Sống lại điệu hát soọng cô

Cao Sơn 28/07/2013 08:30

Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo của người Sán Dìu, truyền tải tâm tư, tình cảm và ước muốn của người lao động. Tuy nhiên, đã có lúc những làn điệu soọng cô bị lấn át bởi các hình thức giải trí hiện đại…

Trình diễn hát soọng cô
Trình diễn hát soọng cô

Theo tiếng Sán Dìu, soọng có nghĩa là hát, nghĩa là ca. Lời ca và giai điệu của soọng cô đầy sức lan tỏa, diễn đạt tâm tư, tình cảm của người hát. Những đôi trai gái đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau, nhờ tiếng hát để bộc lộ tâm ý khi không dám ngỏ lời trực tiếp. Sọong cô còn là lời hát ru đưa con trẻ chìm trong giấc ngủ, là lời hát để hỏi thăm gia đình, bạn bè… của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Hát soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường diễn xướng, có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, trong khi ru con và trong các lễ hội…

Theo lời kể của các bậc lão niên thôn Cửu Yên, thôn có 100% dân số là người dân tộc Sán Dìu, ở xã Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, hát soọng cô đã gắn bó với người Sán Dìu từ bao đời nay, giống như người Thái có múa xòe, người Kinh có quan họ. Tiếng hát giao duyên vẫn là tiếng hát kéo dài nhất trong các đêm hát. Không giống như quan họ, liền anh, liền chị không được lấy nhau, trong hát soọng cô, các chàng trai, cô gái, có thể mặc sức thông qua lời hát để ngỏ lời, chọn bạn tình, chọn bạn đời. Những tuần trà lần lượt rót ra mời bạn. Những câu hát vẫn nhẹ nhàng trầm lắng, làm cho con người quên đi cảm giác về thời gian. Khi tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu, những tâm hồn đang đắm chìm trong điệu hát soọng cô như chợt tỉnh giấc, nhiều đôi cảm thấy luyến tiếc thời gian ngắn quá chưa đủ để nói hết tâm sự trong lòng. Những câu hát giã từ cất lên da diết, hẹn một đêm gần nhất để tiếp tục hát: Gà gáy chưa khắp trời sắp sáng/ Gà gáy sáng rồi sắp chia tay/ Bố mẹ, ông bà thì còn được/ Anh, em mình chia tay đứt hết ruột gan… Bên cạnh vai trò là loại hình giải trí của một dân tộc yêu văn nghệ, hát soọng cô giúp thanh lọc tâm hồn, khiến con người từ bỏ cái ác, hướng tới cái thiện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Dương Thị Tuyến cho biết, trước nguy cơ điệu hát soọng cô dần mai một, từ nhiều năm trước tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư, khuyến khích loại hình nghệ thuật này phát triển trở lại, với việc thành lập đội văn nghệ hát soọng cô ở các xã, tiêu biểu như ở Hợp Châu, huyện Tam Đảo. Tỉnh cũng giao Sở VH, TT và DL nghiên cứu và lập quy hoạch, xây dựng một làng văn hóa du lịch, theo mô hình du lịch cộng đồng. Khách du lịch có thể đến ăn nghỉ tại nhà của đồng bào, tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là hát giao duyên soọng cô. Trong chương trình khai mạc Lễ hội Tây Thiên, thuộc Tuần Văn hóa - Du lịch Vĩnh Phúc năm 2013, ngoài liên hoan hát văn, hát chầu văn, ngành văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức trình diễn hát soọng cô để phục vụ khách du lịch, nhằm giới thiệu loại hình văn hóa độc đáo này. Hoạt động này thu hút khá đông sự tham gia của người đi trẩy hội.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Vĩnh Phúc Lê Kim Thuyên, vài năm trước, do tác động của cơ chế thị trường, xã hội hiện đại, hát soọng cô gần như vắng bóng trong các thôn, làng của người Sán Dìu ở Tam Đảo. Nhưng chính sự phát triển du lịch đã và đang làm sống lại loại hình văn hóa dân gian độc đáo này. Nếu biết cách khai thác, Vĩnh Phúc còn rất nhiều giá trị văn hóa quý khác có thể thúc đẩy phát triển du lịch và ngược lại chính hoạt động du lịch sẽ góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đó.

 Dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc có khoảng trên 34.000 người, cư trú rải rác quanh chân núi Tam Đảo, từ xã Ngọc Thanh (TX Phúc Yên) đến một số xã ở huyện Bình Xuyên, huyện Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch. Cũng như những dân tộc anh em khác, người Sán Dìu có tiếng nói riêng, chữ viết riêng và bản sắc riêng, trong đó hát soọng cô là làn điệu dân ca đặc sắc được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của họ. 

Cao Sơn