Đường dây nóng - kênh giám sát hữu hiệu của ngành y tế

Thúy Nguyễn 25/01/2014 08:52

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết sau 2 tháng triển khai đường dây nóng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây không những là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân mà còn là kênh giám sát hữu hiệu và có hệ thống của ngành y tế, góp phần nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh.

Nguồn: vcmedia.vn
Nguồn: vcmedia.vn

Phản ánh của người dân được giải quyết

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ khi triển khai vào tháng 11.2013, đến nay, đường dây nóng của Bộ Y tế đã nhận được gần 3.000 cuộc gọi, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 49 cuộc, trong đó có ngày số cuộc gọi lên đến 198 cuộc. Tuy nhiên, chỉ có 34% cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận. Đặc biệt, có tới 30% cuộc gọi chỉ để nháy máy và quấy rối. Thời gian người dân gọi đến đường dây nóng tập trung vào giờ hành chính…

Trong số 894 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi, Tổng đài của Viettel đã tổng hợp có 77,1% cuộc gọi phản ánh của người dân ở mức độ bình thường, yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra xác nhận lại hiện tượng tiêu cực tại các cơ sở y tế; 22,9% ý kiến còn lại là những phản ánh bức xúc của người dân tập trung vào thái độ, trách nhiệm của y bác sĩ. Những trường hợp này thường là chính bệnh nhân hoặc người thân bệnh nhân phản ánh và có yêu cầu Bộ Y tế phản hồi thông tin.

Riêng về tình trạng gian lận, hối lộ trong các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc, trong hai tháng có 142 phản ánh liên quan đến việc bác sĩ nhận thù lao thêm, tiền bồi dưỡng (tập trung tại các khoa sản), yêu cầu thu phí phẫu thuật cao hơn thực tế. Bệnh nhân vào khám chữa bệnh phải chi tiền bồi dưỡng để được khám nhanh hơn, quá trình thay băng, tiêm... Một số bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng “cò mồi” thu phí ăn chia với bệnh viện làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh và trật tự an ninh, ông Trường nói.

Trong 2 tháng, trên cơ sở rà soát 2.626 ý kiến phản ánh đến đường dây nóng, Bộ Y tế đã dự thảo 128 công văn chỉ đạo gửi các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Đối với các trường hợp phản ánh cụ thể, khẩn cấp liên quan đến sức khỏe người dân, Thường trực đường dây nóng Bộ Y tế đã có chỉ đạo trực tiếp bằng điện thoại đến ngay các Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế để yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cụ thể, Sở Y tế An Giang cũng đã chuyển công tác đối với một nhân viên y tế có lời nói coi thường bệnh nhân, sau khi sự việc được phản ánh qua đường dây nóng. Bệnh viện Đa khoa Bố Trạch, Quảng Bình cũng nghiêm túc nhận sai sót, kiểm điểm và chấn chỉnh công tác KCB sau khi bệnh nhân phản ánh thái độ, trách nhiệm của thầy thuốc chưa đúng…

Gắn với công tác quản lý chất lượng KCB

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đường dây nóng chính là giải pháp tức thì bước đầu giải quyết những bức xúc của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; đồng thời để ngành y tế chấn chỉnh thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kịp thời biểu dương những tấm gương thầy thuốc hết lòng vì người bệnh.

“Có những trường hợp cán bộ y tế không làm tròn trách nhiệm, mà rõ nhất là thái độ ứng xử; thứ hai là tắc trách trong chuyên môn, có thái độ vòi vĩnh. Các thầy thuốc đừng nghĩ người bệnh đến khám chữa bệnh là phải xin, phải cầu cạnh. Phải hiểu rằng có bệnh nhân mới có mình, không có bệnh nhân thì bác sĩ sinh ra để làm gì” - người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2014, ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; phát huy có hiệu quả tác dụng của đường dây nóng trong việc xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tinh thần, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện công khai giá dịch vụ; đồng bộ về cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê khẳng định, thông qua các phản ánh của người dân từ hệ thống đường dây nóng bệnh viện, các cán bộ y tế đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, Cục trưởng Khuê cũng cho rằng, để duy trì thành quả bước đầu này, thời gian tới, các sở y tế và các bệnh viện cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo và nhân viên bệnh viện về tầm quan trọng của việc phản hồi từ người bệnh và nghiêm túc thực hiện chỉ thị về đường dây nóng. Cần gắn hoạt động đường dây nóng với quản lý chất lượng bệnh viện và coi đây là một trong những kênh quan trọng để lắng nghe phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ để có giải pháp cải thiện…

Thúy Nguyễn