Từ ngục tối trở về
Từ ngày 29.7 - 5.8, bộ ảnh Từ ngục tối thắng lợi trở về của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành cùng tác phẩm của các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà Nước năm 2012 sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bộ ảnh gồm 4 bức: Thoát khỏi ngục tù, Nghẹn ngào đón mừng các chiến sỹ thắng lợi trở về, Hạnh phúc của những người chiến thắng, Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng.
![]() |
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Trưởng ban biên tập ảnh Thông tấn Xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, là một trong hai nghệ sỹ nhiếp ảnh được nhận Giải thưởng Nhà Nước năm 2012. Trong sự nghiệp 40 năm cầm máy, ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất là những ngày tháng 3.1973, khi ông được giao nhiệm vụ đi Quảng Trị phản ánh cuộc trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn theo Hiệp định Paris với sự giám sát của Ủy ban Quốc tế. Và bộ ảnh Từ ngục tối thắng lợi trở về đã ra đời, kèm theo đó là 4 câu chuyện mà ông không bao giờ quên, cũng không thể quên!
Nghệ sỹ Chu Chí Thành kể lại, hôm đó là ngày 26.3.1973, nắng như đổ lửa xuống bãi cát Nhan Biều, bờ Bắc sông Thạch Hãn, nơi tập kết tù binh quân đội Sài Gòn, còn bờ Nam là thị xã Quảng Trị, nơi tập kết các chiến sỹ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Mỹ - Thiệu để chờ trao trả. Đứng bên bờ Bắc, tôi nhìn thấy các chiến sỹ của ta khi đến bờ sông đã cởi phăng quần áo ngoài, và biểu ngữ, cờ cách mạng không biết anh em cất giữ ở đâu được giương ra rất khí thế. Khi xuồng máy của phía Sài Gòn đưa các chiến sỹ ta ra giữa sông, anh em nhảy ào xuống, còn ở bờ Bắc, các chiến sỹ quân phục chỉnh tề cũng lao xuống sông để đón những người vừa thoát khỏi gông xiềng. Ngay lúc ấy, tôi hồi hộp bấm máy, định hình được những khoảnh khắc hiếm hoi đó. Bức ảnh Thoát khỏi ngục tù đã được sinh ra trong sự vui sướng của hai đoàn người Bắc - Nam ngày sum họp. Phía sau, vẫn thấy một hiện thực nhức nhối: cổng chào, cờ của chính quyền Sài Gòn và sự đổ nát của thị xã Quảng Trị. Bức ảnh nói lên sự tương phản của một thời điểm lịch sử đọng lại trên một dòng sông.
Còn bức ảnh Nghẹn ngào đón mừng các chiến sỹ thắng lợi trở về ghi lại lớp lớp người phấn khởi lao xuống dòng sông, phút tự do đầu tiên trong đời người tù binh, bên này bộ đội ta cũng ào xuống đón anh em mình về. Cuộc gặp gỡ xúc động, cho thấy tình đồng đội thiêng liêng, các chiến sỹ khoác vai nhau, dìu nhau, vừa đi vừa khóc. “Khi đó, tôi có cảm giác mình chính là những người lính ấy, cũng rất mong muốn gặp lại đồng đội mình, hồi hộp và xúc động lắm chứ. Đến bức ảnh Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng, tôi thấy rõ những tấm lưng trần xen giữa những tấm áo lính, những vòng tay chiến sỹ mình quấn lấy nhau, rất yêu thương và đoàn kết. Họ tựa vào nhau, níu nhau lên bờ, phía trước là ngọn cờ Cách mạng…”.
![]() | |
Thoát khỏi ngục tù (Sông Thạch Hãn, Quảng Trị mùa xuân 1973) | Ảnh: Chu Chí Thành |
Cũng trong những ngày ở Quảng Trị, Chu Chí Thành chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động, trong đó có sự gặp gỡ của vợ chồng anh Nguyễn Minh Sang và chị Nguyễn Thị Hà. Anh Sang là trung tá Quân giải phóng, còn chị Hà là cán bộ hoạt động vùng địch hậu. Hai người đều bị địch bắt và bị tù đày 13 năm trời. Chị Hà có người bạn là Hoài làm ở ban đón tiếp đoàn quân trở về. Chu Chí Thành nghe được câu chuyện chị Hoài cho chị Hà biết trong danh sách mà địch trao trả có tên anh Sang. Thế là ông quyết định rình cho bằng được cuộc hội ngộ này. Buổi tối hôm ấy, trước lúc biểu diễn văn nghệ chào mừng các chiến sỹ trở về, anh chị gặp nhau. Quá xúc động, chị Hà bần thần, chết sững, còn anh Sang chỉ hỏi được một câu: “Hà, em có khỏe không?” rồi tay trái chống nạng, tay phải ôm ngang lưng vợ... “Tôi bấm máy chớp được nụ cười nở trên môi anh. Tôi đặt tên Hạnh phúc của những người chiến thắng cho bức ảnh, nó như minh chứng cho sự đoàn viên, niềm hạnh phúc lớn lao của người Việt Nam sau Hiệp định Paris” - nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành xúc động nói.
Theo nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, “đề tài chiến tranh nhắc đi nhắc lại không bao giờ muộn. Nó mãi mãi lay động lòng người”. Nhớ lại năm xưa bên dòng Thạch Hãn, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã không giấu được xúc động: “Cuộc chiến đấu vô cùng gian nan khốc liệt, không một giây phút nào bom đạn ở đây ngừng rơi. Tuy nhiên, giữa cái khốc liệt đấy, tôi thấy tinh thần lạc quan, vui tươi, hồn nhiên của người lính sau mỗi trận đánh, là niềm hạnh phúc của vợ chồng khi gặp lại nhau, là nụ cười hân hoan mừng ngày về chiến thắng”. Ông hy vọng bộ ảnh Từ ngục tối thắng lợi trở về triển lãm lần này sẽ cho người xem thấy được tình người trong cuộc chiến chống lại kẻ thù khi xưa, cũng như hiểu thêm tầm vóc, mục đích cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam.