Chẳng còn lưu luyến (Phần 1)
Truyện ngắn của Mai Hương
>> Chẳng còn lưu luyến (Phần cuối)
Công việc của tôi thường xuyên phải đi công tác phía Nam nhưng lần đi này khiến tôi mong mỏi hơn bao giờ hết. Một sự thăm hỏi tình cờ, tôi đã có địa chỉ của chị. Có tin đồn chị đã đi tu nhưng tôi không tin. Linh cảm mách bảo tôi, chị vẫn có một cuộc sống bình thường đâu đó. Và chắc chắn tôi sẽ là người đầu tiên trong lớp gặp lại chị, sau hai mươi năm chúng tôi tốt nghiệp đại học.
Tôi đến nơi chị làm việc và nhờ người lính canh điện thoại báo với chị có người cần gặp. Cảm giác đứng chờ thật bồn chồn khó tả. Những kỷ niệm ngày xưa bỗng chốc trở về. Và rồi cái náo nức trong tôi chững lại khi bước qua cánh cổng doanh trại là một người đàn bà mặc quân phục. Phút đầu, tôi không tin vào mắt mình. Bộ quân phục giúp chị có phần cứng cỏi hơn nhưng cũng không thể giấu được sự mòn mỏi, tần tảo in hằn trên nét mặt, dáng người. Cảm nhận đó khiến tôi chững lại. Người đàn bà đứng trước mặt tôi đây có phải chị không? Có phải người một thời đã làm biết bao chàng trai si mê? Không còn một chút xuân sắc đọng lại, ngoài đôi mắt buồn thăm thẳm. Nếu không gặp ở đây, mà ở một nơi nào đó, chắc tôi sẽ lướt qua chị như lướt qua những người bình thường khác.
![]() Minh họa của Vũ Xuân Hoàn |
Chị đưa tôi về nhà chơi, hai đứa nhỏ ào ra đón mẹ. Chúng tranh nhau kể chuyện hôm nay ở nhà ra sao mà quên cả chào khách. Chỉ đến khi mẹ nhắc, bọn trẻ mới như dừng lại, ngoan ngoãn vòng tay: “Cháu chào cô bạn mẹ ạ”. Hai đứa nhỏ dễ thương, đứa năm tuổi, đứa bẩy tuổi. Cả hai đều là con gái.
Chị ngạc nhiên sao tôi tìm được chị. Sau khi chị ra đi, tôi có đến thăm nhà chị mấy lần và cố xin địa chỉ của chị nhưng mẹ chị nói: Cô biết con và nó thân nhau như thế nào nhưng nó không muốn liên lạc với ai, không muốn cho bất cứ ai biết nơi nó ở. Nó còn nói: Cứ coi như Nhiên đã chết rồi hoặc Nhiên không tồn tại. Nó đã dứt tình với Minh và lên tàu vào Nam một đêm giông bão. Xót ruột lắm con ơi nhưng biết làm sao? Bây giờ chị kể, chị đã quyết ra đi thế nào khi biết Minh phụ chị. Ngày ấy, với chị Minh là tất cả. Yêu thương, tin tưởng, biết ơn và kính trọng. Anh là người giải thoát chị khỏi ngục tối hận đời, sau lần vấp ngã. Một lần nữa, tình yêu của chị lại cất cánh, thăng hoa.
*
Chị xuất hiện ở lớp tôi, muộn hơn lịch nhập học hai tuần. Lớp đã đi vào nề nếp, mọi người đã quen biết tên nhau nên việc chị đến muộn với vẻ mặt lạnh băng, pha chút bất cần đã khiến cho tất cả mọi người đều phải chú ý. Chị kiếm chỗ ngồi cuối lớp như lẽ thường của những người đến sau. Cả tháng trời sau đó, chị vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng, thờ ơ với tất cả. Chẳng ai biết gì ngoài cái tên Ái Nhiên của chị. Giờ giải lao chúng tôi thường ùa ra ban công đứng hóng hay đùa nghịch. Chị bao giờ cũng là người sau cùng bước ra khỏi lớp và đứng cách biệt với mọi người. Một mình, một góc đứng nhìn bâng quơ xuống sân trường. Vẻ đẹp cùng với sự bí ẩn của chị không chỉ làm cho tụi trong lớp tò mò mà còn gây sự chú ý của các lớp khác, các khóa trên, đặc biệt là đàn ông. Ngày đó, dân đi bộ đội về nhiều nên họ chững chạc hơn tụi học sinh phổ thông chúng tôi. Họ từng trải và khôn khéo hơn những cậu nhóc cùng lớp. Cho dù vậy, họ cũng chẳng gây được ấn tượng gì với chị. Nhiều kẻ vây vo làm quen nhưng cũng chỉ nhận được sự đáp trả xã giao tối thiểu. Không ít kẻ lấy cớ sang xin phấn, mượn giẻ lau để được đi ngang qua chị, ngắm trộm chị lâu hơn. Có kẻ còn nghĩ ra chiêu đi đi lại lại ngoài hành lang, như đang cần tìm người quen, miệng lẩm bẩm: Dũng đâu nhỉ? Dũng đâu nhỉ? Một đứa ngứa mồm, hỏi: Anh tìm Dũng nào? Kẻ kia sững lại, mặt đần ra, ú ớ rồi lủi mất.
