ĐIỀU SAU 25 NĂM MỚI KỂ (Phần cuối)
Truyện ngắn của PHAN CUNG VIỆT
>> ĐIỀU SAU 25 NĂM MỚI KỂ (Phần 1)
Một buổi, trên lối mòn thoải xuống núi, hai bên là vực thẳm hố bom, có một người đeo túi dết đen, hai mặt tái xanh, leo đá như một chú khỉ điên. Tưởng chuyện gì, khi gặp tôi, nhận ra người quen trong cuộc họp dưới ánh đèn lồ ô đêm ấy, người ấy tái mặt, nói: “Eng, đồng chí ơi. Cái đôi Lịch và Tại lại bị rồi”. Tôi nghĩ: họ bị trúng bom.
Sau một thời gian dài đối mặt với bom đạn, tôi trở ra. Mừng là còn sống để trở về với những căn hầm chữ A quen thuộc. Đợt hầm cũ đã dỡ tung. B.52 hủy diệt tất cả. Cơ quan chuyển vào sâu. Một cái bóng thấy tôi, chạy vút qua: bí thư Lịch. Lịch xanh quá. Lưng còng hẳn xuống. Tối nay lại có cuộc họp để kiểm điểm về tội quan hệ bất chính của Lịch và Tại. Tội danh hệt như Rệ và Bương. Hành trạng cũng y chang như vậy. Không thể nói vì đất nghịch. Bom đã xới tung đất, chẳng còn gì, thậm chí hồn đất cũng đã bay về với xứ Trời, chỉ có người. Cái gì muôn thuở, không gì xóa được. Có người chạy đến: “Hay quá, đồng chí vừa ra, mời đồng chí tối nay dự họp, kiểm điểm Lịch và Tại. Hệt như Rệ và Bương dạo ấy, cũng diễn ra trong cái địa đạo ấy”. Anh này thao thao, tỉnh khô. Thật lạ, thế mà bị chạm, bèn nói: “Cảm ơn. Tối nay tôi bận”.
![]() Minh họa của Đặng Hồng Quân |
Thú thực là tối nay tôi trốn, định viết một lá thư khẩn cho đồng chí tổng biên tập của báo. Việc của một phóng viên chiến tranh là như vậy. Khi nào có việc gì khẩn quá thì viết bài khẩn. Điện tín hoặc gửi ra bằng công văn.
Tôi cứ cho việc này cũng là khẩn, không phải là một vụ đẫm máu, chết hàng trăm người, không phải là một chiến công lẫy lừng. Đây chỉ là một việc thầm lặng, nhưng khẩn.
Tôi định kể hết về nhân sự ở đây cho đồng chí tổng biên tập biết, hoàn toàn không dám coi là một bài đăng báo. Chỉ là một báo cáo mật rằng: “Báo cáo anh, khi em vừa mới vào đến chiến trường, vừa đặt ba lô xuống là được mời ngay xuống họp kín dưới địa đạo. Anh chưa biết địa đạo là thế nào, em xin báo cáo sau. Họp kiểm điểm bí thư đoàn Rệ và phó bí thư Bương phạm tội quan hệ nam nữ nhiều lần, phạm kỷ luật chiến trường và đạo đức mới. Em nghĩ không cần báo cáo tỉ mỉ với anh về hành vi cụ thể của họ. Điều đáng kể, sau dăm tháng ở chiến trường ra, bí thư và phó bí thư mới là Lịch và Tại lại phạm tội như Rệ và Bương, quan hệ bất chính. Phạm y hệt như vậy. Thưa anh, thú thật em có hoang mang. Mấy tháng trước mới cao giọng xét xử người khác, thì sau đó lại phạm đúng tội ấy. Như thước phim con heo (cách nói của lính địch), quay lại. Thưa anh, báo cáo thật, tối nay em trốn, viết thư gửi anh, không muốn dự những cuộc họp như vậy…”.
Dăm hôm sau tôi nhận được thư, ngang bức điện tín:
“Hãy tin tưởng vào cấp trên, tin vào sự sáng suốt của tổ chức. Đừng hoang mang. Cái chính là rèn luyện, rèn luyện không ngừng, từ những hành vi nhỏ nhất của con người mới xã hội chủ nghĩa. Tôi nhắc: hành vi nhỏ nhất. Chào thân ái và quyết thắng”.
