Thực hư thỏa thuận hạt nhân giữa Ảrập Xêút – Pakistan
Thông tin về việc Ảrập Xêút đang nỗ lực theo đuổi việc mua vũ khí hạt nhân của Pakistan nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Iran đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố cả về chính trị và ngoại giao ngăn cản hai nước đi đến một thỏa thuận cuối cùng.
Ảrập Xêút và Pakistan vốn có quan hệ chặt chẽ cả về kinh tế, quân sự và tình báo. Ảrập Xêút cũng có truyền thống viện trợ kinh tế và quân sự cho Pakistan. Kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước đến nay, Pakistan đã trở thành quốc gia ngoài thế giới Ảrập nhận được nhiều viện trợ nhất từ Ảrập Xêút. Riyadh cũng là một trong số ít những nước ủng hộ Islamabad thử vũ khí hạt nhân vào năm 1998. Mặc dù Pakistan luôn phủ nhận việc nước này có thỏa thuận cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ảrập Xêút khi cần thiết nhưng chỉ cần dựa trên quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cũng như việc Ảrập Xêút đầu tư trực tiếp vào chương trình hạt nhân của Pakistan thì việc Islamabad cung cấp vũ khí hóa học cho Riyadh có thể xảy ra.
Có nhiều bằng chứng cho thấy Ảrập Xêút đang theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nước này đã trang bị nhiều tên lửa CSS-2 mua của Trung Quốc. Mặc dù thế hệ tên lửa này vẫn thường bị coi là có độ chính xác không cao, song nếu nó được trang bị đầu đạn hạt nhân thì độ chính xác không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu nữa. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc phòng HIS Jane cho thấy, hệ thống tên lửa của Ảrập Xêút được triển khai tại các căn cứ quân sự của nước này hầu hết đều hướng về các mục tiêu ở Israel và Iran. Pakistan vốn có nhiều kinh nghiệm phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong hơn một thập kỷ qua, Islamabad đã tiến hành trang bị đầu đạn hạt nhân cho các chủng loại tên lửa khác nhau trong hệ thống tên lửa của mình, và có vẻ ínhư trong số đó có cả tên lửa CSS-2, vốn rất thông dụng trên thế giới hiện nay. Nếu dự đoán trên là đúng, rất có thể Pakistan cũng sẽ tiến hành cung cấp tên lửa CSS-2 mang đầu đạn hạt nhân cho Ảrập Xêút.
Một kịch bản khác được nhắc đến là Pakistan sẽ không chỉ cung cấp đầu đạn hạt nhân cho Ảrập Xêút mà còn cung cấp cả hệ thống vũ khí hạt nhân cho nước này. Tháng 10 vừa qua, Pakistan đã thử thành công tên lửa Hatf IX (hay còn gọi là tên lửa NASR), đánh dấu một bước tiến mới trong công nghệ vũ khí hạt nhân, bất chấp những khó khăn về công nghệ và tài chính mà quân đội nước này đang phải đương đầu. Nhiều người cho rằng Islamabad có thể cung cấp tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa hành trình hay thậm chí bom cho Riyadh. Về lý thuyết, với tiềm năng dồi dào về tài chính, Ảrập Xêút hoàn toàn có thể mua công nghệ hạt nhân của Pakistan.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề ngăn cản những thương vụ này. Để bảo đảm một hệ thống tên lửa đạn đạo có thể vận hành tốt, nó cần được thử nghiệm. Tuy nhiên, một cuộc thử tên lửa đạn đạo chắc chắn sẽ bị phát hiện. Hơn nữa, để bảo trì hệ thống tên lửa này, Ảrập Xêút cần các chuyên gia lành nghề đến từ Pakistan và điều này sẽ gây khó khăn cho việc bảo đảm bí mật. Nói cách khác, Ảrập Xêút sẽ phải hoàn toàn dựa vào Pakistan nếu chấp nhận mua tên lửa của nước này.
Ngoài ra, còn có một số vấn đề chính trị - ngoại giao cần được xem xét kỹ lưỡng. Thỏa thuận của hai nước sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là khi chương trình hạt nhân của Pakistan vốn đã không nhận được sự đồng tình của thế giới. Mặc dù trong thời gian gần đây, Mỹ đã giảm bớt sự can dự tại Afghanistan và Pakistan nhưng Washington vẫn luôn quan tâm tới chương trình hạt nhân của nước này, và chắc chắn sẽ có phản ứng nếu Islamabad phát triển chương trình hạt nhân trên diện rộng. Hơn nữa, Pakistan luôn tuyên bố họ là nước sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm và phủ nhận hoàn toàn những thông tin trên. Nước này cho rằng, Iran hiện không sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy không có lý do gì để Pakistan và Ảrập Xêút thực hiện thỏa thuận trên. Tuy nhiên, gần đây Ảrập Xêút đặc biệt lo ngại trước những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Washington - Tehran, cũng như những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông. Vì vậy, những đồn đoán về việc Ảrập Xêút mua vũ khí hạt nhân của Pakistan vào thời điểm chắc chắn sẽ tạo ra những sức ép nhất định để Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn trong vòng đàm phán sắp tới với Iran. Sau quyết định khước từ chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như một thông điệp gửi đến Mỹ, dường như Ảrập Xêút đang muốn chứng minh rằng một thỏa thuận với Iran có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại khu vực Trung Đông.