Béo phì: cuộc chiến không của riêng ai

Hoàng Hạnh
Theo The Star
02/10/2013 08:11

Nếu như vài thập kỷ trước đây, bệnh béo phì liên quan đến các nước phát triển, có thu nhập cao, thì giờ đây, nó thậm chí ảnh hưởng đến cả những quốc gia nghèo nhất. Khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới bị thừa cân và khoảng 400 triệu người béo phì.

Cuối tháng 6.2013, một nhà bình luận trên tờ The Star đã gặp rắc rối với những gì cô viết về người béo phì. Nhà báo này bị chỉ trích mạnh, sau đó đã phải xin lỗi, thừa nhận rằng quan điểm trình bày trong chuyên mục của mình là thiếu nhạy cảm và làm tổn thương đến nhiều người.

Tuy nhiên, béo phì thực sự đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Malaysia. Khoảng 43% người lớn, 20% thanh thiếu niên và 26% học sinh tiểu học ở Malaysia hoặc là thừa cân hoặc là béo phì. Philippines xếp thứ hai, theo sau là Singapore và Thái Lan. Đáng ngạc nhiên là ở miền đông Malaysia, Sarawak là nơi có tỷ lệ người béo phì cao nhất còn tỷ lệ thấp nhất là ở Sabah. Theo giáo sư tiến sĩ Mohd Ismail Noor, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh béo phì Malaysia, dinh dưỡng và bệnh béo phì có mối liên hệ chặt chẽ và cả hai đang xảy ra trong những hộ gia đình thu nhập thấp.

Câu đùa trên áo: Người béo thì khó bị bắt cóc
Câu đùa trên áo: Người béo thì khó bị bắt cóc
Tháng 6.2013, Hiệp hội Y khoa Mỹ đã tuyên bố béo phì là một “căn bệnh” và khó kiểm soát được tình hình. Các nhà phê bình cho biết một phần ba người Mỹ giờ được gọi là “bệnh nhân”, có khả năng phải đối mặt với sự tăng trọng, với định kiến và buộc phải chi trả nhiều hơn cho bảo hiểm. Vì thế, ngành giảm cân trị giá 66 tỷ USD mỗi năm của nước Mỹ đang ngày càng mở rộng. Hiện mới chỉ có hai loại thuốc chống béo phì vừa được tung ra thị trường - nơi những người ăn kiêng cứ… tăng cân và lại trở thành khách hàng thường xuyên.

Trên thực tế, những người béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và cao huyết áp. Bên cạnh đó, họ phải chịu đựng nỗi khổ tinh thần nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.

Những người phì nộn thường xấu hổ hoặc bị chế giễu vì không có khả năng tự kiểm soát và rằng, ngoại hình của họ là hậu quả của sự lười biếng và tính phàm ăn. Ngoại hình lý tưởng của phụ nữ trong kỷ nguyên Victoria là tròn trịa, có vòng một và vòng ba nở nang nhưng ngành thời trang ngày nay lại không xem trọng vẻ đẹp đó. Ngay cả giới chuyên môn cũng có thái độ bài xích như vậy. Một nghiên cứu dựa trên ý kiến của 400 chuyên gia y tế Mỹ về bệnh nhân béo phì phát hiện ra rằng cánh bác sĩ đã kết nối bệnh béo phì với các điều kiện liên quan đến vệ sinh yếu kém, tính hay gây sự và thậm chí là không trung thực.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Denise Cummins, chuyên gia về béo phì, trong bài báo gần đây trên tạp chí Psychology Today, mối quan hệ giữa việc tiếp nhận thức ăn và tiêu thụ năng lượng phức tạp hơn nhiều so với sự cân bằng “calo nạp vào và calo đốt cháy” mà bác sĩ và các nhà trị liệu riêng vẫn truyền đạt cho chúng ta. Không chỉ là một sự cân bằng với hai biến số (ăn uống và tập luyện), béo phì là một sự rối loạn đa diện, trong đó sự tương tác của các yếu tố gene và môi trường gây ra sự hỗn loạn của cân bằng năng lượng.

Trong cuốn Sức khỏe ở mọi khuôn khổ - sự thật kinh ngạc về cân nặng của bạn (Health at Every Size: The Surprising Truth about Your Weight), tiến sĩ Linda Bacon, nhà hoạt động về béo phì khác, đã cung cấp kết quả nghiên cứu đầy thuyết phục rằng những người thừa cân có khuynh hướng sống lâu hơn những người bình thường.

Ở Mỹ, có một số tổ chức chuyên bảo vệ cho tình trạng tăng cân, trong đó có Hiệp hội vì sức khỏe và sự đa dạng kích cỡ (Association for Size Diversity and Health) và Hiệp hội quốc gia thúc đẩy sự chấp nhận béo phì (National Association to Advance Fat Acceptance). Họ quảng bá cho quyền được bình yên với thể trạng của con người, cung cấp giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ miễn phí nhằm tránh khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên cân nặng.

Ở Malaysia, dường như đối tượng duy nhất tự hào về thân hình ngoại cỡ của mình là chủ nhà hàng với những tên tuổi như Madam Fatso, Fatty Loh Chicken Rice, Mama Fats và Fatty Chong. Còn ngoài ra, tỷ lệ người mắc các chứng bệnh mãn tính ngày càng cao, gây ảnh hưởng tới năng suất lao động của đất nước Đông Nam Á này.

Hoàng Hạnh<br>Theo <i>The Star</i>