Mobifone và nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN

Hải Thanh 06/04/2014 08:50

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã quyết định tách Công ty Mobifone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để chuẩn bị cổ phần hóa. Theo đó, Vinaphone và Mobifone sẽ trở thành 2 đơn vị tách biệt, cùng hoạt động trên thị trường viễn thông với mục tiêu cùng lớn mạnh, giữ thương hiệu và phát triển tốt hơn.

Nguồn: tapchitaichinh.vn
Nguồn: tapchitaichinh.vn
Theo Đề án Tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ, Mobifone sẽ tách khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động. Tổng công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động. Như vậy, Mobifone sẽ được tách ra khỏi VNPT mà không phải gánh theo một số doanh nghiệp đang kinh doanh không hiệu quả trong tập đoàn. Trong khi, theo Đề án tái cơ cấu VNPT trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, sẽ chuyển 62 doanh nghiệp thuộc tập đoàn sang thuộc sở hữu của Mobifone sau khi tách ra. Song trong các doanh nghiệp này có nhiều đơn vị thua lỗ trong năm 2012 như: Công ty Tài chính Bưu điện lỗ 635 tỷ đồng; hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 lỗ 411 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành. 

Việc tách Mobifone được cho là sẽ tạo khoảng trống cho VNPT, bởi công ty này hiện chiếm từ 60 – 70% lợi nhuận của tập đoàn. Thậm chí, ngay cả tại phương án đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, thì VNPT cũng được nhận định sẽ khó khăn trong một số năm đầu khi mất đi con gà đẻ trứng vàng của mình. Nhưng nếu tách Mobifone ra khỏi VNPT thì quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này sẽ diễn ra nhanh hơn. Bởi Mobifone hiện đã khẳng định được thương hiệu, hạ tầng mạng hoàn chỉnh, có phương thức quản trị tốt. Và khi không phải nhận các doanh nghiệp thua lỗ thì giá trị của Mobifone sẽ được nâng cao, thu hút được nhà đầu tư quan tâm, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, việc Mobifone được tách ra mà không phải mang theo doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nào của VNPT được cho là một minh chứng thể hiện nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 

Theo các chuyên gia, quyết định này của Chính phủ cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Bởi với lợi thế của Mobifone hiện nay thì quá trình bán cổ phần ra công chúng sẽ có thể giúp mang lại một khoản tiền lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Và lợi ích của các cổ đông sẽ là sức ép buộc công ty phải thay đổi quy trình quản lý, quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, theo đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), việc cổ phần hóa MobiFone sẽ buộc hai nhà mạng Viettel, VinaPhone phải tăng tốc cải cách để phục vụ khách hàng tốt hơn, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng, khi tiến hành cổ phần hóa, MobiFone sẽ có một nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, công nghệ và kỹ năng quản lý... Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường viễn thông. Áp lực cạnh tranh sẽ buộc hai doanh nghiệp viễn thông lớn khác trên thị trường, cũng như các doanh nghiệp còn lại phải tiếp tục đổi mới phương thức quản trị, đưa nhiều tiện ích hơn cho người sử dụng. Đồng thời, việc cổ phần hóa Mobifone sẽ là một cú hích, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường chứng khoán nước ta. 

Quyết định tách Mobifone ra khỏi VNPT và tiến hành cổ phần hóa nhanh chóng đã cho thấy nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ. Và nếu những tác động của việc cổ phần hóa Mobifone đúng như dự đoán thì sẽ tạo động lực cho quá trình tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác.

Hải Thanh