Mèo đen
Truyện ngắn của Trịnh Sơn

12/02/2014 08:40

Vợ bỏ đi, tôi còn lại hai thứ.

Không, chỉ còn lại một thứ. Là cây đàn guitar mới tinh. Nàng thích đàn, tôi đàn. Tôi hát. Tất cả những bài ca nàng biết hoặc chưa biết. Nàng muốn tập đàn. Cây đàn nứt thùng cong cần cũ, nàng không thích. Nàng đau mấy đầu ngón tay bấm. Mua, mới.

Sai lầm đầu tiên của kẻ nghệ sĩ, có lẽ là luôn muốn sở hữu riêng mình, không muốn trải qua bất cứ thứ cũ kỹ nào người khác đã trải qua. Cây đàn mới, tốt, đắt tiền hơn nhiều lần cây đàn toang hoang từ thuở sinh viên bụi đời – nhưng tôi chẳng thể nào chơi một lần quá một bài. âm thanh của nó rõ hơn, sắc hơn. Mà tôi đã quen với thứ âm thanh rưng rức lụi tàn.

Nàng chưa học hết hợp âm thì bỏ đi. Chẳng cãi vã gì. Yêu nhau mấy năm, đi với nhau tận trời cuối đất thì có gì để làm đau nhau thêm nữa. Nàng âm thầm thu dọn hành lý, thì thầm trước khi lên xe, đủ cho tôi nghe.

Anh chỉ sống trong mơ. Mơ ngày mơ đêm. Em không thể mơ mãi được.

Lăn bánh. Con đường nuốt lấy nàng, gọn gàng, không dấu vết. Tôi về, nằm liệt giường mấy tuần. Kỷ niệm giam cầm tôi. Kỷ niệm là thứ virus đáng sợ. Khi bạn chống cự, nó càng hung dữ và ma mãnh hơn. Còn như bạn buông xuôi, nó đắc thắng, khạc nhổ vào nỗi u buồn thảm hại của bạn.

May mà, có con mèo. Một đêm không ngủ được, tôi nghe tiếng rên rỉ thảm thiết trước rào. Như tiếng con nít bị bỏ rơi. Đem con mèo nhỏ như nắm tay về, tôi không biết làm gì với nó nữa. Chắc là, sáng mai sẽ hỏi hàng xóm xem ai mất mèo. Nhưng, chẳng ai mất mèo. Nó bị bỏ rơi. Một con mèo con, cái, đen, mồ côi.

Buồn ngủ gặp chiếu manh. Kẻ đang chới với lạc loài dễ thương cảm và chấp nhận nhau. Con mèo đen huyền một màu. Tôi thường tắt đèn sớm, nó chìm vào bóng tối bưng bưng rồi thình lình nhảy xổ ra, bấu lấy tôi. Vài tháng, con mèo lông đã mướt rượt, nhảy nhót, leo trèo như thợ. Khi tôi ngồi im với cốc cà phê đen và nhả khói thuốc, nó trèo tuốt lên cành cây xoài, nằm im như chết. Bẫy. Con chim sẻ dại dột đã bị nó vồ rơi xuống sân, nằm ngửa.

Tôi không yêu chim lắm, nhưng tôi cũng không muốn con mèo thành kẻ sát sinh. Tôi vỗ về băng bó cho con chim, con mèo nằm kề bên, ra vẻ tức tối. Hai chân trước xòe cả móng ra, cào rách mặt đất. Tôi bỏ con chim vào cái rổ nhỏ, máng trên ngọn cây. Con mèo trèo lên, nằm kế bên nhướng cổ nhìn vào. Nó ấm ức vì mất trò chơi thú vị theo bản năng săn mồi, nhưng sau vài lần bị tôi đét vào mông thì chỉ nhìn chứ không dám hó hé nữa. Nó đi tìm con chim khác.

Khi con chim thứ hai tung cánh bay lên sau vài ngày điều trị thương tích, con mèo ngã vật ra. Nó không chịu ăn uống gì. Mày ốm à? Giận à? Vì tao tước mất thú vui của mày à?
Hay là mày cô đơn? Nay mai dậy thì, trổ mã rồi tìm một chàng mèo đẹp đẽ chứ lo gì. Cô đơn chỉ với đồng loại chứ làm sao cô đơn với loài khác hoàn toàn. Mèo cô đơn. Chim cô đơn. Chẳng bao giờ mèo với chim bớt cô đơn vì ở với nhau được.

Nó hiểu tiếng người, hoặc là tôi nghĩ thế.

Và, tôi nghĩ sai.

