Công nghệ thay đổi thế giới ảo thuật
Các nhà ảo thuật và chuyên gia công nghệ đang hợp tác với nhau, làm thay đổi thế giới bí mật của ảo thuật. Internet giúp chúng ta có thể học các thủ thuật một cách dễ dàng. Xu hướng này cũng dẫn đến sự sáng tạo.
Công nghệ xung quanh chúng ta. Điều kỳ diệu cũng vậy. Nhưng trong khi ảo thuật là nghệ thuật cổ xưa và bí ẩn, công nghệ lại hướng đến sáng tạo. Hiện nay, hai thế giới này đang bắt tay nhau để cùng tiến lên phía trước. “Internet vừa là may mắn vừa là lời nguyền đối với các ảo thuật gia” - Stuart Nolan nói. Với Nolan - tự nhận là người nghiên cứu ảo thuật, internet là lời nguyền, bởi mọi người thích đưa các đoạn video lên mạng và chia sẻ bí quyết nghề nghiệp. Nhưng với các ảo thuật gia như Simon Pierro, internet mang lại may mắn. 35 tuổi, Simon Pierro được mệnh danh là Ảo thuật gia Ipad. 3 năm trước, anh đưa clip đầu tiên lên internet, ghi lại buổi biểu diễn của anh với chiếc máy bảng của Apple. Đoạn video lan truyền trên mạng và tài khoản YouTube của Pierro từ đó đến nay đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem.

Buộc phải sáng tạo và thay đổi. Đó là điều không phải bàn cãi. Một chương trình biểu diễn của Pierro luôn có yếu tố bất ngờ, khiến khán giả phải “ồ, à”. Cách anh và các ảo thuật gia khác kết hợp công nghệ vào tiết mục biểu diễn đã khiến khán giả thích thú. Nhưng công nghệ và ảo thuật có lịch sử lâu đời gắn bó với nhau. Các ảo thuật gia luôn phải sáng tạo để cho ra đời những trò mới, đôi khi điều này dẫn đến việc nghiên cứu, phát minh ra các thiết bị mới. Kieron Kirkland, ảo thuật gia ở London chia sẻ: “Với tôi, phải luôn nghĩ cách để thích nghi và tạo ra những hiệu ứng mới phù hợp với thế giới hiện nay. Nó là động lực buộc chúng tôi phải sáng tạo và thay đổi”.
Vấn đề là các ảo thuật gia danh tiếng sẽ miễn cưỡng chia sẻ phát minh của họ với phần còn lại của thế giới. Nhưng do có nhiều video trên mạng giải thích các trò ảo thuật được thực hiện như thế nào, các ảo thuật gia buộc phải thay đổi cách làm việc. Năm ngoái, Kirland giúp tổ chức một sự kiện đưa các ảo thuật gia và công nghệ gia ngồi lại với nhau trong 1 ngày. Stuart Nolan cho rằng, ảo thuật gia và công nghệ gia có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. “Khi tôi làm việc với các nhà thiết kế, lúc họ động não, họ thường không nghĩ nữa ngay khi cho rằng điều đó không thể làm được”.
Nolan làm việc với các nhà khoa học công nghệ từ năm 2002 khi anh nhận được sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức từ thiện National Endowment for Science Technology and the Arts (Nesta). “Ảo thuật chỉ được nghiên cứu về mặt lý thuyết, đó một phần là lỗi của các nhà ảo thuật, bởi tất cả chúng tôi đều giữ bí quyết của mình. Vì thế, nếu ai đó muốn làm luận án tiến sỹ về ảo thuật, khó tìm thấy sách tham khảo” - Nolan nói.
Kết quả hợp tác giữa Nolan và các chuyên gia công nghệ là Nolan đã phát minh ra thiết bị đọc suy nghĩ và cảm xúc. Thiết bị này mượn nhiều kỹ thuật mà các nhà ảo thuật thời Victoria sử dụng. Thời đó, các nhà ảo thuật thường dùng máy đó phản ứng - cử động nhỏ, vô thức của cơ thể - để biết chúng ta đang nghĩ gì, cảm thấy như thế nào. Nolan hiện đang phối hợp với một nhà thiết kế trò chơi để áp dụng công nghệ trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Anh cũng quan tâm tới việc khám phá cách dùng robot trong thiết bị đọc suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Ngay cả khi các nhà ảo thuật không trực tiếp liên quan đến phát minh ra công nghệ mới, họ cũng thường được gọi để cung cấp phản hồi cho các công ty. Ảo thuật gia Ipad Simon Pierro cũng thử nghiệm công nghệ trong các chương trình biểu diễn trước khi nó được tung ra thị trường. “Phản hồi kiểu này có thể giúp cải thiện công nghệ trong các lĩnh vực khác”.
Ảo thuật thuộc về ai, ảo thuật gia hay chuyên gia công nghệ? Có thể công nghệ dẫn đường cho ảo thuật, hoặc cũng có thể ảo thuật thúc đẩy sáng tạo. Dù nói theo cách nào, sự hợp tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau có thể đem đến kết quả là công nghệ tốt hơn. “Các ảo thuật gia có thể đã sai khi nghĩ học sở hữu điều kỳ diệu. Chúng tôi thường nghĩ rằng phải giữ cho các tiết mục thật bí ẩn” - Stuart Nolan nói.
Có lẽ kỷ nguyên số là sự chấm hết của sự bí ẩn.