Nghĩ về thông điệp
Của tin gọi một chút này...

Hà Hồng Bàng
Nguyên Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Thọ
05/04/2014 09:10

Vừa qua, Báo ĐBND có tổ chức Hội nghị cộng tác viên toàn quốc tại Thanh Hóa. Đây là hội nghị thường niên của Báo. Nhiều người khen về cách tổ chức và ý nghĩa to lớn của nó đối với cơ quan dân cử ở địa phương cũng như với các cộng tác viên toàn quốc Báo ĐBND. Mỗi lần đi dự Hội nghị là mỗi lần tăng thêm những ấn tượng tốt đẹp về tờ báo mà mình đang cộng tác. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tình cảm của anh chị em tòa soạn đối với cộng tác viên. Trong phát biểu khai mạc và cũng là đề dẫn của Hội nghị, Tổng biên tập Báo ĐBND Hồ Anh Tài đã mượn câu thơ của Nguyễn Du để đưa ra một thông điệp (coi như một định hướng) đối với Báo ĐBND và các cộng tác viên: “- Tờ báo này là Của tin gọi một chút này làm ghi. Vì dân, vì nước”.

Nghe từ vì dân, vì nước - sao mà cao sang thế. Là cộng tác viên ở cơ sở một năm viết đôi ba bài với những thông tin lặt vặt về hoạt động dân cử ở địa phương và phản ảnh một vài ý kiến nguyện vọng của cử tri mà cũng được coi là vì dân, vì nước, hãnh diện thật!

Là người có nhiều năm cộng tác với tờ báo, khá thân quen với các anh, các chị ở tòa soạn, tôi nhận thấy tờ báo này có điểm rất khác với nhiều tờ báo trong nước: đoan trang, chững chạc và hồn hậu... Lúc vui, tôi nói với bạn bè, tờ báo của ta như một cô gái xinh đẹp, thông minh ở trong một gia đình có giáo dục... Vậy mà Tổng biên tập khiêm tốn đến mức đó mới chỉ là... một chút làm ghi.

Đọc Báo ĐBND mới thấy tòa soạn đã huy động được khá đông đảo đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, học giả, các chức sắc tôn giáo... Điều này các tờ báo khác khó mà có được, vì ngay trong số ĐBQH đã hội tụ đầy đủ những gương mặt đó rồi, vì QH là một trong những nơi tập trung tất cả những gì tinh túy nhất của cả nước. Chẳng thế mà khi có vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, trong cử tri thường sẽ thấy ngay một vài vị ĐBQH xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để giải thích và định hướng dư luận.

Cái mà là một chút làm ghi của tờ báo có lẽ cũng đủ để chúng ta suy nghĩ và đánh giá một cách khách quan về tầm vóc của tờ báo. Đó là những  chuyên mục, những bài viết, những quan điểm chính thống. Nói đến Báo của QH, tưởng đâu sẽ toàn nói chuyện chính trị và bàn những vấn đề trọng đại mà không phải người đọc nào cũng hiểu hết được. Ý kiến này cũng có cái đúng, nhưng thực tế lại khác: tờ báo bàn về chính trị nhưng rất mềm mại, bàn về việc lớn nhưng không quên bàn những việc nhỏ, vì thế nó không khô cứng, không hô hào và không lên gân, lên cốt chung chung. Với tôi, khi tham gia giảng dạy ở một trường Cao đẳng, tôi để ý thấy một điều mừng là nhiều bài viết của cộng tác viên trên Báo ĐBND đã được các em sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí còn lấy làm tài liệu tham khảo trong quá trình học tập.

Là một tờ báo không có văn phòng đại diện, không có phóng viên thường trú ở các địa phương, nhưng lại có hàng trăm cộng tác viên ở khắp các địa phương trong cả nước. Trong xã hội hiện nay, nhiều lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp... thường rất ngại quan hệ với báo chí. Họ bảo nhau: với báo chí đừng gần và cũng đừng xa, có nghĩa là quan hệ có giới hạn và luôn thận trọng với báo chí và phóng viên báo chí, từ chối tiếp xúc là tốt nhất. Cá biệt có lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp cực đoan tới mức quy định với bảo vệ là không cho phóng viên báo chí vào cơ quan, cán bộ nhân viên cơ quan không được tự ý tiếp xúc với báo chí khi chưa có ý kiến của lãnh đạo (?).

