Hỏi - đáp về các hiện tượng khí tượng thủy văn

09/09/2013 08:21

* Có thể hiểu thế nào là mưa lớn. Mưa được phân chia thành mấy dạng?

+ Có thể hiểu thế nào là mưa lớn? Hiện tượng mưa lớn là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dải hội tụ nhiệt đới, hội tụ gió mạnh trên nhiều tầng, front lạnh, đường đứt... Đặc biệt khi có sự kết hợp giữa chúng với nhau ở cùng một thời điểm sẽ càng nguy hiểm hơn, gây nên mưa to, gió lớn, dông, mưa đá trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng.

Mưa lớn hay mưa vừa, mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hay ngắt quảng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa. Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được 24 giờ tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa trong mạng lưới khí tượng thủy văn mà phân định các cấp mưa khác nhau. Theo quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mưa lớn được chia làm 3 cấp:

- Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16 - 50mm/24h, hoặc 8 - 25mm/12h.

- Mưa to: Lượng mưa đo được từ 51 - 100mm/24h, hoặc 26 - 50mm/12h.

- Mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100mm/24h, hoặc > 50mm/12h.

Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của mưa thì từ cấp mưa to (51 -100mm/24h) trở lên đã bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

+ Mưa được phân chia thành mấy dạng? Dạng mưa được định nghĩa theo các đặc tính của mây mưa, nó đặc trưng cho tầng kết khí quyển và liên quan chặt chẽ đến hệ thống thời tiết. Người ta phân chia thành hai dạng chính là dạng mưa ổn định và dạng mưa bất ổn định:

Mưa ổn định là dạng mưa xảy ra trong điều kiện trạng thái khí quyển tương đối ổn định, tầng đẳng nhiệt, nghịch nhiệt thấp. Mưa ổn định thường do loại mây thấp, có độ dày mỏng, phát triển chủ yếu theo chiều nằm ngang che phủ bầu trời, ít phát triển thẳng đứng. Đặc trưng mây mưa chủ yếu dạng tầng, phổ biến là loại mưa nhỏ, mưa phùn và đôi khi kèm sương mù.

Mưa bất ổn định là dạng mưa xảy ra trong điều kiện trạng thái khí quyển bất ổn định. Mưa bất ổn định thường xảy ra trong các loại mây đối lưu phát triển mạnh theo chiều thẳng đứng có độ dày lớn mà không phát triển theo chiều nằm ngang. Đặc trưng cho dạng mưa bất ổn định là dạng mưa rào thời gian không kéo dài hoặc kéo dài không liên tục, ngắt quãng. Dạng mưa bất ổn định có thể kèm theo dông, đôi khi trong khoảng thời gian đó còn có thể xảy ra mưa đá.

* Trong các bản tin dự báo thời tiết khi nào báo mưa vài nơi? Dự báo có nơi và vài nơi có giống nhau hay không?

Dựa trên các đặc trưng chung về điều kiện địa lý, địa hình, tính đồng nhất tương đối về mặt khí hậu, thời tiết hoặc dựa trên địa giới hành chính, khu vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh và quốc phòng hoặc theo yêu cầu phục vụ chuyên ngành nào đó mà cơ quan dự báo thời tiết hạn ngắn phân chia và quy định khu vực dự báo thời tiết. Khu vực dự báo thời tiết không nhất thiết tương đương về mặt diện tích và có thay đổi, điều chỉnh lại sao cho phù hợp với thực tiễn.

Trên mỗi khu vực dự báo có đặt một số trạm quan trắc khí tượng thủy văn đại diện cho khu vực đó. Ví dụ ở khu vực phía Tây Bắc Bộ có 18 trạm, phía Đông Bắc Bộ có 33 trạm,... Dựa vào số trạm quan trắc trên một khu vực dự báo để đưa ra một quy định chung: nếu hiện tượng mưa xảy ra ở một khu vực dự báo nào đó mà số trạm quan trắc được mưa ít hơn hoặc bằng 1/3 tổng số trạm quan trắc của khu vực dự báo đó thì khu vực đó được gọi là có mưa vài nơi. Ví dụ khu vực phía Tây Bắc bộ có 18 trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nếu có tối đa 6 trạm quan trắc được mưa, khi đó trong bản tin dự báo sẽ có cụm từ “Có mưa vài nơi”.

