Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải cơ sở

PV 01/03/2014 15:30

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải cơ sở.

Nghị định quy định chi tiết về phạm vi hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên và một số biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Nghị định cũng nêu rõ việc khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở, theo đó, cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định. Cùng với việc khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở, tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan; được khen thưởng khi có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cở sở theo quy định… Phạm vi hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, bao gồm mâu thuẫn giữa các bên; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; vi phạm pháp luật hình sự…
 
Nghị định cũng quy định, những trường hợp sau không được hòa giải, bao gồm mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp đã được quy định; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp đã được quy định; hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy dịnh của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành; hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành…
 
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Trong đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
 
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2014.

PV