Đông Á, Tây Á và những bức tranh

Hồ Anh Thái 31/08/2013 08:25

Tôi hợp tác với những họa sĩ có cá tính để làm báo. Ban đầu nhiều người cộng tác, nhưng rồi cuối cùng chỉ đọng lại ba người làm việc ăn ý nhất, từ công việc mà thành gắn bó. Đến mức một số công ty xuất bản tư nhân, một số nhà xuất bản chính thống phải tìm đến, nghe nói tôi có trong tay rất nhiều họa sĩ. Tôi bèn giới thiệu cho họ mấy họa sĩ trẻ, nhiều sản phẩm truyện tranh và bìa sách đẹp đã ra đời từ đó.

 Vũ Xuân Hoàn trong chuyến tàu kể chuyện đến Buôn Ma Thuột
 Vũ Xuân Hoàn trong chuyến tàu kể chuyện đến Buôn Ma Thuột

Trường hợp làm báo của tôi và mấy anh bạn họa sĩ cũng hơi khác thường. Khác thường vì giữa chúng tôi là một khoảng cách địa lý. Tôi ngồi ở Tây Á, các họa sĩ thì ở quê nhà Đông Á, ở hai đầu lục địa. Thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc, và những ngày nghỉ cuối tuần, tôi biên tập trang văn nghệ cho báo. Những bài cần vẽ minh họa, tôi gửi về cho các họa sĩ ở Việt Nam.

Đấy là Đặng Hồng Quân, Kim Duẩn, Vũ Xuân Hoàn. Còn có họa sĩ đàn anh Vũ Huyên và một số người khác, tôi sẽ kể vào một dịp khác. Ba họa sĩ nhận bài, vẽ, vẽ xong thì gửi sang cho tôi. Cuối cùng, tôi hoàn tất các công đoạn bằng việc gửi bài và minh họa về cho tòa soạn ở Hà Nội.

Quy trình làm việc ấy tóm gọn thế này: bài từ Việt Nam gửi sang Tây Á, bài từ Tây Á gửi về Việt Nam để vẽ minh họa. Minh họa gửi từ Hà Nội sang Tây Á, rồi minh họa lại từ Tây Á gửi về Hà Nội, được tòa soạn thiết kế lên trang. Độc giả đọc và xem một tác phẩm trên báo, chẳng hề biết rằng tác phẩm ấy đã bay lượn mấy vòng trên trời vượt qua bao nhiêu biên giới rồi mới đến được với họ. Kể lại thì lằng nhằng, nhưng phép cân đẩu vân của những bài báo ấy trên mây tính ra còn nhanh hơn bất kỳ một chuyến bay hàng không nào.

 Kim Duẩn (trái) và Đặng Hồng Quân ở bãi đá cổ Sa Pa, 2009
 Kim Duẩn (trái) và Đặng Hồng Quân ở bãi đá cổ Sa Pa, 2009

Tôi gặp mấy họa sĩ lần đầu vào năm 2006, khi khởi động dự án văn học cho thiếu nhi, một món quà của chính phủ Đan Mạch cho trẻ em Việt Nam. Hội Nhà văn Đan Mạch đứng ra ở một đầu cầu. Đầu cầu bên này là nhà xuất bản Kim Đồng. Hội Nhà văn Hà Nội không tham gia quản lý dự án, nhưng tôi được mời tham gia về nội dung, chấm bài cho cuộc thi. Ê kíp của Kim Đồng thật năng nổ, họ tổ chức những nhóm hợp tác vẽ truyện tranh gồm các cây bút trẻ và cây cọ trẻ, nhiều bạn còn đang là sinh viên. Tổ chức những chuyến đi về nhiều miền đất nước, gọi là Chuyến tàu kể chuyện. Trong những chuyến đầu tiên ấy, cánh họa sĩ trẻ phóng khoáng hơn hồn nhiên hơn cánh viết văn trẻ. Chúng tôi lẳng ba lô lên xe, đi với nhau lang thang từ Hà Nội, lên Việt Trì, lên Bắc Cạn, về Thái Nguyên, rồi lên Tam Đảo, ra Đồ Sơn. Có những chuyến đi vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Xa hơn nữa vào Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, Cần Thơ, An Giang… Cánh viết văn và cánh họa sĩ được tiếp xúc với trẻ em ở câu lạc bộ đọc sách các vùng đất. Viết và vẽ ngồi từng nhóm với nhau, viết đưa ra ý tưởng, vẽ thực hiện thành truyện tranh.