Nhưng với Báo ĐBND lại khác, các phóng viên đi công tác về địa phương thì cùng ăn, cùng ở với anh em Văn phòng cơ quan dân cử địa phương. Họ sống và đối xử với nhau như người nhà. Chân thành, cởi mở, có gì nói vậy, chẳng khách sáo gì. Vậy mà bài viết vẫn hay, vẫn sâu sắc, vẫn thấy dũng khí của người cầm bút. Lâu lâu không thấy có phóng viên Báo ĐBND về, anh em cơ sở lại thấy buồn, thấy nhớ, có lãnh đạo cơ quan dân cử địa phương còn gọi điện cho Tổng biên tập trách khéo là ít cho anh chị em phóng viên về chơi. Tiếp xúc với anh chị em ở Tòa soạn, tôi biết trong dịp các địa phương tổ chức kỳ họp HĐND, tổ chức tiếp xúc cử tri, Tòa soạn cũng vất vả lắm trong việc phân công phóng viên đi cơ sở, vì nơi nào cũng mời, nơi nào cũng quý Báo ĐBND.

Có lẽ với người Việt Nam ta, sự chân thành và lòng tin vừa là phẩm giá vừa là lẽ sống, khi đã tin nhau thì họ hòa vào nhau, bồi đắp cho nhau, tạo dựng cho nhau. Chẳng thế mà đã nhiều lần và gần đây nhất là hôm họp hội nghị cộng tác viên ở Thanh Hóa, đã bế mạc, đã chia tay rồi mà dường như chẳng ai muốn về. Đến các chị, các anh ở tít xa trong Nam Bộ mà cứ dùng dằng hẹn anh Kim, chị Lan, chị Hằng, chị Huyền... thường xuyên vô nhé, nhớ lắm đấy! Nghe mà chạnh lòng với nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị khi nhà báo đăng ký làm việc thì vận muôn vàn lý do để từ chối, cứ chạy trốn báo chí như... mèo trốn con.

Như vậy cũng mới chỉ là một chút. Một chút vậy cũng đã là vì dân, vì nước.

Gần đây trong xã hội và trong Hiến pháp mới đều ghi nhận vai trò của báo chí. Thực tế nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều tấm gương điển hình... là do báo chí phát hiện. Làm báo cũng như người lính ra trận, phải có dũng khí, có tâm và có tầm. Như vậy làm báo cũng vì dân, vì nước chứ! Có lẽ điều này ở Báo ĐBND thì rõ hơn, vì Báo là tiếng nói của QH, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và của cử tri mà. Tờ báo bàn từ vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh và đến những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, đó là cái ăn, cái mặc, cái ở, học hành, đi lại của người dân. Gần đây, qua báo chí, dư luận đánh giá cao quyết định của ông ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nghe đâu khi đang làm việc ở nước ngoài, xem trên mạng internet thấy việc cô trò ở một xã thuộc tỉnh Điệån Biên phải chui vào túi ni lông qua suối để đến trường mà Ông chạnh lòng và cho rằng lỗi này trước hết là của một ĐBQH, sau đó là của Thủ lĩnh một ngành chuyên lo việc đi lại của người dân. Ông đã yêu cầu làm gấp cầu treo bắc qua con suối với phương thức vừa làm vừa thiết kế không cần đấu thầu và không cần lại quả như một lệ xấu lâu nay trong xây dựng để kịp cho cô trò đến trường. Như vậy một bài viết, một phản ánh, một lý tưởng, một đánh giá đúng cũng đã góp phần xây dựng tờ báo. Tờ báo hoàn thành sứ mạng thì tất thẩy chúng ta, các cộng tác viên, đã góp phần vì dân, vì nước rồi.

Một thông điệp, một mong muốn từ vị Tổng biên tập tờ báo của QH phải trở thành mong muốn và hành động của đội ngũ phóng viên và cộng tác viên chúng ta. Mỗi người đóng góp một chút thôi cho tờ báo, cho hoạt động dân cử, QH, ĐBQH và cử tri ghi nhận, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng tươi đẹp và phồn vinh. Hãy vì dân, vì nước.

Hà Hồng Bàng<br><i>Nguyên Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Thọ</i>