20 năm thống nhất hệ thống điện Bắc - Trung - Nam

Nguyên Long 08/05/2014 08:38

Năm 1992, đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đầu tiên được xây dựng nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa ở miền Bắc cho miền Nam và miền Trung. Chỉ sau gần 2 năm thi công, toàn bộ công trình với gần 1.500km đường dây 500kV mạch 1 đã chính thức đóng điện, giúp hợp nhất hệ thống điện 3 miền – trong khi các chuyên gia nước ngoài nhận định phải cần ít nhất 7 đến 10 năm để hoàn thành.

Nguồn: nangluongvietnam.vn
Nguồn: nangluongvietnam.vn
Hơn 20 năm trước, quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam được cho là quyết sách dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, bởi khi đó vẫn còn nhiều băn khoăn về khoa học, công nghệ và khả năng thi công cũng như lượng vốn đầu tư của công trình. Nhưng khi đó, miền Trung đang thiếu điện trầm trọng và phải dựa chủ yếu vào nguồn điện chạy dầu diezel. Việc phát triển nguồn điện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của khu vực miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh, nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần. Những luận chứng kinh tế kỹ thuật khi đó tính toán, nếu xây dựng thành công, đường dây 500kV sẽ tải đủ điện cho cả miền Trung và miền Nam để phát triển kinh tế và đời sống ở thời điểm ấy. Vì vậy, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ra quyết định phải khẩn trương triển khai xây dựng và trực tiếp là chỉ huy trưởng trên công trường.

Các kỹ sư, công nhân đã phải thực hiện khối lượng công việc vô cùng nặng nề trong 2 năm, bao gồm thi công 3.437 cột điện tháp sắt với hơn 1.487km đường dây đi qua 14 tỉnh, thành phố; trong đó, qua vùng đồng bằng 297km (chiếm 20%), trung du – cao nguyên 669km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm 521km (chiếm 35%), với 8 lần vượt sông và 17 lần vượt quốc lộ. Đặc biệt, áp dụng kinh nghiệm của thời kỳ kháng chiến là thực hiện thi công theo nhiều mũi giáp công, chia đường dây thành nhiều cung đoạn, mỗi đoạn giao cho một đơn vị thực hiện. Vì vậy, đã tập trung được lực lượng hàng chục nghìn công nhân trải dài suốt cả dọc tuyến đường dây từ Bắc đến Nam, trong đó lực lượng thi công chính cao điểm lên tới hơn 8.000 người cộng với khoảng 4.000 lao động địa phương và dân công. 

Đường dây 500kV khó xây dựng nhất là đoạn từ đèo Hải Vân lên Đại Lộc, qua đèo Lò Xo để sang phía bên kia sông Đăklei. Bởi 200km đường dây này đi qua toàn rừng già, các địa hình hiểm trở. Việc mở đường để đưa nguyên vật liệu lên đỉnh núi đúng móng cột điện trên đèo Lò Xo, đỉnh núi Giằng, núi Phước Sơn, Đại Lộc... không hề đơn giản. Bên cạnh đó, cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công đoạn đường dây này còn phải đứng trước nguy hiểm do bom mìn sót lại sau chiến tranh.

Khó khăn gian khổ là thế, nhưng từng chi tiết nhỏ nhất của công trình đều được giám sát thi công hết sức chặt chẽ. Nguyên Giám đốc Công ty truyền tải điện 1 Phan Văn Cần cho biết, để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, khi thi công đã có ít nhất 4 cấp giám sát. Nhiều cấp giám sát được triển khai là do khối lượng công việc, lực lượng thi công quá nhiều nên có cả những đơn vị bên ngoài công ty cùng thực hiện.

Và công trình đường dây 500kV Bắc – Nam đã về đích đúng hẹn, sau gần 2 năm thiết kế, thi công xây dựng. Niềm vui cõng điện trên đường dây siêu cao áp 500kV đã trở thành hiện thực sau 19 năm đất nước thống nhất. Từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây 500kV mạch 1 đã bảo đảm cung cấp đủ điện cho miền Trung và cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống. Đây cũng là công trình có hiệu quả đầu tư nhanh nhất, với tính toán trung bình mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện miền Trung và miền Nam khoảng 2 tỷ kWh, thay vì phải chạy điện cung cấp tại thời điểm đó bằng dầu diezel thì chỉ sau 3 năm công trình đã thu hồi được hơn 6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư (khoảng 500 triệu USD). Không chỉ vậy, kể từ khi một số nhà máy điện lớn ở miền Nam đi vào hoạt động, đường dây 500kV Bắc - Nam còn thực hiện nhiệm vụ chuyển tải ngược một lượng điện năng lớn ra hỗ trợ cho miền Bắc, đặc biệt vào các thời điểm khô kiệt, hạn hán.

Giờ đây, sau 20 năm thống nhất hệ thống điện Bắc – Trung – Nam, tiếp nối truyền thống từ xây dựng đường dây 500kV đầu tiên, 445km công trình đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đã được thi công khẩn trương và hoàn thành trước thời hạn đã đề ra. Với đường dây này và hệ thống siêu cao áp được xây dựng đồng thời, nhu cầu điện năng cao của khu vực phía Nam sẽ được bảo đảm, góp phần vận hành lưới điện quốc gia an toàn, tin cậy. Công trình này cũng tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia sau năm 2015.

Nguyên Long