington bình luận, đây là “tác phẩm với nội dung phong phú, thấm đẫm nỗi đau và những sự thật kinh hoàng”. Tạp chí Phố Wall nhận định: Từ Beirut đến Jerusalem là “cuốn sách hướng dẫn lấp lánh trí tuệ… Một chuyến đi thú vị không thể bỏ lỡ”.
Beirut luôn là một thành phố làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp, đối với cả những người đang sống và không sống ở đó. Những câu hỏi thường xuyên nhận được từ độc giả và bạn bè tôi khi trở về nhà đều bắt đầu bằng “Như thế nào?” - Người ta đối phó thế nào? Người ta sống sót thế nào? Người ta tiếp tục sống thế nào trong một thành phố mà bạo lực đã giết chết và làm bị thương tới 100 nghìn người trong vòng 14 năm nội chiến? Điều tôi thường trả lời là sống ở Beirut yêu cầu nhiều điều, nhưng điều đầu tiên và trước nhất là cần có một trí tưởng tượng hoang dại. … Một phóng viên không bao giờ được mất đi tố chất hài hước ở một nơi như Beirut - vì anh ta không chỉ phát điên nếu làm mất nó, mà anh ta sẽ còn bỏ lỡ điều thuộc về bản chất của chính những người dân Liban. Thậm chí trong cả những thời khắc đen tối nhất của mình, người Liban cũng không bao giờ quên tiếng cười cả. (Trích Từ Beirut đến Jerusalem, Alphabooks, 2014, Đặng Ly dịch) |