6
Đêm qua tôi nằm mơ thấy Anhxtanh. Định viết truyện này thì nằm mơ. Chẳng hiểu sao cả. Bởi chính Anhxtanh, nhà vật lý của sự tương đối, có lần đã nói: “Tôi truy tìm sự đối nghịch tuyệt đối trong hành vi của con người, như người thợ săn truy tìm con thú lạ trong rừng sâu”. Hóa ra là như vậy. Sự đối nghịch tuyệt đối của con người. Từ chiến trường ra, sau những lần ấy, tôi bị chứng sỏi thận. Sỏi choán hết cả bể thận. Quả thận của người ta thật lạ, như cánh hoa, lại là hai cánh. Có lẽ vì vậy con người ta mới có hiện tượng tình dục kỳ lạ, vượt lên tất cả, như bí thư Rệ nọ. Thân tàn mà dại, bom đạn đầy trời. Bất chấp.
Không nhắc lại truyện ngắn gần đây tôi đã viết. Tức truyện Những chuyện chép ở bệnh viện, kể chuyện chị gái tôi lâm phải bệnh hiểm nghèo, đúng vào tuổi năm ba. Chị ấy tốt, nhưng có thể hồi trẻ chị ấy quan niệm cái gì cũng xảy ra dứt khoát như trong chiến tranh. Bom là nổ. Nổ là chết. Chết là hết mọi chuyện. Ai cũng vậy. Mẹ tôi không như vậy. Đêm tôi mổ nhiễm trùng máu tưởng chết, mẹ tôi gào to trước bệnh viện. Không một phút mẹ tôi rời tôi. Chị tôi thì khác, không phải là không thương tôi, nhưng chị quan niệm khác mẹ. Chị cho rằng mẹ tôi làm như vậy là không cần thiết. Chị nói: “Về nhà ngủ. Đã có bác sĩ, y tá trực”. Mẹ nói: “Phải thức bên em”. Mọi việc khác cũng vậy. Trong cơn đau, tôi nắm chặt lấy bàn tay khô gầy của mẹ. Cũng như ngày qua đời, mẹ níu chặt lấy bàn tay tôi. Cuộc sống là như vậy. Chỉ có ai qua nỗi đau dạng đó mới hiểu. Bây giờ chị tôi bước vào tuổi già, bị bệnh hiểm nghèo. Thật thương chị. Tôi đã đi với chị hầu khắp các viện. Kể cả hầm sâu chạy xạ ung thư dưới mặt đất. Chị muốn bao giờ chồng con và người thân cũng ở sát bên chị. Cơn đau của chị tôi lớn quá. Trong khi tôi lại nghĩ là chị đã bước vào nỗi đau để hiểu cái đau của thằng em, của những người khác. Cái biểu trưng của con người, nói đến tận cùng là như vậy.
7
Có lần tôi trách chị tôi với mẹ. Bấy giờ mẹ tôi đã yếu, người nằm trên giường. Ý tôi nói: “Mẹ ạ, chị ít thông cảm với nỗi đau của người khác quá”. Tức là ý tôi muốn nói những lúc như thế này mà không có chị tôi ở bên cạnh mẹ. Mẹ tôi thều thào: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, con ạ. Đừng trách chị. Con người ta không ai nắm tay được tối ngày. Con phải thương lấy chị. Đừng trách cứ những việc như vậy. Có trách, có gào lên, cũng chỉ nhọc mình, chẳng giải quyết được gì đâu. Bởi vì con người ta không phải ai cũng có cơn đau như nhau. Có người đau vào đầu cuộc đời, có người lại đau vào cuối. Chị em, anh em là khúc ruột, lệch nhau đi cũng là chuyện thường. Con nhớ thương lấy chị như mẹ con ta trong cơn đau đã từng có nhau”. Mẹ nói toàn những thành ngữ, ngạn ngữ. Tôi rơm rớm nước mắt. Có thể mẹ cũng như Anhxtanh vậy.