Tôi gặp được những họa sĩ có cá tính. Hợp tác với họ để làm tờ báo của mình. Ban đầu nhiều người cộng tác, nhưng rồi cuối cùng chỉ đọng lại ba người làm việc ăn ý nhất, từ công việc mà thành gắn bó. Đến mức một số công ty xuất bản tư nhân, một số nhà xuất bản chính thống phải tìm đến, nghe nói tôi có trong tay rất nhiều họa sĩ. Nhiều, chứ không phải rất nhiều. Bạn bè, chứ không phải sở hữu trong tay. Dù sao, tôi cũng giới thiệu cho họ mấy họa sĩ trẻ, nhiều sản phẩm truyện tranh và bìa sách đẹp đã ra đời từ đó.

 Bìa sách của Vũ Xuân Hoàn
 Bìa sách của Vũ Xuân Hoàn

Cao tuổi nhất trong ba thanh niên là Vũ Xuân Hoàn, sinh năm 1978. Chuyến tàu kể chuyện năm 2006 ấy Hoàn đứng ra kể một tiểu phẩm trước các em ở vùng Tây Bắc, vừa kể vừa minh họa bằng những bức tranh của mình. Có bức tranh Hoàn hơi phóng bút, các em ngây thơ hỏi lại: hình như cô giáo trong tranh này giống bà nội hơn thì phải. Họa sĩ cười ỏn ẻn, chắc trong đầu đang tâm niệm sẽ về nhà sửa lại trước khi in thành truyện tranh.

Vũ Xuân Hoàn làm việc ở nhà xuất bản Kim Đồng, đã vẽ minh họa cho rất nhiều truyện, cả những tập dầy dặn như Chuyện loài vật của Tô Hoài, bộ Truyện đồng thoại của Võ Quảng, bộ Truyện cổ Grim... Tranh vẽ loài vật của Hoàn trong trẻo và rực rỡ. Đàn gà mẹ gà con, thậm chí những con nhện, con cánh cam như lúc nào cũng sẵn sàng nhảy ra từ trang sách. Không mô phỏng mà sáng tạo, nhưng vẫn chân thật giáo khoa.

Kim Duẩn sinh năm 1983, làm việc ở báo Sinh viên Việt Nam. Năm 2006 ấy, Duẩn cao lênh khênh và lặng lẽ đi trong đoàn qua các tỉnh. Gọi là chuyến tàu kể chuyện nhưng chúng tôi đi trên hai chiếc xe buýt to, cái băng chạy dọc hai bên thành xe vẽ hình tàu hỏa cách điệu như một con sâu dài nhiều khúc. Truyện tranh và minh họa của Duẩn phong cách hơi Tây và thường chuyển đổi đa dạng. Càng về sau, Duẩn càng vẽ nhiều bìa sách, vẫn theo kịp phong cách của từng cuốn khác nhau, vẫn thể hiện cá tính độc đáo. Bìa sách của Duẩn thường vừa mắt người đi chọn sách nên dễ được đón nhận. Đấy là những cuốn của nhà văn Ba Lan Janusz Leon Wisniewski, Cô đơn trên mạngTình nhân, nhà xuất bản Trẻ tái bản 2013. Đấy là Khởi sinh của cô độc của Paul Auster, Núi thần của Thomas Mann, Vợ Đông chồng Tây tập ký sự của Kiều Bích Hương…

