Chép tranh tại Louvre

Minh Hà
Theo CNN
27/12/2013 08:30

Sigrid Avrillier năm nay 65 tuổi, nguyên là giáo viên vật lý tại Paris. Gần đây mỗi ngày bà dành 4 tiếng ở Bảo tàng Louvre để chép một bức tranh của Peter Paul Rubens, họa sỹ huyền thoại thời kỳ Phục hưng.

Avrillier là một trong 150 người may mắn được vào Bảo tàng Louvre chép tranh lần này. Vẽ lại những bức tranh nổi tiếng thế giới là truyền thống ở Louvre ngay từ khi thành lập năm 1793. Chỉ cần đăng ký trước một năm, dù bạn là ai, giáo viên, sinh viên, cán bộ nghỉ hưu..., rất có thể bạn sẽ được làm họa sỹ chép tranh tại bảo tàng danh tiếng này. Avrillier bắt đầu trải nghiệm này cách đây vài tháng, hàng ngày (5 ngày/tuần) bà đến bảo tàng từ 9h30 - 13h30 cầm cọ thể hiện lại từng nét vẽ, mảng màu trong bức tranh của Rubens. “Tôi sống với ông ấy. Tôi như hóa thân thành Rubens” - Avrillier nói.

Chép tranh là hoạt động khá lạ và cũng nổi tiếng, không kém những kiệt tác nghệ thuật có một không hai ở Bảo tàng Louvre. Dạo quanh các phòng trưng bày lớn của Louvre, bạn có thể bắt gặp hàng chục người giống Avrillier, với giá vẽ đặt trước một kiệt tác nào đó, cây cọ sẵn sàng trong tay. Trẻ em tò mò vây quanh họ, kinh ngạc hết nhìn tác phẩm treo trên tường lại nhìn bức tranh đang được vẽ lại trước mắt họ.

Có một lưu ý với những người tham gia chép tranh tại bảo tàng là, họ có thể dùng màu sắc, nét vẽ tương tự tranh gốc nhưng tuyệt đối không được cùng kích thước hay ký tên tác giả giống tranh gốc. Mỗi tờ giấy hay tấm vải dùng để chép tranh sẽ được đóng dấu của Bảo tàng Louvre. Có quy định khá đặc biệt là các nhân vật chép tranh sẽ không rời khỏi phòng trong suốt 4 tiếng - có vẻ rất giống với phong cách sáng tác của họa sỹ thiên tài Paul Cezanne (trường phái ấn tượng) cách đây 150 năm. Cezanne thường chép tranh của các họa sỹ vỹ đại. Ông nổi tiếng với câu nói: “Louvre là cuốn sách để chúng ta học đọc”. Danh họa Pablo Picasso cũng từng vẽ lại bức Women of Algiers của Eugene Delacroix.

Tại sao các họa sỹ, từ họa sỹ chuyên nghiệp đến sinh viên, người nghỉ hưu… lại tỉ mẩn dành thời gian vẽ lại bức tranh đã được đánh giá là hoàn hảo? “Khi dành thời gian đứng trước một bức tranh, dần dần bạn sẽ hiểu những gì tác giả muốn thể hiện trong đó: họa sỹ đã vẽ như thế nào, con người trong tranh và cả bối cảnh lịch sử của nó nữa. Rồi bạn cũng biết cách chọn loại cọ vẽ phù hợp, màu phù hợp, cách đặt tay như nào... Bạn có cảm giác thật gần gũi với tác giả của bức tranh” - Avrillier giải thích. 4 năm qua, Avrillier đã chép được 5 bức tranh đang trưng bày tại Louvre.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mục đích tích cực của Louvre trong hoạt động này cũng được đánh giá cao. Tờ New York Times năm 1887 từng cho rằng: “Thật tội nghiệp cho những kẻ ăn mày nghệ thuật”. Mặc dù vậy, với nhiều khách du lịch, việc luôn có các nhân vật lặng lẽ chép tranh trong bảo tàng thật hấp dẫn. Với bản thân những người tham gia trải nghiệm này, điều lớn nhất họ nhận được, theo Avrillier, là: “khi bước chân vào bảo tàng, đặc biệt là một bảo tàng như Louvre, ngắm những bức tranh treo trên tường, đa phần chúng ta nghĩ, mình không thể vẽ được như vậy, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng, các bạn hoàn toàn có thể làm được. Dẫu sao, chúng tôi đang chép tranh chứ không cố gắng làm một Raphael mới”.

Louvre không dừng lại là một studio khổng lồ cho các họa sỹ chép tranh, mà nó còn là nơi gặp gỡ lý tưởng cho những người độc thân. Từ hoạt động này, đã có rất nhiều mối quan hệ nảy nở thành tình bạn, tình yêu đẹp, ít nhất với nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp, thế kỷ XIX Jules-Francois-Félix Husson (bút danh Champfleury). “Chép bức tranh bên cạnh bức tranh của cô ấy, rồi hỏi mượn màu catmi, màu cô ban, chỉnh màu trên bức tranh của cô ấy, nó chuyện về những bậc thầy của hội họa cho đến khi Bảo tàng Louvre đóng cửa và tiếp tục câu chuyện trên đường về. Phần còn lại là ứng biến”. Đây có thể là lời khuyên của ông để gặp gỡ những cô gái có sở thích giống mình.

Với Avrillier, tình yêu tại Louvre đến theo một cách khác, từ chính những bức tranh của bà. Bức tranh cuối cùng bà hoàn thành là Mystic Marriage of Saint Catherine từ thế kỷ XVI của Correggio, cao 1m, hiện được treo trang trọng trong nhà. Thực tế, bà không thể xa nó được. “Tôi rất yêu bức tranh này, đến nỗi phải đặt nó trong phòng tôi ở”.

Minh Hà<br>Theo <i>CNN</i>