Chứng nhận 3K có giúp người tiêu dùng yên tâm với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không?

Nguyên Long 25/11/2013 08:40

Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam vừa phối hợp tổ chức ra mắt Chương trình chứng nhận 3K - chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cam kết không có sản phẩm thiếu hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sản phẩm là hàng giả, hàng nhái và không có sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng người tiêu dùng liệu có yên tâm với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được doanh nghiệp được cấp chứng nhận này không?

Nguồn: yume.vn
Nguồn: yume.vn

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đi tiên phong trong chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và cam kết xây dựng văn hóa trong sản xuất kinh doanh trung thực, minh bạch và tin cậy đối với người tiêu dùng. Việc cung ứng hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ và hợp pháp đã phát huy tác dụng đối với người tiêu dùng, tạo nên uy tín và sự phát triển mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xuất xứ cả trong và ngoài nước vẫn có xu hướng gia tăng, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây khó khăn cho các nhà quản lý và ảnh hưởãng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam Nghiêm Quốc Bảo cho biết, để hỗ trợ và ghi nhận các điển hình xuất sắc trong thực hiện cam kết chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại của các doanh nghiệp, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hoạt động quảng bá hỗ trợ phát triển kinh doanh cho gần 2.000 hội viên của hai hiệp hội, cũng như các doanh nghiệp trong cả nước thông qua chương trình chứng nhận 3K. Đây là chứng nhận cho các doanh nghiệp nói không với sản phẩm thiếu hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ; sản phẩm là hàng giả, hàng nhái; và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đánh giá cao với ý tưởng của 2 hiệp hội, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trần Hùng cho rằng, Chứng nhận 3K sẽ góp phần không nhỏ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vương Ngọc Tuấn cho rằng, khi Chứng nhận 3K vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của các doanh nghiệp, thì chưa thể là bảo đảm cho người tiêu dùng. Do đó, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chuẩn mực để lựa chọn đúng doanh nghiệp được cấp chứng nhận này. Và tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn đã đề ra, kịp thời thu hồi chứng nhận với những doanh nghiệp không thực hiện đúng các tiêu chuẩn, góp phần tạo dựng uy tín cho chứng nhận.

Đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam khẳng định, sẽ sử dụng con dấu của mình để chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận 3K. Và yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu, đồng thời, dùng các nghiệp vụ để kiểm tra, giám sát các hoạt động cung cấp sản phẩm hàng hóa ra thị trường. Công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng tên các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm yêu cầu của chứng nhận này. Những biện pháp này nhằm giúp đưa Chứng nhận 3K có thể trở thành lời hứa, cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy việc chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật liên quan. Nhưng có thể thấy, khi vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình làm ăn phi pháp, người tiêu dùng vẫn cần chủ động trong việc bảo về quyền lợi của mình.

Nguyên Long