Chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ Mỹ - Cuba

Hồng Minh 03/12/2013 08:41

Những dấu hiệu tan băng trong quan hệ Mỹ - Cuba những tháng gần đây làm dấy lên không ít hy vọng về khả năng đạt được thỏa thuận giúp hai nước xích lại gần nhau sau hơn 50 năm thù địch.

Suốt mùa Hè vừa qua, hàng loạt sự kiện có nguy cơ gây ra bất đồng giữa hai nước đã được các quan chức Mỹ và Cuba giải quyết ổn thỏa với sự cân nhắc thực tế và hợp lý. Điều này cho thấy sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ Mỹ - Cuba, điều hiếm thấy kể từ cuộc Cách mạng Xã hội năm 1959 tại Cuba, đưa nhà lãnh đạo Fidel Castro lên nắm quyền. Trong bài phát biểu tại một chương trình gây quỹ được tổ chức ở Miami hôm 8.11 vừa qua, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thừa nhận về cách tiếp cận mới này: “Chúng tôi cần các sáng kiến mới và cân nhắc thận trọng, chúng tôi cần tiếp tục xem xét và nâng cấp chính sách của mình (đối với Cuba)”.

Những tuyên bố thù địch, vốn là đặc trưng của mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng chỉ cách nhau 140km đường biển. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, các quan chức Mỹ và Cuba đang kín đáo bày tỏ thái độ hài lòng và hoan nghênh cách thức giải quyết mâu thuẫn của đối phương. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến việc Cuba quyết định không cấp quy chế tị nạn cho Edward Sowden, người tiết lộ các thông tin tình báo mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), hay cách Mỹ khéo léo xử lý một tàu chở hàng của CHDCND Triều Tiên chở vũ khí của Cuba vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ. Tương tự, Cuba đã không đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về bài phát biểu nói trên của Tổng thống Obama. Cùng với đó, họ đã chọn cách im lặng và không chỉ trích ông Obama về việc hoan nghênh hai nhân vật đối lập với chính quyền Cuba tham dự buổi gây quỹ là hai đại diện dân chủ. Trong quá khứ, khi những sự kiện tương tự diễn ra, Chính quyền Cuba thường đưa ra những lời chỉ trích nặng nề nhằm vào Mỹ.

Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết, mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng các quan chức Mỹ và Cuba vẫn duy trì liên lạc khi cần thiết. Carlos Alzugaray, một nhà ngoại giao Cuba đã nghỉ hưu và từng là Đại sứ Cuba tại Liên minh châu Âu nhận định: “Tuy vẫn còn nhiều bất đồng và thiếu tin tưởng, song cả hai bên đều muốn làm gì đó để cải thiện tình hình… Cả Mỹ và Cuba đều hành xử thận trọng”.

Nhà lãnh đạo Raul Castro, lên nắm quyền thay anh trai là Chủ tịch Fidel Castro vào năm 2009, đã giành được nhiều uy tín với tư cách là một nhà lãnh đạo cải cách và thực dụng. Tiến trình cải cách được Chủ tịch Raul thúc đẩy mạnh mẽ những năm gần đây như mở cửa thị trường, hợp nhất hệ thống tiền… được Mỹ theo dõi sát sao.

Không chỉ vậy, giới chức Mỹ hiện đang hết sức hoan nghênh vai trò của Cuba trong việc tổ chức các cuộc hòa đàm giữa lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) với Chính quyền Colombia. Một trong những biểu hiện mạnh mẽ cho thấy xu hướng tan băng là khả năng Mỹ đưa Cuba khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Điều này, nếu thành hiện thực, sẽ giúp nới lỏng các quy định ngặt nghèo đối với giao dịch tài chính có liên quan đến công dân Mỹ. Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống Obama cũng sẽ gặp không ít rào cản gây ra bởi chính lệnh cấm vận kinh tế mà Tổng thống Kennedy áp đặt cách đây 50 năm và được Quốc hội nước này siết chặt hơn vào thập niên 90 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với sự phản đối của Quốc hội Mỹ đối với chính sách cải thiện quan hệ với Cuba trong bối cảnh chính bản thân ông cũng đang phải chịu nhiều áp lực và chỉ trích khi tìm kiếm một sự đột phá trong quan hệ với Iran. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez và thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio, gốc Cuba, đều kiên quyết giữ quan điểm cho rằng, Mỹ chỉ nên xây dựng mức quan hệ giới hạn với Cuba. Nhưng có vẻ như, ông Obama đang muốn tìm kiếm một di sản ấn tượng chưa từng có, khi cùng lúc biến hai cựu thù thành đối tác trong nhiệm kỳ của mình.

Hồng Minh