Bạc Liêu vào hội tôn vinh đờn ca tài tử

Cao Sơn 25/04/2014 08:39

Vào 20h tối 25.4, tại sân khấu chính Quảng trường văn hóa Hùng Vương, TP Bạc Liêu, sẽ diễn ra lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - 2014. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam khẳng định: Bạc Liêu đã sẵn sàng cho ngày hội lớn nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vài ngày trước lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, cả TP Bạc Liêu như một công trường lớn. Nhưng với khí thế quyết tâm cao để hoàn thành các công trình trọng điểm đúng tiến độ, Quảng trường văn hóa Hùng Vương và Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bạc Liêu đã được khánh thành, đưa vào sử dụng trong ngày hội tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử. Riêng công trình mở rộng Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, đã được Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia, được khánh thành ngay trước lễ khai mạc... Chào đón Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất và chào mừng sự kiện TP Bạc Liêu được công nhận đô thị loại 2, các tuyến phố trang hoàng cờ, hoa, khẩu hiệu; bảng điện tử đặt tại những tuyến phố chính liên tục đưa thông tin, hình ảnh về Festival, về nghệ thuật đờn ca tài tử. Có thể nói, TP Bạc Liêu những ngày này như đang khoác chiếc áo mới, lộng lẫy. Mỗi người Bạc Liêu khi được hỏi đến đều tỏ niềm tự hào khi quê hương mình, một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, được vinh dự đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất.

Cổng chào vào Quảng trường văn hóa Hùng Vương
Cổng chào vào Quảng trường văn hóa Hùng Vương
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, diễn ra đến ngày 29.4, gồm 21 hoạt động chính, được tổ chức trải rộng trên phạm vi toàn TP Bạc Liêu, thu hút sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam bộ có đờn ca tài tử. Trước lễ khai mạc, ngày 24.4 đã diễn ra 6 hoạt động: triển lãm sinh vật cảnh, hội chợ thương mại - du lịch, không gian đờn ca tài tử Nam bộ, lễ hội ẩm thực Nam bộ, chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang và Caravan xe cổ: Hành trình kết nối di sản văn hóa. Được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Không gian đờn ca tài tử Nam bộ và Lễ hội ẩm thực Nam bộ thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân và khách du lịch. 21 không gian đờn ca tài tử Nam bộ được bài trí công phu trong 21 chiếc nón lá khổng lồ, rộng chừng 50m2, chạy dọc bờ Hồ Nam. Tại đây các đơn vị giới thiệu nét riêng của đờn ca tài tử địa phương và giao lưu với khán giả, với đội bạn. Thật thú vị khi khách du lịch không chỉ được thưởng thức tài nghệ của các nghệ sỹ mà còn có thể được các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn hát dăm câu vọng cổ. Ở lễ hội ẩm thực Nam bộ, với trên 70 gian hàng, trang trí theo phong cách truyền thống Nam bộ, khách được tận mắt xem cách chế biến và thưởng thức những món ăn vô cùng độc đáo như: gà quay sầu riêng, gỏi củ hũ dừa (Bến Tre), cá thác lác tẩm gia vị (Hậu Giang), bánh tráng phơi sương (Tây Ninh)...

Trước và sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động quan trọng được tổ chức như: Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc, triển lãm nhạc cụ dân tộc, ra mắt quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu, hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ... Trưởng Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất Lê Thị Ái Nam cho biết, lễ khai mạc ngoài chương trình nghệ thuật do các diễn viên, nghệ sỹ đến từ TP Hồ Chí Minh và hàng trăm diễn viên của tỉnh Bạc Liêu biểu diễn, còn có sự tham gia của các nghệ nhân đờn ca tài tử đến từ 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ... Với chủ đề Đờn ca tài tử - Tình người, tình đất phương Nam, chương trình sẽ giới thiệu truyền thống lịch sử, vẻ đẹp của vùng đất và con người Bạc Liêu nói riêng, người Nam bộ nói chung với tính cách và tấm lòng phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình... “Điểm nhấn của Festival là các hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Vì thế, kịch bản lễ khai mạc Festival cũng tập trung phản ánh quá trình hình thành, phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, của bản Dạ cổ hoài lang - bài ca vua trên sân khấu cải lương. Hy vọng các chương trình nghệ thuật, với sự chuẩn bị công phu sẽ tạo dấu ấn khó phai trong lòng nhân dân và khách du lịch” - bà Lê Thị Ái Nam nói.

Bạc Liêu đã sẵn sàng chào đón bè bạn trong niềm vui của ngày hội lớn tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cao Sơn