Sự lên ngôi của chủ nghĩa thiên hữu châu Âu

Thành An 09/09/2013 08:28

Hơn lúc nào hết, những người theo chủ nghĩa dân túy phản đối người nhập cư tại Na Uy đang đứng trước cơ hội bước lên vũ đài chính trị với tư cách là thành viên chủ chốt trong liên minh cầm quyền. Đây là điểm đáng lưu ý trong cuộc tổng tuyển cử của quốc gia Bắc Âu này diễn ra hôm nay, 9.9, sự kiện chính trị quan trọng đầu tiên trong giai đoạn hậu Breivik – “sát thủ máu lạnh” theo chủ nghĩa dân tộc cuồng tín đã sát hại 77 người cách đây hai năm với lý do bài người nhập cư.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận và nhận định chung của giới phân tích cho biết, cử tri Na Uy sẽ hạ bệ Công đảng cầm quyền của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg và đưa những chính khách cánh hữu phản đối người nhập cư lên nắm quyền. Đa số cử tri tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của chính khách Erna Solberg và đảng Tiến bộ liên minh, mà Breivik từng là thành viên đảng này trước khi y thực hiện vụ xả súng đẫm máu ngày 22.7.2011. Thống kê sơ bộ cho thấy, nhiều khả năng đảng Tiến bộ sẽ trở thành chính đảng lớn thứ ba tại Na Uy sau cuộc bầu cử này, đứng sau đảng Bảo thủ và Công đảng. Ba chính đảng này sẽ tạo nên thế kiềng ba chân trong liên minh cầm quyền trung hữu mới, với sự hỗ trợ của hai chính đảng trung dung khác là đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và đảng Tự do.

Theo Bernt Aardal, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Đại học Oslo, trong hơn 4 thập kỷ qua, chưa bao giờ người thiên hữu có cơ hội như vậy trở thành thế lực chính trị lớn tại Na Uy, đất nước được coi là cái nôi hòa bình giữa lòng châu Âu thanh bình. Lý giải về điều này, giới quan sát đưa ra những lập luận dựa trên bức tranh tổng thể nhiều sắc tối của thế giới nói chung và châu Âu nói riêng trong một thập kỷ gần đây. Trước tiên là thời thế thay đổi, thế giới trải qua nhiều biến động với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu mà Mỹ phát động, hình ảnh các tín đồ Hồi giáo để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp. Trong khi đó, kinh tế thế giới vừa thoát khỏi bão tài chính được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước, châu Âu bị cuốn vào vòng xoáy nợ công. Tất cả những yếu tố này đã vô tình củng cố thêm vị thế của các đảng phái cực hữu tại châu Âu mà Na Uy không phải là một ngoại lệ. Cơn điên của kẻ cực hữu Breivik được lý giải dưới một màu sắc khác là sự phản kháng trước cái gọi là “sự xâm lăng” của văn hóa đạo Hồi hủy hoại nền văn hóa bản địa qua làn sóng người nhập cư đến từ các nước Hồi giáo, mà thực chất là sự đánh đồng Hồi giáo với các vụ tấn công khủng bố, với tội ác cũng như đánh đồng người nhập cư là mầm mống của tội ác. Đây cũng là quan điểm mà  đảng Tiến bộ cổ súy để ủng hộ việc siết chặt các chính sách nhập cư của chính quyền. Đây cũng là lý do mà một bộ phận cử tri châu Âu trong những năm gần đây quay sang ủng hộ các đảng cực hữu theo đường lối dân tộc bảo thủ và có thể đây sẽ là sự lựa chọn của các cử tri Na Uy trong cuộc tổng tuyển cử tới.

Giới chuyên gia nhận xét, phong trào dân tộc cực đoan tại châu Âu hiện đang phát triển mạnh, có lúc giành được hơn 20% phiếu bầu ở một số nơi song do bị các đảng truyền thống tẩy chay nên không nắm được chính quyền. Trong những năm gần đây, khuynh hướng bài ngoại này bắt đầu chinh phục giới bình dân và đã thành công khi bén rễ vào xã hội phương Tây.

Ngoài các lý do trên, việc các cử tri đã quá mệt mỏi với 8 năm cầm quyền của Công đảng cũng là yếu tố lớn tác động tới quyết định của cử tri. Trong một chính trường mở như Na Uy, một chính đảng cầm quyền tới 8 năm liên tiếp là điều bất thường và đòi hỏi sự thay đổi. Đã có bốn chính đảng trung hữu nhất trí bắt tay vì mục tiêu chung là chấm dứt các chính sách tả khuynh của Công đảng. Tuy nhiên, họ chưa thể quyết định được vị thế của mình trong liên minh cầm quyền mới cũng như các chính sách mà Chính phủ mới sẽ theo đuổi. Đây sẽ là hai câu hỏi để ngỏ và phải đợi tới kết quả bầu cử lập pháp mới sáng tỏ.

Trong bối cảnh đó, kịch bản rõ nét nhất là một Chính phủ thiểu số gồm đảng Bảo thủ và Tiến bộ, hai đảng cánh hữu được dự báo là sẽ chiếm đa số tại Nghị viện. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất, các liên minh trung hữu sẽ dành được 96 trên tổng số 169 ghế tại Nghị viện Na Uy, còn liên minh trung tả gồm Công đảng, đảng Xã hội cánh tả và đảng Trung tâm được dự đoán sẽ giành 72 ghế.

Thành An