Cụm từ “Vài nơi” và “Có nơi” giống nhau về ý nghĩa không gian nhưng được đặt ở vị trí khác nhau trong một câu của bản tin dự báo thời tiết nhằm tránh lặp lại cụm từ để chỉ hai hiện tượng thời tiết khác nhau xảy ra trong cùng khoảng thời gian dự báo nhưng với phạm vi tương đương. Ví dụ: nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù.

* Thế nào là mưa rải rác? Thế nào là mưa nhiều nơi?

Nếu hiện tượng mưa xảy ra trên một  khu vực dự báo nào đó mà số trạm quan trắc có mưa lớn hơn 1/3 và nhỏ hơn hoặc bằng 2/3 tổng số trạm quan trắc đặt tại khu vực đó, thì khu vực đó được gọi là có mưa rải rác.

Ví dụ: Khu vực phía Tây Bắc bộ có 18 trạm quan trắc, nếu có tối thiểu 7 trạm hoặc có tối đa không quá 12 trạm trên khu vực dự báo quan trắc có mưa, các trạm còn lại không có mưa, thì trong các bản tin dự báo khu vực phía Tây Bắc bộ được cho là có mưa rải rác.

Nếu hiện tượng mưa xảy ra trên một  khu vực dự báo nào đó mà số trạm quan trắc có mưa lớn hơn 2/3 tổng số trạm quan trắc đặt tại khu vực đó, thì khu vực đó được gọi là có mưa nhiều nơi.

Ví dụ: Khu vực phía Đông Bắc Bộ có 33 trạm quan trắc, nếu có tối thiểu 23 trạm trên khu vực quan trắc có mưa, các trạm còn lại có thể không có mưa, thì trong các bản tin dự báo khu vực phía Đông Bắc Bộ được cho là có mưa nhiều nơi.

* Thế nào là mưa lớn diện rộng? Thế nào là một đợt mưa lớn diện rộng?

+ Thế nào là mưa lớn diện rộng?

Trên thực tế, các khu vực dự báo được quy định ở nước ta chỉ có thể liền kề với một hoặc hai khu vực dự báo khác và mưa lớn mang tính chất hệ thống bao giờ cũng xảy ra trên diện tích bề mặt tương đối liên tục. Bởi vậy, việc quy định mưa lớn diện rộng được định nghĩa như sau: mưa lớn diện rộng là mưa lớn xảy ra ở một hay nhiều khu vực dự báo liền kề với tổng số trạm quan trắc được mưa lớn theo quy định sau đây:

- Một khu vực dự báo được coi là có mưa lớn diện rộng khi mưa lớn xảy ra ở quá một nửa số trạm trong toàn bộ số trạm quan trắc của khu vực đó.

- Mưa lớn xảy ra ở 2 hoặc 3 khu vực dự báo liền kề nhau, khi tổng số trạm quan trắc được mưa lớn phải vượt quá 1/2 hoặc 1/3 tổng số trạm quan trắc trong 2 hoặc 3 khu vực liền kề.

Chú ý: Khi mưa lớn xảy ở nhiều khu vực liền kề nhau thì các trạm quan trắc được mưa lớn cũng phải liền kề nhau trong khu có mưa đó. Việc mô tả khu vực xảy ra mưa lớn diện rộng phải căn cứ trên việc phân chia các khu vực nhỏ trong các khu vực dự báo đang được sử dụng hiện nay.

+ Thế nào là một đợt mưa lớn diện rộng?

Một đợt mưa lớn diện rộng là một đợt mưa xảy ra tương đối liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó có ít nhất một ngày đạt tiêu chuẩn mưa lớn diện rộng.

Khi quá trình mưa lớn diện rộng xảy ra nhiều đợt trong một thời gian dài, các đợt mưa lớn diện rộng khác nhau phải cách nhau một khoảng thời gian liên tục ít nhất là 24 giờ với trên 1/2 tổng số trạm quan trắc hoàn toàn không có mưa.

Tổng lượng mưa cả đợt được tính theo lượng mưa đo được thực tế của từng trạm trong khoảng thời gian của cả đợt mưa kể từ thời gian bắt đầu đến thời gian kết thúc mưa. Tổng lượng mưa lớn nhất được chọn trong tổng lượng mưa thực đo của các trạm. Lượng mưa trung bình khu vực là lượng mưa trung bình của tất cả các trạm đo trong khu vực lớn hoặc khu vực nhỏ. Lượng mưa trung bình khu vực được chọn theo các khoảng lượng mưa cách nhau cữ 10 - 50mm.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia