Thiếu nhiều nội dung liên quan đến phế liệu
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của nước ta. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhiều nội dung trong luật còn thiếu hoặc không còn phù hợp cần được bổ sung, chỉnh sửa. Một trong những nội dung được nói đến nhiều là các quy định về nhập khẩu phế liệu...
ĐBQH ĐỖ VĂN VẺ - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Thái Bình: Thiếu nhiều nội dung liên quan đến phế liệu
Thiếu nội dung đề cập đến phế liệu trong Luật Bảo vệ môi trường 2005 là một trong những nguyên nhân dẫn tới doanh nghiệp lợi dụng nhập lậu phế liệu vào nước ta. Hiện nay đang diễn ra tình trạng doanh nghiệp nhập máy móc, thiết bị lạc hậu hoặc nhập phế liệu tràn lan do pháp luật chưa quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ. Nếu không ngăn ngừa trước thì trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành nơi chứa đựng rác thải của các nước phát triển. Bên cạnh đó, có tới hàng trăm hàng nghìn container nằm ở các cảng không biết chôn vùi giải quyết ở đâu. Chôn lấp cũng không được mà nhập vào cũng không xong bởi pháp luật còn thiếu quy định xử lý phế liệu nhập khẩu không bảo đảm yêu cầu.
Đại tá NGUYỄN SỸ - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an: Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để “nhập rác”
Mặt tích cực của tiến trình hội nhập quốc tế là môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện, song một số đối tượng lại lợi dụng lợi ích đó để kinh doanh các mặt hàng như máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu; rác thải chứa chất thải nguy hại dưới hình thức làm nguyên liệu sản xuất. Những năm gần đây, tình trạng này diễn ra rất phổ biến vì đây là mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng tìm mọi cách nhập vào. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là bởi các quy định pháp luật về môi trường còn chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở đó để lách luật “nhập rác” vào Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam VŨ NGỌC BẢO: Thiếu thống nhất trong quy định về phế liệu và chất thải
Luật quy định, phải nhập khẩu các thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, điều này rất khó trên thực tiễn. Đối với xe ô tô, chúng ta có thể nói tới tiêu chuẩn về khí thải nhưng với máy móc của công nghiệp thì căn cứ vào đâu để xác định bảo đảm tiêu chuẩn môi trường khi pháp luật chưa chặt chẽ. Hơn nữa, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm là quy định thừa và mâu thuẫn với tiêu chí “làm sạch” được quy định tại Khoản 1 Điều 43. Bên cạnh đó, Luật thiếu thống nhất trong quy định về phế liệu và chất thải. Thực tế, không có phế liệu mà chỉ tồn tại các loại chất thải khác nhau. Chất thải của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, chỉ nên dùng khái niệm chất thải trong luật.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam PHẠM CHÍ CƯỜNG: Nhiều khái niệm còn chưa rõ ràng
Nhiều khái niệm trong Luật BVMT 2005 còn chưa rõ ràng. Đơn cử như chữ “làm sạch” trong quy định của Luật về phế liệu nhập khẩu. Luật yêu cầu đối với những phế liệu nhập khẩu phải được phân loại và làm sạch. Vậy thì sạch ở đây là thế nào? Sạch ở trong phòng, trong nhà ở, sạch ở trong công nghiệp khác xa nhau, nếu không làm rõ thì rất khó thực thi trên thực tiễn. Nhiều khi ngành Thép bị xử phạt cũng vì sự thiếu rõ ràng trong khái niệm “làm sạch”. Không thể xác định được, thế nào là phế liệu đã được làm sạch. Trong khi, đối với luyện kim, các loại phế liệu khi cho vào lò đốt sẽ không có ảnh hưởng gì đến môi trường. Nhiều nước cho phép trong nguyên liệu luyện kim có thể có 3% những chất không phải luyện kim. Đó là điều các doanh nghiệp thép đang trăn trở.
Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam NGUYỄN TIẾN NGHI: Quy định việc phải tái xuất phế liệu rất mơ hồ
Quy định về việc phải tái xuất phế liệu trong trường hợp ô nhiễm môi trường rất mơ hồ. Đơn cử như với 20 container nhưng chỉ có 1 container không bảo đảm yêu cầu mà buộc phải tái xuất hết là không phù hợp. Đây là điều không thể làm nổi, cần phải xem xét. Đặc biệt là ngành Thép, việc nhập khẩu phế liệu luôn được đặt ra hàng đầu, bởi công nghiệp nước ta chưa phát triển, thiếu máy móc trang thiết bị nên rất cần phế liệu để sản xuất phôi thép. Quy định không rõ ràng sẽ là kẽ hở phát sinh tiêu cực. Điều đó đòi hỏi chính sách pháp luật về môi trường cần phải cân nhắc, sửa đổi vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động vừa bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.