Các cô nàng Avignon

Trang Thanh Hiền 07/04/2014 08:38

Các cô nàng Avignon của Picasso có quyến rũ không? Câu trả lời là Không! Nhưng chính cái vẻ khiêu khích, táo tợn của các cô đã khiến Picasso bị đồng nghiệp la ó khi lần đầu tiên họ nhìn thấy năm 1907. Tuy nhiên, đến nay Các cô nàng Avignon lại được xếp vào loạt tác phẩm quan trọng bậc nhất của nghệ thuật hội họa thế kỷ XX.

Đến Paris năm 1904, khi nơi này trở thành trung tâm của nghệ thuật tiền phong, Picasso ngay lập tức được chú ý bởi phong cách hiện thực pha chút cổ điển mà ông học được từ cha mình. Với việc sử dụng thuần nhất các gam màu, Picasso đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn mà các nhà phê bình mỹ thuật gọi là thời kỳ Lam, thời kỳ Hồng. Nhưng không hài lòng với tất cả những gì đã đạt được, chàng trai trẻ Picasso lúc đó mới 26 tuổi đã đi tìm một phương cách mới mẻ hơn. Cuộc gặp gỡ tình cờ của ông với các mặt nạ Iberia (châu Phi) đã làm nên cuộc cách mạng. Dường như nó đã thay đổi tận gốc quan niệm hội họa của ông để mở ra thời kỳ mới, thời kỳ “Đen” và trường phái Lập thể của mỹ thuật thế kỷ XX, bắt đầu với Avignon (Các cô nàng Avignon).

Các cô nàng Avignon - sơn dầu trên toan, kích thước 244x234cm, hiện được lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York.
Các cô nàng Avignon - sơn dầu trên toan, kích thước 244x234cm, hiện được lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York.
Các cô nàng trong những tư thế khác nhau, khỏa thân trước một khung cảnh nhàu nhĩ vải vóc. Một vài quả nho, vài miếng dưa hấu vất vưởng trên mặt bàn cũng nhàu nhĩ ở tiền cảnh. Rõ ràng không theo một cách mô tả thông thường, đặc biệt là các gương mặt. Sự băm nát đến thô bạo khiến các nhân vật nữ này hầu như không còn gợi lên cảm giác yêu kiều vốn có ở tranh khỏa thân. Sự mệt mỏi hiện ra trong các hốc mắt đen, cánh mũi vát cong, khuôn mặt biến dạng nửa như nhìn theo chiều chính diện nửa như muốn diễn tả theo chiều nhìn nghiêng. Đồng điệu với các khuôn mặt mang dáng dấp “Đen” mà Picasso học được từ các tác phẩm mặt nạ châu Phi lại được đặt lên một thân thể trắng nõn nà, nhưng cũng bị băm thành các hình trụ vát xiên. Các cô nàng Avigon như được ghép nên từ những tấm bìa, lộ ra thân phận “gái điếm” của chính họ. Dẫu rằng khi vẽ, Picasso không hẳn đặt trọng vấn đề chủ đề tác phẩm mà chỉ muốn nhấn mạnh cách thức sử dụng mảng dẹt để tạo nên một giá trị biểu hình khác. Nhưng rõ ràng, từ hình thức cắt ghép, sự phân biệt màu da trong tác phẩm của ông như vô thức đã khiến cho bức tranh vượt ra ngoài ý muốn ban đầu của chính tác giả. Do đó không phải bỗng nhiên mà tác phẩm khi ra đời đã không nhận được sự thông cảm từ chính các họa sỹ đương thời. Nó đã bị giấu kín suốt 30 năm và chỉ được bày công khai trong triển lãm của các hoạ sỹ lập thể năm 1937, khi trường phái này đã có chỗ đứng vững chắc.

Ngày nay người ta còn có thể nói đến vấn đề phân biệt chủng tộc, hay các cô gái giang hồ bỗng chốc bước vào hội họa như đã lật ra mặt trái xã hội phương Tây lúc bấy giờ, ngoài thông điệp khởi đầu cho trường phái Lập thể của bức tranh. Các cô nàng Avignon bản gốc, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York, sẽ vẫn là chủ đề hấp dẫn cho các nghiên cứu về nghệ thuật. Còn bản sao của các nàng thì nhan nhản khắp nơi, trên bưu thiếp, sách vở, đồ lưu niệm, trở thành một hình tượng quen mắt cho hội họa thế kỷ XX.

Trang Thanh Hiền