Tại sao Morocco sống sót qua Mùa xuân Ảrập?
Chỉ trong vòng hai năm 1999 và 2000, đã có 4 nhà lãnh đạo ở thế giới Ảrập lên nắm quyền, và người ta gọi đó là “thế hệ lãnh đạo 1999/2000”, song chỉ có một người trong số đó vẫn trụ vững sau khi cơn bão Mùa xuân Ảrập quét qua khu vực này.
Ở Syria, Tổng thống Bashar al-Assad, người kế nhiệm vị trí của cha đẻ Hafez Al-Assad từ năm 2000, hiện đang phải đối mặt với cuộc nội chiến kéo dài đã hơn hai năm nay, đang phải vật lộn để giữ chiếc ghế quyền lực. Ở Bahrain, Vua Hamad Bin Isa Al-Khalifa lên ngôi năm 1999 cũng đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình dai dẳng của những người Hồi giáo theo dòng Shiite thiểu số. Trong khi đó, Vua Abdullah của Jordan cũng lên ngôi năm 1999, hiện vẫn chưa có động thái nào đáp ứng lời kêu gọi từ phía người dân và đặc biệt là các phe phái Hồi giáo đối lập về một cuộc chuyển đổi sang chế độ quân chủ lập hiến. Trước đó, một loạt lãnh đạo Tunisia, Ai Cập đến Libya đã bị lật đổ. Chỉ có Quốc vương Morocco Mohammed VI, lên ngôi năm 1999, là thành công trong việc chèo lái đất nước né tránh tác động của cuộc cách mạng mang tên Mùa xuân Ảrập. Vừa vững ngôi vị, ông Mohmmed vừa thành công trong công cuộc cải tổ, được tất cả các nhóm chính trị đối lập ủng hộ.
Đã từ lâu các chính sách cải cách luôn là ưu tiên hàng đầu của Quốc vương Mohammed VI. Năm 2004, ông đã cho thành lập Ủy ban Hòa giải và Công bằng, một dấu hiệu cho thấy quyết tâm giải quyết những vi phạm về nhân quyền trong thời gian từ thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ trước, dưới thời kỳ trị vị của Vua cha. Ngoài ra, Bộ luật Gia đình, được ban hành năm 2004, cũng đã tạo ra một hành lang pháp lý để đảm bảo quyền của phụ nữ trong gia đình, đồng thời quy định các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em, đưa ra độ tuổi tối thiểu để kết hôn… Mặc dù vậy, việc thực hiện các biện pháp cải cách trên đã gặp rất nhiều khó khăn ở đất nước được cảnh báo về nạn tham nhũng tràn lan. Bên cạnh đó, Mùa xuân Ảrập cũng cản trở các chính sách cải cách của Quốc vương Mohammed VI khi vào tháng 2.2011, hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình trên khắp 53 thành phố của cả nước, đòi có nhiều đại diện của phe đối lập hơn trong Chính phủ. Ông Mohammed đã rất khôn ngoan khi không sử dụng các biện pháp mạnh tay để đàn áp hay phớt lờ những yêu cầu này, thay vào đó, ông quyết định tiến hành “cải cách Hiến pháp toàn diện” vào tháng 3 cùng năm. Hiến pháp sửa đổi trao cho Chính phủ dân bầu nhiều quyền hạn hơn, củng cố quyền bình đẳng giới, quyền hợp pháp của các tổ chức nhân quyền.
Ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Morocco đã tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7.2011. Đảng Công lý và phát triển Hồi giáo, một đảng đối lập đã giành được đa số ghế tại cơ quan lập pháp nhờ cam kết loại bỏ tham nhũng. Một điều gây ngạc nhiên là mặc dù một đảng Hồi giáo giành chiến thắng nhưng Morocco đã không bị rơi vào một cuộc xung đột giữa thế tục và hồi giáo giống như những gì đã xảy ra ở Tunisia hay Ai Cập. Trong trường hợp Morocco, một đảng Hồi giáo ít cực đoan hơn đã thành công hơn đã sẵn sàng hợp tác với phe thế tục. Hơn nữa, Quốc vương Mohammed VI, với vị trí là “người chỉ huy tận tụy” cùng với quyết tâm “bảo vệ danh dự của đạo Hồi” đã thành công trong việc thương lượng với đảng đối lập lớn nhất nước này. Những bước đi hòa hợp đã giúp Morocco có được sự ổn định xã hội giữa một khu vực trong trong giai đoạn rối ren về chính trị và xung đột về tôn giáo.
Những thành tựu đó trên mặt trận đối nội đã tạo điều kiện cho Morocco đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong khu vực, với thí dụ tiêu biểu là chuyến thăm nhằm dàn xếp cuộc khủng hoảng ở Mali của Quốc vương Mohammed VI cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Mặc dù vậy, Morocco cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nơi tỷ lệ nghèo đói chiếm 9%, tỷ lệ thất nghiệp là 18%. Tình trạng kém phát triển của khu vực Tây Sahara cũng làm dấy lên những lo ngại về an ninh, kinh tế và chính trị. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang phải đối mặt với thách thức trong Quốc hội khi một số chính đảng tuyên bố rời khỏi liên minh của mình.
Nhưng dù thế nào đi nữa, không thể phủ nhận một thực tế rằng, Quốc vương Mohammed VI là vị lãnh đạo duy nhất trong thế hệ 1999/2000 của thế giới Ảrập vượt qua thành công cơn bão Mùa xuân Ảrập. Quyết tâm cải cách cùng khả năng đàm phán với các lực lượng đối lập đã giúp ông đi đúng hướng. Giờ đây, người Morocco đang trông đợi những gì Nhà vua đã hứa hẹn, đó là phát triển kinh tế và công bằng xã hội.