Các chức danh do HĐND bầu, làm việc kiêm nhiệm có nghỉ hưu theo tuổi không?

Bích Thủy 08/03/2014 08:44

Khi cán bộ công chức đã được cơ quan quản lý ra quyết định nghỉ hưu thì chức danh kiêm nhiệm ở HĐND có tiếp tục đảm nhiệm hay không còn đang bỏ ngỏ. Có ý kiến cho rằng đương nhiên thôi nhiệm vụ; ý kiến khác lại cho rằng chỉ thôi khi được HĐND miễn nhiệm; cũng có ý kiến lập luận, nếu khi đến tuổi mà đại biểu HĐND xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu và được HĐND chấp thuận thì đương nhiên thôi các chức vụ mà theo quy định phải là đại biểu HĐND mới được làm...

Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 giao nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND cấp tỉnh và huyện bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban HĐND, Hội thẩm nhân dân của TAND cùng cấp (Điều 17, 18, 25, 26 và 27). Ở cấp xã, khác với cấp tỉnh và cấp huyện là không có chức danh Ủy viên Thường trực và ban HĐND, không có Hội thẩm nhân dân (Điều 34 và 35). Trong đó, Luật quy định cụ thể thành viên của Thường trực HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp (Điều 52); Trưởng ban HĐND không thể đồng thời là Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cùng cấp (Điều 54).

Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 753 ngày 2.4.2005 của UBTVQH Khóa XI) quy định: Chủ tịch HĐND có thể làm việc kiêm nhiệm; Trưởng ban HĐND cấp tỉnh có thể làm việc chuyên trách, nếu Trưởng ban làm việc kiêm nhiệm thì Phó ban phải làm việc chuyên trách; Trưởng ban hoặc Phó ban HĐND cấp huyện có thể làm việc chuyên trách. Có thể hiểu, về chức danh Chủ tịch HĐND, thông thường là làm việc chuyên trách, trong trường hợp nào đó có thể làm việc kiêm nhiệm. Khác với chức danh Chủ tịch HĐND, chức danh Trưởng ban HĐND cấp tỉnh, Trưởng hoặc Phó ban HĐND cấp huyện thông thường làm việc kiêm nhiệm, trong trường hợp nào đó có thể làm việc chuyên trách. Về thành viên các ban HĐND cấp tỉnh và huyện, Luật không quy định cụ thể làm việc chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Như vậy theo quy định, các chức danh do HĐND bầu có thể làm việc kiêm nhiệm chỉ là các chức danh của HĐND, gồm có: Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó ban HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra, còn có thành viên các ban HĐND. Đây là quy định mở, giúp cho mỗi địa phương tùy vào tình hình cụ thể của mình để quyết định linh hoạt, phù hợp. Đồng thời cũng tạo ra tính đa dạng trong bố trí các chức danh do HĐND bầu ở mỗi địa phương, có sự khác nhau trong bố trí nhân sự hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Trưởng, Phó ban, các thành viên khác của các ban HĐND. Trong đó, Chủ tịch, Trưởng, Phó các ban dù làm việc chuyên trách hay kiêm nhiệm cũng đều là cán bộ nhà nước, chịu sự điều chỉnh của Luật Tổ chức HĐND và UBND, đồng thời chịu sự điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ đối với cán bộ công chức (CBCC) theo Luật CBCC.

Luật Tổ chức HĐND và UBND và Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND quy định khá cụ thể về các trường hợp HĐND chấp nhận đại biểu HĐND xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu, vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác (cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu); HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND do không còn xứng đáng theo đề nghị của UBMTTQ cùng cấp; Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi đại biểu bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp đương nhiên mất quyền đại biểu HĐND khi đại biểu phạm tội, bị TAND kết tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Riêng về miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu, Luật Tổ chức HĐND và UBND chỉ quy định trường hợp giao quyền cho Chủ tịch UBND miễn nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, phê chuẩn việc miễn nhiệm các thành viên UBND cấp dưới trực tiếp, miễn nhiệm cán bộ nhà nước theo sự phân cấp quản lý (Điều 127). Các chức danh khác của UBND do HĐND cùng cấp bầu (Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND), các chức danh của HĐND các cấp chưa thấy quy định cụ thể về điều kiện, quy trình thủ tục miễn nhiệm.

Khi CBCC đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan quản lý CBCC thông báo và ra quyết định nghỉ hưu. Với chức danh HĐND kiêm nhiệm thì HĐND không phải là cơ quan quản lý CBCC mà là cơ quan sử dụng CBCC (Luật CBCC giải thích:  Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền quản lý, phân công, bố trí, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức; Cơ quan quản lý cán bộ, công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, cho thôi việc, nghỉ hưu, giải quyết chế độ, chính sách và khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức). Luật CBCC cũng giải thích “Miễn nhiệm là việc cán bộ công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Vấn đề đặt ra là thực hiện quy định miễn nhiệm các chức danh trên như thế nào? Do chưa có quy định cụ thể về các trường hợp cần miễn nhiệm dẫn đến cách hiểu và làm khác nhau. Khi có quyết định điều động, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức vụ mới hoặc về hưu thì, có nơi đương nhiên thôi nhiệm, có nơi kỳ họp HĐND cùng cấp gần nhất tiến hành thủ tục miễn nhiệm. Tuy nhiên trong thực tế, có nơi còn lúng túng trong xử lý, đặc biệt đối với các chức danh của HĐND, làm việc kiêm nhiệm, khi đại biểu đã nghỉ hưu ở cơ quan.

Trường hợp khi CBCC đã được cơ quan quản lý ra quyết định nghỉ hưu thì chức danh kiêm nhiệm ở HĐND có tiếp tục đảm nhiệm hay không còn đang bỏ ngỏ. Có ý kiến cho rằng đương nhiên thôi nhiệm vụ, nếu tiếp tục sẽ vi phạm pháp luật lao động về độ tuổi nghỉ hưu; ý kiến khác lại cho rằng chỉ thôi khi được HĐND miễn nhiệm, nếu HĐND không miễn nhiệm thì vẫn đương chức; cũng có ý kiến lập luận, nếu khi đến tuổi mà đại biểu HĐND xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu và được HĐND chấp thuận thì đương nhiên thôi các chức vụ mà theo quy định phải là đại biểu HĐND mới được làm (Điều 90, Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005). Nhưng do không có quy định về tuổi tham gia đại biểu HĐND nên trong thực tế có một số trường hợp, khi có quyết định nghỉ hưu ở cơ quan công tác, đại biểu không có nguyện vọng và không có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu nên vẫn giữ chức danh ở HĐND cho đến hết nhiệm kỳ. Và mặc dù vẫn tiếp tục giữ chức vụ nhưng không có cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp.

Từ những vướng mắc trên, HĐND các cấp mong muốn nhận được sự quan tâm nghiên cứu, hướng dẫn của UBTVQH và Chính phủ để việc thi hành Luật Tổ chức HĐND và UBND của các địa phương được thực hiện thống nhất, đúng pháp luật.

Bích Thủy