Thủ tục phá sản cần đơn giản, thuận lợi hơn

Hải Thanh 20/11/2013 08:24

Sau 9 năm thi hành Luật Phá sản, trên cả nước chỉ có 336 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thụ lý, chưa tương ứng với số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản được cơ quan chức năng công bố hàng năm. Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản thấp, không phản ánh đúng tình hình kinh tế có nguyên nhân quan trọng là thời gian hoàn tất thủ tục phá sản kéo dài.

Nguồn: tapchikinhdoanh.com.vn
Nguồn: tapchikinhdoanh.com.vn
Theo báo cáo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8.2013, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là 41.836 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích là 18.602 doanh nghiệp. Nhưng theo Tòa án nhân dân tối cao, trong 9 năm thi hành Luật Phá sản, trên cả nước mới có 336 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thụ lý, trong đó có 236 trường hợp có quyết định mở thủ tục phá sản. Số lượng được Bộ Tài chính công bố là chỉ tính từ đầu năm 2013, nên số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể hay ngừng hoạt động nếu tính trong 9 năm qua thì sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Vậy, khi thực hiện thủ tục phá sản sẽ mang l?i lợi ích cho chính doanh nghiệp, chứ không chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, thì số lượng đơn vị thực hiện thủ tục vẫn thấp hơn so với nhu cầu thực tiễn?

Thực tế, thời gian để hoàn tất các thủ tục phá sản theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu thì thường kéo dài ít nhất là 5 năm. Thời gian thực hiện thủ tục kéo dài song lại chưa có cơ chế bảo toàn tài sản hữu hiệu nên có khi quyết định của Tòa án không thực hiện được. Trong đó, nguyên nhân thường gặp là do  thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản chậm trễ nên tài sản của doanh nghiệp đã bị tẩu tán, bị siết nợ trái luật bởi chủ nợ trước khi quyết định của Tòa án có hiệu lực. Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2013 do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng thế giới công bố đã chỉ ra, việc giải quyết các trường hợp doanh nghiệp phá sản ở nước ta còn kém hiệu quả và được xếp hạng thấp, thứ 149 trong tổng số 185 nền kinh tế. Chi phí phá sản tốn kém, chiếm đến 15% giá trị tài sản để hoàn tất thủ tục và tỷ lệ thu hồi vốn chỉ đạt 13.9 cent/USD. Do đó, rất ít doanh nghiệp tuân theo các quy định và thủ tục chính thức khi muốn dừng hoạt động.

Tất nhiên, hạn chế về năng lực của cơ quan giải quyết thủ tục phá sản, cũng như việc không minh bạch tài chính của doanh nghiệp hay sổ sách kế toán không tuân thủ các quy định hiện hành cũng khiến quá trình thực hiện thủ tục phá sản khó khăn. Bên cạnh đó, Luật hiện hành đang quy định theo hướng xem những người chủ, quản lý doanh nghiệp phá sản tương tự với tội phạm kinh tế, công với việc xã hội chưa có thiện cảm với tình trạng này cũng khiến không nhiều đơn vị mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thì thủ tục phá sản phức tạp, đòi hỏi thời gian thực hiện dài, có khả năng thất thoát tài sản cao mới là nguyên nhân chính khiến cả người nợ và chủ nợ đều không mặn mà với phương thức này.

Để bảo đảm cho việc nhận, xử lý và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản minh bạch, rõ ràng, nhằm hạn chế sự tùy tiện trong việc thụ lý đơn, dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đã bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cụ thể, phân biệt rõ từng nhóm chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nhóm chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đặc biệt, thủ tục tuyên bố phá sản thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản, nên ngay khi Tòa án có quyết định thì mọi giao dịch liên quan đến các đơn vị này bị đình chỉ và chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi.

Tuy nhiên, thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng, quy định về trình tự phá sản tại dự thảo Luật về cơ bản vẫn không khác với trình tự hiện hành, thậm chí còn mất nhiều thời gian thực hiện hơn do bổ sung một số thủ tục mới. Khi doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục, trong khi chưa chắc cơ chế bảo toàn tài sản mới có hiệu quả hay không thì liệu phương thức mở thủ tục phá sản có được lựa chọn không? Câu trả lời không khó thấy là sẽ chưa có nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc làm này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và rà soát thực tế để có sửa đổi căn cơ, bài bản hơn. Bởi hệ thống luật pháp phá sản tích cực sẽ thúc đẩy giới doanh nhân, cũng như hỗ trợ nền kinh tế phát triển năng động hơn.

Hải Thanh