Em út của Bọn Ba Tên này là Đặng Hồng Quân, sinh năm 1988, hiện làm ở nhà xuất bản Giáo Dục. Trong các trại sáng tác và các chuyến tàu kể chuyện, Quân trẻ nhất, mập mạp, phát về bề ngang, nhưng Quân không thấp và người rất chắc, nhờ chăm đá bóng và thể thao. Kể, đi đá bóng, hôm nào thắng vui phải biết, được bên thua bao ăn bao uống. Còn thua, buồn khủng khiếp, đã mệt thì chớ còn phải mất tiền bao bọn thắng. Ở trại sáng tác Tam Đảo, một đêm gió hú trên những ngọn thông ngoài cửa sổ, Quân ta mò sang phòng mấy bạn họa sĩ, nghe Đỗ Giáp Nhất, một anh chàng điển trai vẻ lãng tử, kể chuyện ma. Chuyện ma của Nhất không ra ma, cũng chẳng làm ai sợ. Mấy chàng khác kể thêm chuyện ma khác, đến mức gần sáng chẳng ai dám về phòng mình. Lê Phương tưởng không sợ gì thì phi vội lên giường chiếm chỗ, sáu gã vừa dài vừa cồng kềnh chen chúc trên hai chiếc giường đôi nối lại, đang ngủ có gã còn bị hất xuống đất.

Quân vẽ hồn nhiên ngây thơ, có chút ảnh hưởng phim hoạt hình. Vẽ truyện tranh Nghêu Sò Ốc Hến cho công ty Nhã Nam, bức tranh Thị Hến úp cái bồ lên để giấu xã trưởng trong nhà của thị, ở góc nhà Quân vẽ thêm con chuột tinh nghịch vểnh râu lên xem một tấn trò đời. Đấy đúng là chi tiết theo kiểu phim hoạt hình. Khi Quân vẽ minh họa cho báo, một tờ báo đối tượng không chuyên văn nghệ, tôi yêu cầu Quân vẽ ít nét ít mảng ít màu. Bức minh họa truyện Đám cưới của Tô Hải Vân có nhân vật ngồi ăn cưới bên cạnh những người không quen biết, ăn xong thì những người cùng ăn mới nhận ra cái ghế ấy từ đầu bỏ trống, không có ai ngồi. Có đấy mà không đấy. Tôi kêu lên: nhưng tranh minh họa lại khẳng định nhân vật ấy có thật. Quân nghe, chỉnh lại, làm cho nhân vật vừa hiện hữu, vừa chỉ là cái bóng mờ. Làm việc cũng là dịp tốt để trao đổi quan niệm về nghệ thuật và cuộc sống. Tôi đi xa, Quân vẫn trao đổi thường xuyên qua thư điện tử, Quân vào mạng tải xuống những phim hoạt hình hay của Mỹ, của hãng Ghibli Nhật Bản, ghi vào đĩa DVD và gửi sang, vì tôi không tự tải được.

Một lần tôi về phép, cả bọn rủ nhau đi Hải Phòng thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ra Đồ Sơn thăm nhà văn Đoàn Lê. Duẩn lái xe đưa mọi người đi. Hoàn là dân Hải Phòng được tin cậy cho ngồi cạnh lái xe để làm hoa tiêu. Xe cứ đi loanh quanh qua các đường phố mà Hoàn vẫn không chỉ được đúng lối. Lúc ấy y mới thanh minh: em người Hải Phòng nhưng từ bé có đi đâu nhiều mà biết. Y phải lấy điện thoại di động gọi về cho ông bố, nhờ ông chỉ đường, rồi chốc chốc lại phải dừng để hỏi người bên đường. Cả bọn lắc đầu nhìn nhau, tưởng là Hoàn sẽ làm người dẫn đường, chứ biết thổ công mà như thế thì ngay từ đầu đã tự tra bản đồ cho xong.

 Bìa sách của Đặng Hồng Quân
 Bìa sách của Đặng Hồng Quân

Những lần cả bọn hẹn hò đi xem phim mới kịch mới, Hoàn là kẻ hay hủy bỏ hợp đồng. Có lúc vì việc gia đình đột xuất. Có lúc vì vợ bị ngã xe. Vân vân và vân vân. Cả bọn có khi đi chơi không rủ nữa, kể lại cho y thèm, y lại tiếc, thế mà không rủ, hôm ấy nếu báo thì có thể đi được.

