Phải phù hợp với điều kiện thực tế và không thoát ly thực tiễn

Hoa Lê 26/07/2013 09:19

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ vừa tổ chức, một số ý kiến cho rằng, chương trình, sách giáo khoa phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, tuyệt đối không được thoát ly thực tiễn. Nếu không làm được điều này, chương trình, sách giáo khoa sẽ không khả thi và không đáp ứng được yêu cầu.

 Nguồn: vov.vn
Nguồn: vov.vn

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành theo quy trình chặt chẽ trên cơ sở kế thừa và phát huy những kinh nghiệm trong nước cũng như có sự tham khảo, cập nhật các kết quả nghiên cứu về phát triển chương trình của một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đã huy động được nhiều nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên giỏi tham gia.

Công tác thí điểm và tổ chức thẩm định chương trình, sách giáo khoa được tiến hành nghiêm túc. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã bảo đảm hệ thống chuẩn kiến thức và kỹ năng được quy định trong chương trình môn học, bảo đảm tính chính xác, khoa học, phù hợp với thực tiễn đất nước. Phần lớn sách giáo khoa đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm ở từng bài, từng chương; thiết kế, trình bày có hệ thống theo cấu trúc đường thẳng hoặc đồng tâm, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ nhận thức của học sinh. Cùng với đó, hình thức của nhiều cuốn sách có giá trị thẩm mỹ cao, kết hợp hài hòa kênh hình, kênh chữ, cỡ chữ, màu sắc sinh động…

Có thể thấy, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã góp phần tích cực trong việc cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Trần Thị Tâm Đan đánh giá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, quá trình biên soạn và thí điểm chương trình, sách giáo khoa vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu khoa học, chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Việc chưa có tổng chỉ huy cho toàn bộ quá trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa, Hội đồng chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học, thiếu lực lượng chuyên trách và cơ chế quản lý hiệu lực để bảo đảm vận hành tốt toàn bộ quy trình xây dựng và triển khai chương trình, sách giáo khoa đã dẫn đến thiếu tính thống nhất trong quá trình biên soạn.
 
Chương trình giáo dục phổ thông cũng chưa được xây dựng theo một chỉnh thể xuyên suốt giữa các cấp học. Thay vì xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết sách giáo khoa thì chương trình hiện nay được xây dựng theo “quy trình ngược”, nghĩa là mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả dựa vào đó viết sách giáo khoa. Sau khi có sách giáo khoa thì đưa vào dạy thử nghiệm rồi đưa ra chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành chương trình chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, việc chưa thu hút hiệu quả sự tham gia đóng góp của các nhà sư phạm, nhà khoa học, nhất là ở cấp trung học cơ sở và THPT, đặc biệt là việc các trường đào tạo sư phạm không chủ động vào cuộc ngay từ đầu quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng là một khó khăn trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới - Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Dụ cho biết.

Hiện tại, nước ta đã có bộ giáo trình, sách giáo khoa hoàn chