Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới là bước đầu

Văn Chí 28/08/2013 08:49

Tên gọi Phú Quốc của nước mắm Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được công nhận, bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã mở ra cơ hội để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này. Nhưng đây chỉ là bước đầu, người dân và doanh nghiệp tại Phú Quốc còn phải làm nhiều việc để thu hút khách hàng nơi đây.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa chính thức cấp chứng nhận bảo hộ tên gọi Phú Quốc cho nước mắm Phú Quốc để sản phẩm này được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đây là sản phẩm đầu tiên của các nước trong khu vực ASEAN được EC chính thức bảo hộ. Việc tên gọi xuất xứ của nướác mắm Phú Quốc được luật pháp châu Âu bảo hộ độc quyền được cho là sẽ triệt tiêu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho nước mắm chất lượng cao của nước ta có thể mở rộng thị phần tại châu Âu. Và cơ hội để khai thác thị trường của nước mắm Phú Quốc là rất lớn khi hệ thống nhà hàng ăn uống châu Á đang phát triển nhanh tại khu vực này. Từ thành công của nước mắm Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Kim Thoa cho biết, sẽ tiếp tục đề nghị cấp chứng nhận tên gọi xuất xứ cho các hàng nông sản khác.

Nguồn: blogspot.com
Nguồn: blogspot.com
Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Để trụ vững ở thị trường tiềm năng này, các doanh nghiệp kinh doanh nước mắm Phú Quốc còn nhiều việc phải làm. Do bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi đưa sang thị trường này không thay đổi so với sản phẩm cung ứng ở trong nước, nên người tiêu dùng châu Âu thường loay hoay khi đứng trước chai nước mắm Phú Quốc vì trên bao bì chữ nước mắm rất bé, khó phân biệt được đây là nước mắm hay sản phẩm khác. Ngoài ra, người tiêu dùng nước ngoài, cũng như khu vực châu Âu chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn sản xuất được sử dụng và uy tín của thương hiệu để lựa chọn. Song trên bao bì nước mắm Phú Quốc lại dành diện tích lớn để cung cấp các thông tin người tiêu dùng tại khu vực này không quan tâm như nguồn gốc cá cơm, truyền thống sản xuất.... Một trở ngại khác là nhu cầu sử dụng nước mắm của người châu Âu không nhiều như người châu Á, nên kích cỡ của chai nước mắm Phú Quốc quá lớn so với nhu cầu sử dụng. Do đó, người tiêu dùng ngần ngại khi mua sản phẩm. Để phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhà sản xuất nên đưa ra nhiều loại kích cỡ, chủng loại sản phẩm khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn.

Một trở ngại khác là nước mắm truyền thống được chiết từ cá cơm, không sử dụng hóa chất nên khi gặp nhiệt độ thấp sẽ dễ bị kết tủa, đóng cặn dưới đáy chai. Người tiêu dùng châu Âu nếu không được tuyên truyền, giải thích về điều đó có thể không lựa chọn sản phẩm, vì thông thường hàng quá hạn sử dụng mới có hiện tượng này. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có đại diện tại thị trường xuất khẩu để kịp thời đưa giải thích cho người sử dụng, hoặc đưa thông tin này lên bao bì. Nói cách khác là doanh nghiệp phải cải tiến từ bao bì, mẫu mã sản phẩm đến cách truyền thông để thu hút dân châu Âu.

Trong kinh doanh có một nguyên tắc là chỉ bán những cái thị trường cần, chứ không bán cái ta có. Bởi thế, việc công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc mới là bước đầu tiên để khai thác thị trường này. Doanh nghiệp cần nắm rõ thói quen tiêu dùng, đòi hỏi riêng của người dân tại đây để có những cải tiến thích hợp với sản phẩm. Đó có thể chỉ là cải thiện nhỏ trên bao bì, nhãn mác nhưng hiệu quả vô cùng lớn. Người tiêu dùng châu Âu có lẽ sẽ không quá khó tính để tẩy chay một thương hiệu đã được ghi nhận về chất lượng trên thế giới. Song nếu doanh nghiệp không chú ý tạo dựng thiện cảm với người mua từ những yếu tố nhỏ thì vẫn có thể đánh mất thị trường, với cái giá phải trả sẽ không nhỏ.

Văn Chí