Năm học thứ nhất kết thúc, chúng tôi được về quê nghỉ hè một tháng. Đầu tháng tám, tất cả trở lại trường để đi lao động công ích, đào hồ và xây dựng công viên cây xanh. Một đoàn xe rùng rùng mấy chục cái, chở hơn ba trăm sinh viên của trường lên Sơn Tây. Chúng tôi được sắp xếp ở trong doanh trại bộ đội cũ. Ban ngày lao động vất vả, ban đêm chúng tôi bày đủ trò vui chơi để giết thời gian. Tú lơ khơ, tam cúc, hát hò. Cả khu trại rộn ràng, căng tràn nhựa sống tuổi trẻ. Chỉ có chị là vẫn như thế, im lặng và né tránh những gì diễn ra xung quanh. Trong khi đó, thư gửi cho chị ngày một nhiều hơn. Sau một ngày ở công trường về, phòng chúng tôi lúc nào cũng thấy đầy thư gửi chị: Gửi người đàn bà đẹp, Gửi người phụ nữ xinh đẹp, Gửi Anna Karenina, Gửi Carmen, Gửi em người con gái kiêu sa… thôi thì đủ hết các loại mỹ từ.
Một đêm trăng mây bay hững hờ. Cả khu trại im lìm trong giấc ngủ vùi, sau một ngày lao động mệt nhoài. Trăng sáng thế, không thể làm một kẻ như tôi đây ngủ được. Nhón chân, mở cửa phòng, tôi bước ra ban công. Ánh trăng tràn ngập không gian rộng lớn. Tôi bắt đầu lang thang trong khuôn viên hoang vắng, đi theo tiếng nhạc dập dìu. Lành lạnh khói sương vấn vít trên những cành cây, kẽ lá, theo những bước chân người. Ngước nhìn qua vòm nhãn, trên ban công tầng hai khu nhà bỏ hoang, tôi thấy chị ngồi, bên cạnh người đàn ông cầm đàn ghita. Họ say sưa bên nhau, say sưa cùng tiếng đàn lúc réo rắt, lúc trầm hùng bản nhạc Phiên chợ Ba Tư. Lặng đi, tôi cứ đứng như thế trước vẻ đẹp đôi lứa, giữa thiên nhiên, trời đất hư ảo. Rồi tôi đi về phía cánh đồng gió lạnh, mùi hương lúa mới thoảng bay. Ngồi xuống vạt cỏ mềm, ướt đẫm sương đêm, tôi nghĩ về họ, về đôi tình nhân bí ẩn giữa đêm khuya thanh vắng.
Cả buổi sáng hôm sau tôi làm việc cùng chị, đào đất cùng chị, trồng cây cùng chị. Chị vẫn im lặng như thế. Muốn chia sẻ với chị điều gì mà lại ngại. Chị ở đây, trước mắt tôi, trong gang tấc, mà sao tôi lại chỉ tưởng tượng đến người con gái nào đó xa lắc xa lơ, như không phải là chị, như đêm qua chỉ là câu chuyện hoang đường của một kẻ mộng du?
Bất giác chị phá tan sự im lặng, bằng câu hỏi: Sao đêm qua em không ngủ? Chị hỏi mà không nhìn vào mắt tôi.
Thứ bẩy đến, cả khu trại ồn ã í ới nhau ra bến, đón xe về Hà Nội. Sau khi thu xếp đồ đạc cá nhân, chị lặng lẽ ngồi bên cửa sổ. Tôi bắt đầu chứng kiến một cuộc đua của các chàng trai về chuyện ai sẽ là bạn đi cùng quãng đường với chị. Những câu hỏi bâng quơ, thành thực, mong mỏi: Em có về Hà Nội không? Mọi hy vọng tắt ngấm, khi một chiếc xe Vonga đen chạy thẳng vào doanh trại. Bước xuống xe là một người đàn ông tầm thước, khoảng chừng năm mươi tuổi, gương mặt phúc hậu. Chúng tôi đoán đó là bố chị. Lúc chị lên xe, có cả hàng trăm con mắt đổ dồn. Ánh lên sự thèm thuồng ghen tỵ của đám con gái. Nỗi khát khao tiếc nuối của đám con trai. Ngay lần đầu chị xuất hiện ở lớp tôi, vẻ đẹp cùng phong cách ăn mặc của chị đã toát lên chị là dạng con nhà. Trong sinh hoạt hàng ngày cũng vậy. Khi chúng tôi chỉ có bồ kết để gội đầu, chị đã dùng các loại nước gội đầu, nước hoa, xà phòng thơm của ngoại. Ngày ấy, những thứ đó là vô cùng xa xỉ. Cái túi chị khoác, đôi xăng đan chị đi cũng thế, thanh nhã và rất hợp với chị.
Chúng tôi chia tay mùa hè bằng một đêm đốt lửa trại, ắp đầy kỷ niệm buồn vui. Mối giao tình càng thắt chặt hơn tình bạn bấy lâu giữa tất cả mọi người. Chị và tôi trở nên thân thiết cũng từ mùa hè năm đó.
