Nhãn hàng riêng siêu thị và lợi ích người tiêu dùng

Hải Thanh 11/12/2013 08:36

Trong những năm gần đây, các siêu thị ở nước ta đã chú ý phát triển nhãn hàng riêng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Yếu tố này đòi hỏi các nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược của mình.

Nguồn: vcmedia.vn
Nguồn: vcmedia.vn
Điều đặc biệt là các nhãn hàng riêng không chỉ được siêu thị, trung tâm phân phối sản xuất thăm dò nữa mà đang được đẩy mạnh phát triển như một phương thức cạnh tranh mới. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ đi tiên phong là Metro Cash & Carry Việt Nam, với hàng trăm nhãn hàng riêng ở rất nhiều ngành hàng, từ hóa mỹ phẩm đến đồ dùng nhà bếp, văn phòng hay hàng may mặc. Tương tự với Metro, hệ thống siêu thị Big C cũng đã mở 5 nhãn hàng riêng gồm eBon (các sản phẩm từ thịt lợn), Bakery by Big C (các loại bánh mỳ, bánh ngọt), Casino (thực phẩm nhập khẩu từ Pháp), WOW! Giá hấp dẫn và Big C. Trong đó, hai nhãn hàng WOW! Giá hấp dẫn và Big C được doanh nghiệp liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài để sản xuất, hướng về các mặt hàng may mặc, đồ dùng gia đình.

Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng phát triển mạnh mẽ các nhãn hàng riêng. Ví dụ như Saigon Co.op không chỉ cung cấp các loại bánh kẹo, dầu ăn, thực phẩm, trứng gia cầm, rau quả mà còn có quần áo, khăn giấy, cây lau nhà... Hapro cung ứng rau sạch, mỳ tôm, trứng gia cầm và một số loại thực phẩm mang thương hiệu riêng. Intimext có lợi thế là hệ thống siêu thị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nên đã phát triển mạnh mẽ và tạo dựng uy tín trong xã hội.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang phản ứng với việc siêu thị đưa ra nhãn hàng riêng của mình. Bởi việc phát triển nhãn hàng riêng của siêu thị đã làm giảm đáng kể thị phần của nhà sản xuất. Thậm chí, sự cạnh tranh của các nhãn hàng riêng đang khiến nhiều đơn vị thiệt đơn, thiệt kép. Bởi để đưa được hàng vào siêu thị, nhà sản xuất đã phải trả một khoản phí không nhỏ gồm tiền mặt bằng, chiết khấu, tiền điện, nhân viên cho siêu thị… Ngoài các chi phí này, thì nay nhà sản xuất còn phải chịu thêm sự cạnh tranh về vị trí bày hàng, giá bán từ các nhãn hàng riêng của siêu thị. 

Khảo sát trên thị trường cho thấy, đa số các mặt hàng thuộc nhãn hiệu riêng của siêu thị đều có giá bán thấp hơn từ 10 - 15% so với sản phẩm tương tự của nhà sản xuất. Siêu thị cũng dành cho nhãn hàng riêng những vị trí tốt như đầu kệ, đầu quầy, không gian lớn, dễ nhìn thấy. Vậy đây có là sự cạnh tranh không bình đẳng của các siêu thị hay không khi mà có lợi thế do không phải chịu một số chi phí như nhà sản xuất khi đưa hàng vào siêu thị? Các nhà bán lẻ khẳng định, nếu không có lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, có lẽ nhãn hàng riêng đã không thể tồn tại. Việc phát triển nhãn hàng riêng không phải là hành động tấn công nhà sản xuất mà là hoạt động tương hỗ nhau, bổ sung lựa chọn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phương án sản xuất cho nhà bán lẻ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, lượng hàng hóa tồn kho cao thì điều này sẽ giúp tối ưu hóa công suất máy móc thiết bị. Nếu sản xuất cho nhà bán lẻ, hàng hóa chỉ được bán trong hệ thống siêu thị. Đây là phân khúc hẹp, nhà sản xuất không phải lo mất thị phần. Nhà sản xuất có liên kết với hệ thống bán lẻ trong việc tạo nhãn hàng riêng sẽ được ưu tiên về vị trí, cách trưng bày, quầy kệ... trong siêu thị. Xét trên yếu tố quyền lợi thì đây là sự tương hỗ giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giá bán hay vị trí bày không phải yếu tố tác động chính đến quyết định mua của người tiêu dùng. Nếu sản phẩm giá rẻ hơn một chút nhưng chất lượng không bằng các sản phẩm cùng loại sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Thực tế cũng cho thấy, không phải nhãn hàng riêng nào của siêu thị cũng thành công. Thậm chí, trong trường hợp này, siêu thị mới phải chịu thiệt đơn, thiệt kép. Bởi người dân vào siêu thị chủ yếu do ở các địa điểm này có nhiều lựa chọn và chất lượng hàng hóa được bảo đảm hơn so với chợ truyền thống. Siêu thị sẽ giảm sức thu hút với người tiêu dùng nếu  bày bán nhiều nhãn hàng riêng song chất lượng không nổi trội.

Những yếu tố nêu trên cho thấy, nhãn hàng riêng của siêu thị không phải hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Ngược lại, đây là một nhân tố buộc các nhà sản xuất phải nghiên cứu phát triển sản phẩm, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng và giá thành tốt hơn.

Hải Thanh