 Minh họa của Trung Dũng
Minh họa của Trung Dũng

Con mèo bỏ đi. Một buổi nọ, không thấy nó. Tôi đi tìm, khắp xóm, khắp đường. Nhà láng giềng bảo, mèo cái à? Không mất đâu. Chắc là theo anh nào rong chơi rồi lại về. Có người lại bảo, mèo đen hiếm lắm, họ bắt nấu cao là cái chắc.

Tôi đau đớn với hàng ngàn nghi ngờ và xấu hổ. Tôi đã lấy mất hai con chim chiến lợi phẩm của nó. Tôi ăn uống đạm bạc bữa rau bữa cá không cho nó no nê đầy đủ như bọn thú cưng. Tôi không cho nó chui vào chăn ngủ cùng. Tôi đi sớm về khuya. Tôi kể lể những câu chuyện buồn bã, thịnh nộ cuộc đời với nó mỗi ngày – nó có thích nghe đâu. Nó vô tư nghĩ suy và nhìn cuộc đời nhẹ nhàng thanh thản, ưa chạy giỡn và thích nuông chiều. Buồn là gì chứ? Thất bại là gì chứ? Nó không cần hiểu và không nhất thiết phải tốn thời gian để nghe thằng người yếu đuối, thua thiệt như tôi kể lể. Ngay cả chuyện nó bị bỏ rơi bên vệ đường đêm nào, chắc nó cũng đã quên. Người ta muốn quên bất hạnh, người ta chẳng cần biết thêm bất hạnh nữa.

Bảy ngày, con mèo vẫn biệt tăm. Tôi ôm đàn, cây đàn cũ mòn, ngồi dưới gốc xoài. Rệu rã, lảm nhảm. Người xa ta mèo cũng quên ta…

Mày hát nghe nẫu lòng bỏ mẹ. Đi uống rượu thôi. Thằng bạn cũ ghé thăm, bảo vậy. Nó lôi tôi ra quán nhậu.

Mày không biết, khi buồn thì rượu với thuốc độc như nhau à? Tôi mím môi nốc cạn ly đầu tiên. Từ ngày vợ bỏ đi, tôi không chạm tới rượu. Chẳng phải hay ho đứng đắn gì, khi còn nàng, tôi vẫn xúng xính đua theo chúng bạn vào quán xá đến ngả nghiêng đấy thôi. Tôi biết, rượu vào thì bao nhiêu mặc cảm, dằn vặt, tội lỗi lại trỗi dậy, mạnh mẽ như sợi dây đàn căng cứng. Chỉ chực chờ một vệt phím nhẹ chạm vào, lập tức đứt tung. Đứt không thương tiếc. Buồn bã là hợp âm chủ, kéo theo réo rắt hận thù và đau thương. Đến tởm lợm. Đến gục ngã. Cho tới khi ói ộc hết gan ruột với mật xanh mật vàng ra ngoài mới thôi.

Đã có bao nhiêu cái lavabô hứng lấy bao nhiêu thứ tanh tưởi trào ra từ cổ họng tôi? Thịt này cá này cơm này rau này rượu này. Khói thuốc nữa. Và kể cả những cặn bã lâu ngày ứ đọng trong ngóc ngách ruột non phổi già. Ai sẽ dọn dẹp, xối nước cho chúng trôi xuống cống rồi xịt nước hoa rẻ tiền cho át mùi đi? Những người cùng khổ, làm công việc ấy. Họ lẳng lặng ra vào nhà vệ sinh. Khăn nóng đây anh ạ, lau mặt cho tỉnh, lau tay cho sạch. Máy sưởi kia, hong khô nhé, tự động đấy. Gớm, say sướng thế nhỉ.

Hôm nào rủng rỉnh lương bổng, tôi sẽ boa hào phóng cho họ. Mừng rỡ ra mặt. Anh cho em nhiều thế? Hơn cả ngày công. Cảm ơn, cảm ơn.

Có những ngày eo hẹp, tiệc tùng bạn bè bao, đi vệ sinh xong không dám móc ví ra, giả vờ quên. Mặc kệ họ hỏi han, chu đáo. Mặc kệ ánh mắt họ chờ đợi như mọi khi. Tôi bước ra khỏi nhà vệ sinh như chạy khỏi trại giam. Trong bốn bức tường nhỏ hẹp ấy, họ là những kẻ cai ngục lạnh lẽo mà lương tâm chuếnh choáng của mấy kẻ nghèo bày đặt rượu chè rồi bày đặt ói mửa như tôi là phạm nhân nhục nhã.

Uống gần cạn chai, thằng bạn mới rủ rỉ. Mẹ kiếp, vợ bỏ rồi mày ạ.