Đi đâu chúng tôi cũng đi cùng nhau. Đi thư viện cùng nhau, mua sắm cùng nhau, may vá thêu thùa cùng nhau. Tôi chẳng ngại ngần khi đi bên cạnh một người đẹp như chị, nếu như không nói còn có vẻ tự hào.
Dường như chị xuất hiện ở đâu thì đàn ông ở đó đều bất động hết. Họ bỏ việc, bỏ nói chuyện để nhìn chị, ngắm chị. Vẻ đẹp của chị không phải vẻ đẹp thông thường, da trắng, tóc dài, mắt đen mà hấp dẫn người khác bởi sự bí ẩn của đôi mắt nâu huyền, của đôi môi đầy nhục cảm, bởi dáng người đầy đặn vừa phải.
*
Sân trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân đầy ắp tiếng cười. Hội tụ về đây là những gương mặt ưu tú của cả nước, những lưu học sinh sẽ học ngoại ngữ chín tháng ở đây trước khi đi du học nước ngoài.
Ái Nhiên được bố chở đến tận trường. Bước xuống xe, cô vẫy tay chào bố, rồi quay người chạy thật nhanh vào cổng trường như sợ ai nhìn thấy cô còn bé bỏng. Bỗng cô va người vào anh, loạng choạng, tập hồ sơ trong tay cô rơi xuống. Lấy lại thăng bằng thật nhanh, mặt đỏ bừng, cô vừa nhặt tập giấy vừa ngẩng lên, xin lỗi anh rối rít. Anh cũng cuống quýt xin lỗi cô và cầm lấy tập hồ sơ trên tay cô, ân cần phủi bụi.
- Cảm ơn anh! Cô lí nhí rồi bước thật nhanh, hòa vào đám đông.
Ngó nghiêng một lúc, cô cũng tìm ra bộ phận tiếp nhận hồ sơ của những lưu học sinh đi Nga. Hàng thật dài nhưng hình như chẳng ai tỏ ra sốt ruột. Nét mặt ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Chừng một lúc sau, cô như thấy nóng ran sau gáy. Ngoảnh lại, cô thấy anh đứng xếp hàng, ngay sau cô.
- Chào em. Vậy là chúng mình cùng đi Nga với nhau rồi.
Lúc đó, cô mới có dịp để nhìn rõ anh hơn. Gương mặt anh rắn rỏi, đôi mắt sâu, trầm buồn. Anh khoác chiếc ba lô bạc màu, dưới chân là một chiếc va li nhỏ.
Cuộc gặp gỡ tình cờ, như là định mệnh, như là nó phải diễn ra như thế. Như là ngày đó, giờ đó, cô và anh sẽ gặp nhau, sẽ chung nhau một con đường…
Từ bé, cô đã là học sinh giỏi tiếng Nga các cấp. Học tiếng đối với cô là một việc quá dễ dàng nhưng với Kiên thì quả là thử thách. Tốt nghiệp phổ thông, Kiên lên đường nhập ngũ vào mặt trận Tây Nam. Sau ba năm quân ngũ, trở về anh định tìm việc làm ổn định ở cảng Quảng Ninh. Trong lúc chờ xin việc, anh thử thi đại học cho vui, nào ngờ lại đủ điểm đi nước ngoài. Vốn từ của anh ít ỏi lại không có năng khiếu phát âm khiến anh phải đánh vật khổ sở với từng môn học. Hàng ngày, cô luyện phát âm cho anh rồi kèm anh hội thoại, nhớ từ, nhớ mặt chữ. Có cô giúp, Kiên tiến bộ lên rất nhiều. Học kỳ một kết thúc, cô đạt điểm xuất sắc còn Kiên được loại khá. Một chầu kem Tràng Tiền và một buổi xem phim rạp Tháng Tám là niềm vui của hai người hôm ấy.
Sang học kỳ hai, lưu học sinh được các chuyên gia Nga trực tiếp giảng dạy. Chủ yếu học hội thoại, giao tiếp. Nhiên tự tin và có khả năng ngoại ngữ nên được các chuyên gia đặc biệt yêu quý. Đã bước vào giai đoạn nước rút, các lưu học sinh miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch cuối cùng trước khi lên đường. Nhiên không đến giảng đường ôn tập như các bạn. Mấy ngày trời cô bị sốt cao. Các bác sỹ cho cô uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm. Anh ôn thi mà lòng dạ cồn cào không yên. Tối tối, anh ngồi bên cô trong bệnh viện, vừa ôn bài, vừa chăm sóc cô, đút cho cô từng thìa cháo nhỏ, từng chiếc khăn lạnh ấp trên vầng trán nóng bừng. Đến ngày thi, mà cô vẫn sốt li bì, đứng không vững.
Năm đó, lưu học sinh đi Nga thiếu cô học trò xuất sắc nhất khóa. Cô đã bỏ cuộc bởi cơn sốt vô cớ. Tưởng như đã ở trong tầm tay, mà nay nước Nga đã trở nên quá xa vời.
(Số sau đăng hết)