Thuốc Việt thua trên sân nhà

Tường Lâm 30/11/2013 08:29

Thống kê đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế công lập năm 2013 từ các địa phương, Bộ Y tế đánh giá đã có phần tiết kiệm đáng kể kinh phí từ 20% - 30%. Tuy nhiên, điều đáng nói là thuốc giá rẻ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan lên ngôi, trong khi nhiều thương hiệu thuốc Việt thì lao đao.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua so sánh cho thấy hàng loạt thuốc có nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ giảm giá 20 - 166% so với giá trúng thầu năm 2012. Theo Thông tư 01.2012 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ 1.6.2012, thuốc được chọn phải “có giá đánh giá thấp nhất” so với thuốc cùng loại, cùng hàm lượng, nồng độ.

Nhiều ý kiến cho rằng, với tiêu chí “chọn giá đánh giá thấp nhất” của Thông tư 01 đã khiến thương hiệu thuốc Việt không cạnh tranh nổi tuy chất lượng được đánh giá cao. Đó là thiệt thòi cho người bệnh bởi không được tiếp cận thuốc chất lượng, trong khi so sánh cặn kẽ, chưa hẳn giá đã cao so với thuốc nhập ngoại”. Một số thương hiệu thuốc Việt như Pythinam 500 (một loại kháng sinh mạnh) cũng do trong nước sản xuất có chất lượng được đánh giá ngang ngửa thuốc ngoại nhập, có giá cả hợp lý so với thuốc ngoại nhưng cũng lép vế trên sân nhà.

Nguồn: tyran.vn
Nguồn: tyran.vn
Theo Bộ Y tế, đấu thầu thuốc vào bệnh viện luôn đặt yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật trên hết, tức là chú trọng chất lượng thuốc trước khi chọn giá. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các cơ sở y tế đều chọn trúng thầu với thuốc giá rẻ. Điều đó có nghĩa, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước có chất lượng hơn hẳn thuốc nhập ngoại nhưng giá “nhỉnh” hơn cũng bị loại.

Mặc dù vậy, rẻ chưa chắc đã tốt, đã bảo đảm chất lượng. Khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong năm 2013, Cục Quản lý Dược cho biết, 120 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất (cùng là một loại thuốc) trúng thầu. Tuy nhiên, mới đây Cục Quản lý dược công bố đợt khảo sát về chất lượng thuốc và cho biết nhiều doanh nghiệp  Ấn Độ có thuốc vi phạm chất lượng. Theo Cục Quản lý Dược, từ đầu năm 2011 đến hết tháng 8.2013, Cục đã phát hiện 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Trong đó, 25 công ty dược phẩm của Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng.

Các chuyên gia dược học cho rằng, hiện nay ngành dược trong nước đã cơ bản cung cấp đủ thuốc cho bệnh viện, thị trường, nên quan trọng không phải chạy theo số lượng mà hướng đến chất lượng, hiệu quả điều trị. Mặt khác, mục tiêu mang tính cốt lõi là qua việc đấu thầu thuốc làm sao thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước phát triển, ngày càng hội nhập, có khả năng cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị dược phẩm của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam theo chiến lược quốc gia giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ đề ra. Đó mới chính là yêu cầu có tính mục tiêu quốc gia trong việc đấu thầu thuốc.

Tường Lâm