Chuyện trò với hồn Liễu, với Thăng Long nghìn tuổi
Vân Long

26/01/2014 16:12

Hồn liễu đâu

Hồn liễu đâu
Hồn liễu đâu
Gió bạt hao gầy tóc
Vừa sáng, đã chiều nhòe
Những đường liễu ánh ướt
Như thưa dần theo năm tháng qua
Ngồi trước cây ta hỏi
Hồn liễu trầm
Hồn ẩn im trong lá
Hồn liễu buồn
Thế còn hồn ta?

Khi Vua Lý dời đô về đó
Liễu theo cùng hay liễu có từ lâu
Luân hồi kiếp đất
Chừng bao liễu vùi sâu
Bao nhiêu lần hưng phế
Ai ca khúc cổ độ sầu
 
Lúc Nguyễn Trãi áo thô lều cỏ
Bà ngựa gày(*) nhìn liễu chồn chân
Đêm Nguyễn Du gieo khúc Kiều thứ nhất
Liễu thẳm buồn trong mắt Kiều không
Khi Cao Chu Thần lạy trăng chống kiếm
Trăng Thăng Long vắt bóng liễu lên thành
Ngày Hoàng Diệu về trời
Liễu buồn biết mấy
Xõa tóc thề quên nghi ngút xanh…

Ta thực chứng tuổi thơ ta vừa đó
Náo nức ùa reo đón các anh về
Những biển cờ
Những sao vàng chói lóa
Liễu cũng tưng bừng xanh các cửa ô

Ta từng sống một thời khốc liệt
Bom B52 tàn sát Khâm Thiên
Phía Bạch Mai
Phía Sông Hồng
Phía Đức Giang
Lửa táp
Thăng Long cắn môi im lặng lên đường        
 
Ta kiêu hãnh trong sư đoàn trẻ nhất
Ngoái Thăng Long mà giữ nóng con tim
Tiếng của Thăng Long mang lời nguyền liễu
Người đi
Người đi
Nén day dứt mà đi
Người đi! Rất nhiều không về nữa
Một người anh tôi cũng từ ấy không về!
Vừa mắt chớp đã bời bời năm tháng
Liễu dần thưa. Hà Nội chen tầng
Cơn gió thổi qua hồ khe khẽ
Hồn ta nhàu gặp liễu có xanh không…

                         Hà Nội, tháng 9.2009

                              HOÀNG QUÝ
________

(*) Chữ trong thơ Nguyễn Trãi
 
Bài thơ của Hoàng Quý có hơi thở của một bài hành, không phải nhà thơ đưa ta qua những dặm đường, mà là ngược dòng lịch sử của đất nước qua bao hưng phế thăng trầm. Điểm sáng tạo đầu tiên của nhà thơ là lập tứ: chuyện trò với Hồn liễu! Dựa vào đặc điểm cảnh sắc Thăng Long xưa, có những con đường trồng toàn hòe, có con đường trồng toàn liễu, nay còn âm hưởng ở phố Hòe Nhai, đường Liễu Giai… Đối tượng đàm thoại phải hiểu biết, từng trải. Hồn liễu đã đáp ứng được yêu cầu đó. Không những thế, nó còn tiêu biểu cho cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của đất kinh kỳ, nhà thơ phục bút ở chi tiết này để đến cuối bài, ông chỉ cần gài một câu: Liễu dần thưa - Hà Nội chen tầng là đã rõ cái ý than tiếc: thiên nhiên môi trường đang bị xâm hại. Hồn liễu như cái bóng của Thăng Long xưa, lại cũng là cái bóng văn hóa của nhà thơ được anh tự tách mình ra để đàm thoại, cũng là độc thoại nội tâm; một thứ bóng âm nhằm khơi sâu tiềm thức, tăng độ cảm khái hấp dẫn người đọc. Tôi biết Hoàng Quý là người sinh trưởng ở vùng đất Tổ Phong Châu, sau mới chuyển cư vào Vũng Tàu, do vậy, càng dễ mang nặng những ám ảnh thường hằng của lịch sử.

