Châu bản triều Nguyễn - tiềm năng di sản tư liệu
Với các giá trị độc đáo, xác thực, phản ánh tình hình trong nước và mối quan hệ của nước ta với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới từ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu cho rằng, châu bản triều Nguyễn có nhiều tiềm năng để trở thành Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang triển khai việc xây dựng hồ sơ tài liệu Châu bản triều Nguyễn để trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu. Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Gs Phan Huy Lê, “châu bản triều Nguyễn là kho tàng tư liệu nổi bật với nhiều giá trị. Thứ nhất, đây là các văn bản chính thức của hoàng đế, có dấu ấn châu phê nên mang tính chính thống, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Thứ hai, châu phê dựa trên các bản tấu sớ của các địa phương, các bộ tâu lên, có ghi ngày tháng, niên đại cụ thể, nói lên tình hình các mặt và xin phê duyệt của nhà vua, điều đó phản ánh tính xác thực của thông tin. Như vậy, châu bản có giá trị kép, vừa phản ánh thái độ, chủ trương, chính sách của các vương triều nhà Nguyễn, vừa thể hiện toàn bộ tình hình đất nước ta trong suốt thời kỳ này”.
![]() Ảnh: Hữu Công |
Đến nay chỉ có bản chính được lưu giữ là có dấu châu phê, còn những bản thực thi, hay bản phó, bản chép lại không có dấu châu phê. Bởi vậy, văn bản lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là độc bản, là bản duy nhất mà các vương triều để lại. Đây là kho tư liệu vô giá. Với giá trị như vậy, Gs Phan Huy Lê tin tưởng châu bản triều Nguyễn có đầy đủ khả năng để được công nhận là Di sản tư liệu. Tuy nhiên, ông lưu ý, khi làm hồ sơ trình UNESCO, các nhà nghiên cứu cần so sánh, chứng minh châu bản triều Nguyễn thể hiện những nét chung của hệ thống chính trị Á Đông, nhưng cũng có nét riêng của Việt Nam.
Châu bản triều Nguyễn cần được vinh danh chính thức bằng văn bản là ý kiến của Ts Trần Hoàng, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam. Bởi châu bản triều Nguyễn chẳng những là tài liệu lưu trữ quý hiếm theo Luật Lưu trữ năm 2011 mà còn đủ điều kiện là bảo vật quốc gia. Việc châu bản triều Nguyễn được khoác lên mình 2 danh hiệu tài liệu lưu trữ quý hiếm và bảo vật quốc gia sẽ giúp việc trình hồ sơ lên UNESCO thuận lợi, thuyết phục hơn.
Phó tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định: châu bản triều Nguyễn có nhiều tiềm năng để trở thành Di sản tư liệu. Thời gian tới, Ủy ban UNESCO Việt Nam sẽ mời các chuyên gia thế giới đến hướng dẫn làm hồ sơ Châu bản triều Nguyễn.