Từ nhà truyền giáo tới tội phạm chiến tranh

Huỳnh Vũ 18/10/2013 08:36

Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone (SCSL) do Liên Hợp Quốc bảo trợ đã ra tuyên án 50 năm tù giam đối với cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor. Mức án này không khiến giới phân tích ngạc nhiên khi nhìn lại chặng đường từ một nhà truyền giáo tới đỉnh cao quyền lực và trở thành tội phạm chiến tranh của nhân vật này.

Cuối tháng 9 vừa qua, SCSL đã xác nhận bản án trên đối với ông Taylor, với tội danh vũ trang cho các phiến quân trong cuộc nội chiến đẫm máu của Sierra Leone những năm 1990. Hiện cựu chính khách này đã bị di lý từ Hague (Hà Lan) tới một nhà tù ở Anh để thụ án. Với bản án này, ông Taylor đã trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới bị SCSL tuyên án tội phạm chiến tranh, phạm các tội ác chống lại loài người kể từ năm 1946. Dư luận quốc tế đánh giá đây là một bản án nghiêm minh dành cho nhân vật từng một thời là chỉ huy chiến trường tàn bạo nhất tại châu Phi.

Cựu Tổng thống Taylor, 65 tuổi, được coi là “kiến trúc sư” của cuộc nội chiến tại Sierra Leon giai đoạn 1991 - 2001, một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại mà cái giá phải trả là sinh mạng 400.000 người, hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, kinh tế kiệt quệ và bất ổn chính trị. Taylor bị kết án với 11 tội danh, nổi bật nhất là giết người, cưỡng hiếp, chiêu mộ lính trẻ em… Nhân vật này còn khuyến khích và tài trợ cho lực lượng nổi dậy tại Bờ Biển Ngà và khiến chính quyền Guinea luôn phải nơm nớp lo sợ nguy cơ xảy ra các cuộc nổi dậy.

Với tài thao lược, sự độc đoán và tàn bạo, Taylor đã xây dựng một đế chế độc tài dựa trên các cuộc nội chiến. Một trong những quyết định tồi tệ nhất của nhân vật này là hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy Mặt trận Đoàn kết cách mạng (RUF) tại Sierra Leone. Mối lợi từ quyết định này là những viên kim cương máu từ các mỏ kim cương của Sierra Leone chảy về vương triều Taylor trong suốt một thập kỷ xung đột. RUF đã gieo rắc nỗi sợ hãi bằng giết chóc và hãm hiếp… với nguồn tài trợ không có giới hạn từ Taylor.

Con đường vươn lên đỉnh cao quyền lực cựu Tổng thống Taylor khá đặc biệt. Với sự thông minh, óc nhạy bén của một nhà thuyết giáo có tấm bằng kinh tế của Đại học Bentley thuộc bang Massachusetts (Mỹ), Charles Ghankay Taylor đã nhanh chóng nhìn ra mối lợi từ cục diện chính trị khá rối ren tại Liberia những năm giữa thập niên 1980. Ông ta đã nhanh chóng vạch đường đi cho mình – đó là ủng hộ lực lượng chống đối và phát động chiến dịch lật đổ chính phủ của tướng quân đội Samuel Doe năm 1989 – người đã tiến hành đảo chính năm 1980 và cai trị đất nước bằng một chế độ hà khắc. Để làm được điều này, Taylor đã gia nhập lực lượng dân sự của Liberia của tướng Doe, tuy nhiên đến năm 1983 đã bị sa thải vì biển thủ hơn 1 triệu USD. Sau sự cố này, Taylor đã trở lại Mỹ và bị bỏ tù theo một lệnh truy nã dẫn độ. 16 tháng sau, ông ta đã vượt ngục và biến mất cho tới tháng 12.1989, tái xuất với tư cách là thủ lĩnh nhóm phiến quân được chính quyền Libya và Burkina Faso hậu thuẫn với tên gọi Mặt trận Yêu nước dân tộc Liberia (NPFL). Dưới sự lãnh đạo của Taylor, NPFL đã công khai thách thức chính quyền Doe, kích động bạo lực và là một trong những tổ chức vũ trang bất hợp pháp đầu tiên tại châu Phi cưỡng ép trẻ 10 tuổi cầm súng. Nhân vật này tự nhận mình là Chúa Jesus Christ và bao biện cho các hành động tàn bạo của mình rằng Chúa cũng từng bị cáo buộc tội sát nhân. Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm đã khiến người dân Liberia mệt mỏi và tới năm 1997, họ đã bầu Taylor làm Tổng thống. Một trong những slogan trong chiến dịch vận động tranh cử tại Liberia khi đó là “Ông ấy giết mẹ tôi, ông ấy giết cha tôi, nhưng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy”. Một điều trớ trêu là góp phần vào chiến thắng này của Taylor lại chính là sự tàn bạo của đội quân ông ta đứng đầu. Người dân lo sợ cuộc nội chiến sẽ không thể chấm dứt nếu Taylor không đắc cử và cho rằng họ sẽ dễ thở hơn trong chế độ mới. Tuy nhiên, đế chế xây dựng trên máu và kim cương máu của Taylor không trụ được lâu. Hai năm sau, một cuộc nổíi dậy thứ hai xảy ra, lần này là chống lại Taylor và nhân vật này đã phải chạy sang Nigeria lánh nạn năm 2003. Tại đây, y được hưởng một cuộc sống xa xỉ so với những tội ác đã gây ra tại đất nước mình trong một biệt thự ven biển, xe hơi hạng sang với biển ngoại giao. Tới năm 2006, trước sức ép của cộng đồng quốc tế, chính quyền Nigeria đã buộc phải dẫn độ Taylor về Liberia và sau đó là tới Hague để xét xử, khép lại cuộc đời của nhân vật chính trong một giai đoạn lịch sử đẫm máu của châu Phi.

Huỳnh Vũ