Thời Kim Duẩn chưa mua xe, cả bọn thuê xe đi khắp nơi theo chế độ cam bu chia. Quân, Duẩn, Hoàn, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Trương Quý… thuê xe lên cao nguyên Mộc Châu ngày áp Tết, mua cành đào phai. Nóc xe chất đầy cành đào đã được bó chặt và chêm đệm, không để bay xuống chặng đường núi phảng phất sương mù và chen chúc xe cộ. Quân và Duẩn chọn cành đào to gộc như thân cây. Quân ta còn hứng chí lấy cành đào già xù xì thế uốn lượn rất ấn tượng, rêu xanh mướt bám trên lớp vỏ cây già cỗi. Rốt cuộc, một tuần sau Tết đến, cành đào nhà ai cũng ra hoa, nhưng cành đào của Quân một tháng sau Tết vẫn im lìm không một cánh hoa, không một nụ chúm chím, chỉ có rêu trên thân cây vẫn xanh mướt. Cây đã quá già, không ra hoa được nữa.

Du lịch, ẩm thực, văn nghệ là chủ đề chính của nhóm này. Minh Thái lấy giấy mời xem kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam… Quân và tôi theo dõi xem rạp có phim nào mới đáng xem. Sau khi lên rạp Megastar xem phim thì xuống ngồi tầng năm tháp Bà Triệu ăn lẩu Chiêm hoặc món ăn Thái, bình luận rôm rả về bộ phim vừa xem. Một lần chuyển địa điểm sang Trung tâm chiếu phim Quốc gia, xem phim Quỷ dữ trong thang máy (Devil). Đã cẩn thận nhắn tin hai lần ghi rõ địa điểm, nhắc nhở mọi người có mặt trước giờ chiếu hai mươi phút. Ấy thế, chờ mãi, đến giờ chiếu, sốt ruột quá, phải a lô cho Tươi, biệt danh của Nguyễn Thị Minh Thái. Nữ giáo sư Tươi bình thản bảo: bây giờ chuẩn bị đi đây. Cả bọn ngán ngẩm, đến giờ chiếu mà vẫn chưa ra khỏi nhà. Phim có tám mươi phút, thì chiếu được mười phút, Tươi a lô, bảo đứa nào ra chờ đón ta nhé. Quân mang vé ra. Chờ bên ngoài mười phút, tìm khắp quần thể rạp không thấy, phải quay vào. Vào được năm phút thì Tươi bảo, đến rồi đây, ra đi. Quân ngại quá, Quân đã ra một lần, bây giờ lại phải đi qua trước bao nhiêu người ngồi đầu hàng ghế, không văn minh. Duẩn đành phải ra. Cũng phải gần mười phút, không tìm thấy Tươi, vào xem tiếp. Lúc ấy đến lượt tôi bắt đầu ngại vì cứ nghe điện thoại trong rạp. Mụ đến phòng chiếu số ba, tôi bảo. Nãy giờ đứng trước phòng số ba đây, Tươi bảo. Trong điện thoại, tôi nghe Tươi cao giọng với cô soát vé: bạn tôi đang xem trong này rồi, cho tôi vào. Soát vé hỏi, cô kiểm tra lại xem, bạn cô ở rạp nào. Rạp nào, Tươi hỏi tôi trong máy. Tôi nói tên rạp. Tươi kinh hoàng kêu lên: man rợ, ta đang ở Megastar.

 Bìa sách của Kim Duẩn
 Bìa sách của Kim Duẩn

Thế là tan. Nữ giáo sư không được xem phim. Bọn tôi xem phim thì mất nửa đầu chập chờn đứt quãng.

