Giai đoạn 1957-1969
Những ý tưởng đầu tiên
LTS: Nhân kỷ niệm 35 năm QH Việt Nam gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tổ chức nghị viện đa phương lớn nhất hành tinh (21.4.1979 - 21.4.2014) và việc QH Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 vào năm 2015, ĐBND giới thiệu với bạn đọc bài viết của cựu ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN VIỆT NAM TẠI BULGARIA, NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ ĐỐI NGOẠI VPQH PHẠM QUỐC BẢO về tiến trình Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết ngày 20.07.1954, hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền. Hoạt động đối ngoại của QH trong giai đoạn này là tranh thủ các diễn đàn quốc tế để đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước. Ngay từ những năm đầu mới giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương gia nhập IPU.

Tháng 9.1957, tại kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 46 ở London, do tác động của các Đoàn QH các nước XHCN là thành viên IPU, Hội nghị đã quyết nghị sẽ xem xét việc gia nhập IPU của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đó, Hội nghị cũng đã chấp nhận Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) vào IPU. Trước tình hình lúc bấy giờ, các Đoàn QH các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô và Tiệp Khắc đã nhiều lần đề nghị QH Việt Nam nên gia nhập IPU. Sau khi xem xét vấn đề này, Ban Thường trực QH đã bàn thảo và cho rằng, nếu QH ta gia nhập IPU thì sẽ “có lợi về chính trị trong việc nâng cao uy tín và vị trí quốc tế của nước ta, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta”. Nhưng việc gia nhập IPU khi đó còn gặp một số trở ngại. Thứ nhất là khi bỏ phiếu trong IPU thì phải nói rõ QH nước mình đại diện cho bao nhiêu dân số. QH nước ta do nhân dân toàn quốc bầu ra, nhưng nếu ta tự nhận là đại diện cho 25 triệu nhân dân cả nước thì chưa ổn. Còn nếu ta tuyên bố đại diện cho 14 triệu nhân dân miền Bắc thì như là chúng ta đã thừa nhận sự chia cắt của nước nhà. Thứ hai là do hoàn cảnh chiến tranh, QH nước ta 13 năm chưa được bầu lại. Các thế lực phản động có thể lợi dụng điểm đó để vận động bác bỏ đơn xin gia nhập IPU của QH nước ta. Vì những lý do trên nên Ban Thường trực QH đã tạm gác vấn đề gia nhập IPU lại.
Mùa xuân năm 1959, tại kỳ họp lần thứ 48 của Đại hội đồng IPU họp ở Warsaw, Ba Lan, Đoàn QH Liên Xô và Ba Lan lại đề cập vấn đề gia nhập IPU của QH Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, Ban Thường trực QH đã quyết định đưa vấn đề này ra để báo cáo xin ý kiến QH.
![]() Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn ĐBQH Việt Nam tại IPU - 130 Genève 2014 | |
Ảnh: Lâm Hiển |
Sau khi nghe ông Trần Đình Tri báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ý kiến để QH bàn bạc dân chủ và đề nghị: “QH chỉ thảo luận tập trung vào vấn đề QH ta có nên gia nhập hay không nên gia nhập IPU”. Sau khi thảo luận, QH nhất trí là: “QH ta nên gia nhập IPU để tỏ cho thế giới thấy thiện chí của ta với mọi hoạt động quốc tế có tính chất đoàn kết nhân dân các nước, đẩy mạnh sự hợp tác hòa bình cũng là một dịp để nêu cao ý nghĩa QH ta là đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam”.
Thực hiện chủ trương trên, Ban Thường trực QH đã tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Chủ tịch IPU Giuseppe Codacci Pisanelli và Tổng thư ký André de Blonay để gia nhập IPU. Nhưng lúc bấy giờ, tổ chức IPU bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc xin gia nhập IPU của QH nước ta, lấy lý do là để tìm hiểu thêm. Sau này, do hoàn cảnh chiến tranh, QH ta không đặt vấn đề gia nhập IPU nữa.
Vài nét về IPU Theo sáng kiến của hai nghị sỹ, đồng thời là hai chiến sỹ đấu tranh cho hòa bình Frederic Passy (người Pháp) và William Randal Cremer (người Anh), Liên minh Nghị viện thế giới nhóm họp lần đầu tiên vào năm 1889 tại Paris với 96 nghị sỹ đến từ 9 quốc gia gồm Pháp, Anh, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hungary, Mỹ và Liberia với tên gọi Hội nghị Liên nghị viện về trọng tài. Ban đầu, tổ chức chỉ nhằm vào hai mục tiêu: bày tỏ chính kiến về các vấn đề quốc tế và giải quyết các cuộc xung đột thông qua trọng tài. Đến năm 1899, hội nghị đổi tên thành Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Qua quá trình hình thành và phát triển, IPU đã trở thành một tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là trung tâm đối thoại và là diễn đàn ngoại giao nghị viện toàn cầu để các nhà lập pháp bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, góp phần gìn giữ hòa bình và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, nhằm thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững. |