Du lịch mua sắm - bao giờ thành hiện thực

Bảo Khánh 11/01/2014 08:47

Du lịch mua sắm hiện đang phát triển mạnh ở nhiều nước và có thể coi là sản phẩm du lịch chủ đạo thu hút khách nước ngoài tới tham quan. Hiệu quả kép từ loại hình du lịch này, vừa phát triển du lịch, vừa kích thích khả năng tiêu dùng hàng hóa và mấu chốt cuối cùng là đem lại nguồn thu xã hội cho đất nước.

Nếu nói tới du lịch mua sắm, người ta thường nhắc tới Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan là “thiên đường mua sắm”. Ngay cả các tour du lịch thông thường, các đơn vị lữ hành cũng thường lồng ghép những điểm mua sắm, làm hấp dẫn chương trình tour và đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Đặc biệt những mùa giảm giá, số lượng du khách luôn tăng lên đột biến. Không ít du khách coi du lịch mua sắm mới là mục tiêu đầu tiên của chuyến đi của mình, nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền mua hàng hóa còn nhiều hơn tiền mua tour.

Trong khi đó, nhiều du khách đến Việt Nam đều có chung nhận xét rằng, Việt Nam chỗ tham quan thắng cảnh thì có nhưng cơ hội để tiêu tiền thì không nhiều. Bởi các điểm tham quan, khu mua sắm chưa được đầu tư đúng mức, chưa phù hợp với du khách nước ngoài, ít điểm vui chơi, giải trí; chưa kể lại không có nhiều hàng hóa lưu niệm thu hút du khách. Đặc biệt, trong hệ thống dịch vụ vẫn phổ biến tình trạng chênh lệch giá giữa khách nước ngoài và khách Việt Nam, khiến du khách luôn có cảm giác mình phải trả giá cao, và không kích thích họ tiêu tiền.

Đa phần các chương trình du lịch nội đô, du lịch liên vùng nước ta chưa chú trọng đến việc kết nối với các điểm mua sắm. Một số trung tâm thương mại lớn chỉ mới phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong nước, chưa kết nối mạnh với các công ty lữ hành để thu hút khách du lịch nước ngoài.

Thực tế, trong hai, ba năm trở lại đây, ngành du lịch đã có những chương trình bán hàng giảm giá nhằm kích cầu du lịch. Đối tượng giảm giá là các siêu thị, cửa hàng mua sắm, cửa hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ. Các cơ quan tổ chức cũng sẽ lựa chọn tổ chức các phố mua sắm, phố nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ và phố ẩm thực tại các thành phố này, hay triển khai các chương trình bốc thăm trúng thưởng cho khách. Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính chất nhỏ lẻ, mới chỉ là tiền đề để phát triển du lịch mua sắm…

Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong tình hình hiện nay để phát triển loại hình du lịch mua sắm rất cần sự gắn kết giữa các công ty du lịch với ngành bán lẻ. Để du khách mở hầu bao, nhất thiết phải có sự kết hợp nhịp nhàng giữa các bên trong vấn đề cơ cấu lại giá bán, nhất quán trong việc cung cấp các dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng một cách tốt nhất. Theo kinh nghiệm của nhiều nước thì bước đầu chúng ta nên hướng đến những sản phẩm mang đặc trưng của Việt Nam, thay vì những sản phẩm đại chúng, thiếu điểm nhấn; đồng thời sản phẩm phải bảo đảm chất lượng dù là sản phẩm đơn lẻ hay cả gói dịch vụ - tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để kích thích nhu cầu mua sắm, điều trước tiên là các địa phương cần tạo tâm lý thoải mái cho du khách, đặc biệt, tránh tình trạng đội ngũ bán hàng rong chèo kéo, nài ép khách. Ngoài ra, tại các điểm mua sắm, hàng hóa phải được trưng bày với giá cả hợp lý, có hệ thống thanh toán thẻ tín dụng để tiện hơn cho người mua.

Bảo Khánh