Nhưng rồi bực bội cũng chóng qua. Lại đi xem phim xem kịch, lại ẩm thực, lại du lịch, đi Đồ Sơn đi Sa Pa. Đến mức tôi đi vắng rồi, Minh Tươi thỉnh thoảng vẫn lấy vé xem kịch rủ Quân và Duẩn. Duẩn hôm nào đi xem một mình thì qua chở Minh Tươi đi bằng xe máy. Hôm nào đi với vợ thì đến cổng nhà hát gặp Tươi để lấy vé. Duẩn cưới vợ năm hai mươi lăm tuổi, bị trêu là tảo hôn. Quân thì khi học gần xong Đại học Mỹ thuật đã được nhà bạn gái gợi ý làm đám cưới. Thích thì cũng thích. Nhưng nghĩ mình mới bắt đầu sự nghiệp, chưa kịp làm gì nhiều, chưa có vốn liếng gì chuẩn bị cho gia đình, thế là chọn tập trung vào công việc và học tiếp cao học.

Việc Duẩn chở nữ giáo sư bằng xe máy cũng có một giai thoại: cháu chở cô đến phố quán ăn bên hồ Trúc Bạch, chỗ ấy hay có chuyện nhân viên quán chạy ra chặn xe bắt khách. Xe đang chạy chầm chậm, cô và cháu đang đưa mắt ngơ ngác tìm điểm hẹn nhau của cả hội, thì bị nhân viên một quán chạy ra chặn xe, giữ lấy tay xe máy: anh chị vào quán nhà em đi.

Quân ít có thời gian đi xem với Minh Tươi, nhưng cô gọi đến chỉnh giúp cái máy tính xách tay là đến. Đến để nạp một số phim mới vào máy tính của cô, hàng tháng sau thấy cô vẫn chưa xem thì hơi giảm hứng. Tươi đòi mua giúp cô máy đọc sách, cho sành điệu, vì thấy Quân và tôi đã có, không chịu kém miếng, Quân cũng chiều mua giúp, viết hẳn hai trang hướng dẫn cách sử dụng cho Tươi, mà vẫn nghi hoặc, hình như cô chưa dùng đến.

Quân hay sục sạo trên mạng, một chuyên gia biết tuốt về mạng, thành ra cần thông tin gì liên quan, ngại tra google, tôi chỉ cần hỏi Quân. Dù ở rất xa, cần chỉnh sửa ảnh cho báo, tôi lại nhờ Quân. Cần tìm bài hát cũ, Huyền thoại hồ Núi Cốc Thanh Hòa hát từ đầu những năm 1980 chẳng hạn, lại nhờ Quân. Thấy có sách điện tử mới là Quân tải xuống, cung cấp cho tôi. Rất nhiều sách quý. Sách in mới ra cuốn gì hay, chúng tôi đều mua ngay, nhưng riêng sách điện tử thì trong ổ lưu trữ của chúng tôi có khoảng một vạn cuốn tiếng Việt, năm nghìn cuốn tiếng Anh và mấy chục tập truyện tranh. Tôi đến với máy đọc sách là do ban đầu Quân gửi sang tặng một cái Kindle của Amazon. Mê ngay. Nó mỏng và nhẹ chứ không phải cầm một cuốn dầy cộp nặng oặt cả tay. Nó mỏng và nhẹ mà có thể mỗi lần nạp mấy chục cuốn sách trong ấy, mang đi du lịch đi công tác như không. Tôi giới thiệu cho Quân đọc những cuốn sách hay theo một hệ thống khá bài bản. Họa sĩ nên đọc nhiều, bổ sung kiến thức văn học, đến một lúc nào đấy lượng chuyển thành chất, có thể tự viết rồi vẽ mà làm truyện tranh là cái mà các vị ưa thích. Tôi nói với cả Bọn Ba Tên như thế.

Bây giờ thì Quân vẫn tiếp tục cung cấp cho tôi sách điện tử mới phim mới nhạc mới. Sách thì có thể gửi kèm trong thư điện tử. Phim thì nén vào DVD, mỗi đĩa mấy phim, gửi một lần theo ai đó đi công tác sang Tây Á. Lại từ Đông Á sang Tây Á. Giống như cách chúng tôi vẫn làm báo lâu nay, tôi nhận tranh minh họa qua đường thư điện tử, từ Đặng Hồng Quân, Kim Duẩn, Vũ Xuân Hoàn.   

Hồ Anh Thái