Sao, mày cũng bị vợ bỏ à? Con người ta giỏi nhất là giả vờ, dù chẳng có sách vở nào dạy giả vờ. Phải chăng, tôi đang thấy mình là kẻ bất hạnh lắm, khốn khổ lắm vì vợ bỏ đi trước một gã đàn ông gia đình đề huề, vợ thủy con chung? Nhưng, trước một gã cũng bị vợ bỏ như mình, tôi chợt lớn hẳn. Vai thẳng hơn. Cổ cao thêm mấy đốt.

Nàng bảo rằng tao chỉ biết trần thế phàm tục. Chỉ biết phần xác mà không chịu lo phần hồn. Vớ vẩn quá. Tao chở nàng đi nhà thờ mỗi chủ nhật, chờ đợi nàng amen, rước lễ, xưng tội đàng hoàng còn muốn gì nữa? Muốn tao cũng hì hục quỳ lạy, tung hô ông cha xứ à? Ông ta có phải là Chúa trời đâu? Ông ta đã chết bao giờ đâu mà biết sau khi chết người ta lên thiên đàng hay xuống địa ngục? Ông ta tin Chúa bằng đám con chiên không? Vợ tao hễ bệnh đau chưa kịp đi bệnh viện thì vào ngay nhà thờ để cầu nguyện. Còn ông ta, mới sụt sịt khàn giọng là có hẳn mấy vị bác sĩ xách nước biển, thuốc men đến bồi bổ, chữa trị ngay.

Tôi gục gặc, giả vờ quan tâm, mắt nhìn chăm chăm, lắng nghe nó nói. Câu chuyện của người kể và người nghe chẳng thể nào giống nhau. Khoảng cách từ miệng đến tai không xa lắm, nhưng đã trải qua biết bao nhiêu hạt bụi li ti cấu tạo nên thân thể và thế giới này. Vả lại, tôi đang bận nghĩ đến vợ mình. Nàng bỏ đi vì gì nhỉ?

Chắc chắn, nàng đã nói, vì tôi chỉ biết sống trong mơ. Mơ ngày mơ đêm. Còn nàng, thỉnh thoảng nàng có mơ, có nói mớ – nhưng cái việc mơ của nàng là bất khả kháng, là trời cho, là tiềm thức ban tặng. Nàng không mơ như tôi. Nàng bước ra khỏi giấc mơ ngay khi đồng hồ báo thức reng reng gọi ban mai.

Có lần tôi hỏi nàng, hạnh phúc ở đâu nếu không phải trong mơ? Người ta có quyền hy vọng và sống trong hy vọng ấy.

Nhưng, đó không phải thứ hạnh phúc em muốn. Em cần thứ hạnh phúc có thực. 

Hạnh phúc là gì?

Nàng không trả lời. Mắt nàng đã bắt đầu ngấn nước. Tôi chịu thua. Khi ấy, tôi nghĩ hạnh phúc là thứ đã mất. Bây giờ, trước mặt thằng bạn đang u uất thét gào về luân lý, tôi nghĩ thêm rằng, hạnh phúc là những thứ sắp mất chứ không chỉ là đã mất. Thằng bạn tôi, hai vợ chồng nó không phải đã rất hạnh phúc sao? Nó khóc như con nít. Mẹ kiếp. Tao sắp phải đem cả cái nhà thờ của vợ vào tòa án rồi, mày ạ.

Tôi có thể đem giấc mơ của tôi vào tòa án không? Ai sẽ xét xử, kết tội hoặc tha bổng một giấc mơ? Pháp luật và mọi lý lẽ công bằng xã hội không phải đều xuất phát từ những giấc mơ của con người hay sao? Mơ bình đẳng, người ta ban hành luật nhân quyền. Mơ gia đình, người ta dệt ra luật hôn nhân. Mơ gì người ta sẽ đẻ ra thứ luật tương ứng.

Mày có nghe tao nói không hả? Thằng bạn gào lên. Nhễu nhão. Trong cái quán rượu đầy những mồi mỡ và khuôn mặt xanh như tàu lá chuối hoặc đỏ lựng như gà thiến này, ai nghe ai? Mày cứ nói đi. Tao không nghe thì mày nghe. Mày không nghe tức là mày không còn gì để nói nữa.

Bố khỉ. Mày biết cách làm tao khuây khỏa đấy. Học ba mớ ní nuận ấy ở đâu ra thế? Đừng bảo là ở trong mơ nhé.

Men bốc lên cao. Tôi ném ly rượu xuống bàn. Ném luôn chai rượu. Mày khinh bỉ tao à? Mày là cái quái gì mà không cho tao mơ? Ai có quyền cấm người khác mơ? Quán rộn lên. Tiếp viên chạy đến. Họ dìu tôi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Trong gương, mặt tôi méo mó kỳ dị. Sau mỗi giấc ngủ, con người ta vào nhà vệ sinh, rửa ráy mặt mày sạch sẽ, tươi tỉnh rồi mới bước ra đường. Trở về, lại vào nhà vệ sinh rửa ráy bụi bặm suốt ngày đeo bám rồi mới lên giường. Bước vào giấc mơ.

Xin lỗi. Tôi bấu vai thằng bạn. Tao say quá. Tao dị ứng với chữ mơ.

Nửa đêm, tôi liêu xiêu đẩy cổng vào nhà. Mình quên tắt đèn suốt ngày nay sao nhỉ? Quên cả khóa cửa.

Không, tôi chẳng quên gì. Vợ tôi ngồi dưới gốc xoài. Anh đi đâu giờ mới về?

Nàng mới mẻ hẳn. Váy hoa. Giọng nói mượt mà hơn trước. Nhung nhớ cột chặt tôi vào vợ sau bao ngày xa cách. Mắt ấy, môi ấy, vú ấy, cả thân thể ấy. Tôi ve vuốt nàng bằng tất cả sự thèm khát dồn nén. Nàng nhiệt tình đáp lại. Nhuần nhuyễn yêu đương. Cùng với ham muốn và cảm xúc căng phồng như quả bóng bay với gió, tôi nghe rõ nỗi tuyệt vọng không rõ tên tuổi hình hài đang ngược ngạo xâm chiếm tâm hồn mình bằng từng nhát cắn thú dữ, từng nhát, từng nhát. Trong mùi nước hoa ngọt ngào của vợ kề bên, tôi vẫn nghe rõ mùi gì đó thum thủm như xác chết thoang thoảng tới. Nàng cũng nghe. Không có em ở nhà, anh không chịu quét dọn gì. Chắc là rác bốc mùi rồi.

Bao nhiêu câu hỏi muốn bật ra khỏi môi tôi nhưng đều nghẹn lại. Nàng rạo rực và tha thiết quá. Nàng đã trở về. Vẫn là nàng, tôi thuộc từng đường tơ kẽ tóc nhưng quá đỗi xa lạ, xa lạ một cách mơ hồ với người vợ trong giấc mơ tôi đã lưu giữ suốt thời gian cô độc vừa qua. Cho tới khi cả hai xuôi xị, tôi thấy rõ ràng, dưới khóe mắt nàng có giọt nước nho nhỏ lăn chầm chậm.

Quà mừng em về đâu? Nàng thỏ thẻ.

Bất cứ điều gì anh có. Kể cả những giấc mơ. Tôi quả quyết như mình là Thượng đế. Là kẻ có thể tạo ra và sở hữu giấc mơ.

Thật chứ? Nàng sờ nắn hai bàn tay tôi thật lâu rồi cầm lấy mười đầu ngón tay quệt nước mắt trên má. Như chiếc khăn nóng. Tôi hít sâu. Anh đàn cho em nghe nhé.

Tuyệt quá. Nhưng, lấy cây đàn mới ấy. Nàng ra điều kiện.

Hai cây đàn nằm cạnh nhau. Cây đàn mới nặng hơn hẳn. Đứt mất mấy dây rồi em ạ.

Sao thế nhỉ? Hôm em đi vẫn còn nguyên mà. Anh xem trong thùng đàn có dây dự phòng không?

Tôi dốc ngược mặt đàn tìm dây dự phòng. Trời ơi. Con mèo. Thân thể còn nguyên. Còm nhom da bọc xương. Mắt mở trao tráo. Chỉ khác là hai tâm mắt không sáng xanh thôi. Vợ tôi rú lên khi thấy con mèo chết khô rơi từ thùng đàn ra. Làm sao nó chui vào và chết trong đây được chứ? Vào được, cớ gì không ra được?

 *

Chính vợ tôi là người có công hàn gắn cuộc hôn nhân của vợ chồng thằng bạn. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau ở đâu đó, khi tụ tập ăn uống ở quán xá, lúc kéo về gốc xoài nhà tôi, cười nói vui vẻ như chưa hề trải qua biến cố gì. Thi thoảng, thằng bạn rỉ tai, nháy mắt với tôi: Vạn tuế nhà thờ! Vạn tuế giấc mơ!
Vợ tôi và vợ chồng thằng bạn chẳng thể nào biết, tôi đã chôn con mèo cái đen và những giấc mơ đời mình ngay dưới gốc xoài.