Ngàn năm trước có phải liễu đã theo Lý Thái Tổ về đây? Nhà thơ hỏi cũng là để tự trả lời. Liễu đã là một phần của cảnh sắc trường tồn (luân hồi kiếp đất/ Chừng bao liễu vùi sâu) của Thăng Long cổ xưa, tồn tại đến ngày nay…

 Minh họa của Nguyệt Hàn
Minh họa của Nguyệt Hàn

Tác giả liên tưởng đến những con người đã tạo nên từng vỉa tầng văn hóa của Thăng Long: Lúc Nguyễn Trãi áo thô lều cỏ/ Bà ngựa gầy nhìn liễu chồn chân/ Đêm Nguyễn Du gieo khúc Kiều thứ nhất/ Liễu thẳm buồn trong mắt Kiều không/ Khi Cao Chu Thần lạy trăng chống kiếm/ Trăng Thăng Long vắt bóng liễu lên thành/ Ngày Hoàng Diệu về trời/ Liễu buồn biết mấy/ Xõa tóc thề quên nghi ngút xanh…

Một bài hành giầu tráng khí thường có bi, có tráng: Trăng Thăng Long vắt bóng liễu lên thành/ Ngày Hoàng Diệu về trời… có cái khí vị của Áo bào thay chiếu anh về đất của thơ Quang Dũng. Cái bi để tăng chiều sâu cho cái tráng: Ta từng sống một thời khốc liệt/ Bom B52 tàn sát Khâm Thiên/ Phía Bạch Mai/ Phía sông Hồng/ Phía Đức Giang lửa táp/ Thăng Long cắn môi im lặng lên đường.

Trước cái khốc liệt đó, sự cắn môi im lặng mới đáng sợ làm sao cho kẻ địch, nước mắt nuốt vào trong, tạo một sức bật thật ghê gớm vào mặt kẻ thù nào dám động đến Thăng Long nghìn tuổi, đến nước Việt muôn đời. Ta bị thuyết phục bởi sự ghìm nén, khi chính người viết những câu thơ ấy là một trong những người lính của sư đoàn trẻ nhất Thăng Long, dấu hiệu của đợt tuyển quân, huy động đến cả lứa tuổi măng tơ: Ta kiêu hãnh trong sư đoàn trẻ nhất/ Ngoái Thăng Long mà giữ nóng con tim.

Đó là lứa con cháu của Khí tiết Hoàng Diệu, của Tâm hồn và Tài hoa Nguyễn Du, của Kiếm của Thơ Cao Bá Quát.

Như chúng ta đã biết: lý tưởng Độc Lập Thống Nhất càng lớn, cái giá phải trả càng không thể không tương xứng, như một điều tất yếu: Người đi/ Nén day dứt mà đi/ Người đi/ Rất nhiều người không về nữa/ Một người anh tôi cũng từ ấy không về!

Chính sự mất mát ruột thịt đó làm nguồn cho cảm khái của tác giả trước hiện thực cuộc sống hôm nay. Bên cạnh sự nghiệp tích cực dựng xây một Hà Nội đàng hoàng hiện đại, còn đan xen những tiêu cực, lợi dụng kẽ hở của cơ chế để ăn chặn mồ hôi đất đai của nông dân khi Liễu dần thưa, Hà Nội chen tầng, làm mất đi, làm xói mòn những nét đẹp văn hóa của Thăng Long nghìn tuổi: những đầm hồ Thăng Long bị san lấp, những vườn đào truyền thống bị bứng khỏi đất sống của chúng, nhiều cảnh quan Thăng Long đang bị bê tông hóa. Những tòa cao ốc ngạo nghễ đến vô cảm trước môi trường thiên nhiên bị xâm lấn, bị hủy hoại… vì những cơn sốt đất kinh doanh xây dựng…

Ta không phản đối những khu đô thị mới đầy đủ tiện nghi từ bệnh viện đến nhà trường, hồ bơi, sân bóng… đã và đang hoàn thiện ở thủ đô Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh, như những hình mẫu cuộc sống chúng ta đang vươn tới, đã đặt được bước chân đầu tiên trên đất nước thuần nông xưa. Nhưng ta không thể không quan tâm gì đến đời sống những người chủ cũ nông dân của khu đất ấy đang và sẽ sống ra sao với khoản tiền đền bù chưa thích đáng (không đủ tạo dựng một cuộc sống mới, một nghề nghiệp mới với những đứa trẻ phải được học hành, khỏe mạnh), nhưng lại quá thừa cho đám trẻ mới lớn chưa biết giá trị đồng tiền lao vào chốn đỏ đen, ma túy… rồi lưu manh hóa, gia tăng những tệ nạn xã hội.

Lịch sử bước những bước rộng dài Vừa chớp mắt đã bời bời năm tháng… để ta lại đứng trước những mối lo mới khiến kẻ thức giả không khỏi đau lòng Hồn ta nhàu gặp liễu có xanh không…

 Chúng ta thông cảm với sự bức xúc của nhà thơ, nhà thơ không thể chỉ ca ngợi như có thời chúng ta chỉ biết tô hồng. Thời chiến tranh, nhà thơ biết xung phong, thì nay, nhà thơ cũng phải biết lo toan xây dựng một xã hội hiện đại mà không phải trả giá quá đắt.