8
Tổng biên tập dạo ấy của tôi bây giờ đã hưu, chỉ làm hợp đồng để sống. Thế là hết cái thời bản tin loại, tin, điện khẩn từ khắp nơi gửi về. Đương nhiên, ai cũng chỉ có một thời. Sông có khúc, người có lúc. Bây giờ ông ta chỉ là một người kiếm sống. Tôi nhớ lời mẹ nói về người chị, khi tôi nhìn vào ông ta khi nhìn vào cuộc đời của một quan chức. Phải chăng là đừng trách cứ, đừng oán hận, cừu thù. Tôi tưởng tượng ông ta như một cơ thể tiều tụy hiện lên giữa những con người như Rệ, Bương, Lịch, Tại… những bí thư và phó bí thư của một vùng khói lửa dạo nào. Trước đây ông ta oai vệ, sẵn sàng kỷ luật những ai trong giờ hành chính ngồi trò chuyện ở phòng thường trực. Bây giờ có khi ông ta ở phòng thường trực suốt ngày cười nói, cử chỉ vô bổ, vô hồn. Tôi còn giữ lại được mẩu giấy dạo nào ông ta gửi cho tôi: “Hãy chú ý những hành vi nhỏ nhất. Chào thân ái và quyết thắng” định có lúc nào tặng lại ông, ngay phòng thường trực, cho vui. Nhưng nghĩ làm thế nó tiểu nhân, lại thôi. Giữ nó làm kỷ niệm, như một kỷ niệm thật nhỏ của một cuộc chiến tranh lớn.
Bom rơi và máu chảy là khủng khiếp nhưng cũng còn những thứ ghê gớm hơn. Hãy cùng nhau đi tìm ra những đối nghịch ghê gớm trong con người. Nó như trái bom ủ kín chưa một ai tìm ra. Có tìm ra, con người ta mới gần nhau một cách thực sự. Các bạn Mỹ và các nước văn minh siêu cường hãy đến đây, đến một xứ sở của những đối nghịch ghê gớm. Điều này có thể Anhxtanh và mẹ tôi nói đúng…
…
9
Tính thời gian cuộc chiến, đến nay không chỉ 25 năm, mà là 35, 45 năm rồi. Mấy lần chỉnh lại truyện ngắn này, tôi định không giữ nguyên 25 năm, mà đẩy lên đúng theo tuần tự thời gian ta sống. Nhưng chẳng hiểu sao, chẳng lần nào tôi chỉnh sửa được. Có những con số, những tháng năm không chỉnh sửa được. Cả tâm linh và duy vật. Nó cứ đứng nguyên.
Con số 9 mới thêm vào đây, của thời kinh tế thị trường. Chắc là con số kết đẹp. Tôi nghĩ như vậy. Như vàng số 9.
Nhiều người đọc truyện đều hỏi: sau ngày ấy anh có lần nào trở lại vùng chiến trường xưa khói lửa không? Các nhân vật truyện của anh, nơi vùng mặt trận ấy, tại tòa soạn báo của anh, và ngay trong gia đình anh, bây giờ số phận họ thế nào rồi? Vâng, tôi có trở lại chiến trường xưa vài lần. Các nhân vật kẻ mất người còn, phần nhiều là tuổi già, bệnh tật, đã qua đời. Mới hay dù bom đạn mấy, nhân tình thế thái khắc nghiệt mấy, thì rồi cuối cùng con người ta cũng được trở về kiếp thảo dân, sống cuộc sống đời thường, rất đời thường. Cái kết là như vậy.
Những nhân vật kiên trung bám trụ cuộc chiến như Rệ như Bương, như Lịch như Tại… Cả những mâu thuẫn trớ trêu trong phẩm hạnh của họ, như những gì xảy ra dưới những căn hầm chữ A hoặc địa đạo dài thăm thẳm… Những nhân vật nơi tôi xuất phát ra đi, tòa soạn báo, bệnh viện, gia đình… Cả những mâu thuẫn trớ trêu trong phẩm hạnh của họ, như những gì xảy ra trên trang giấy, dưới ánh điện sáng trưng. Cuối cùng, như đã nói trên, người chức người quyền, người già người bệnh, đến lượt thì ra đi, có người chẳng sám hối, chẳng thanh minh gì. Mang cả “gói mâu thuẫn người” sang kiếp khác.
Lứa sau lớn lên, lại Rệ lại Bương lại những tổng biên tập mới, ký giả mới, bác sĩ mới… Họ lại giẫm chân lên dấu chân người đi trước. Lại những lời răn dạy đá nhau, những cuộc họp kín hở đá nhau. Để cuối cùng trở lại cái bình thường, cái kết cục bình thường…
Mới thấm cái câu cổ nhân: giang sơn dễ đổi, bản tình khó dời.
Bỗng muốn ngâm lên câu ấy, như một câu thơ…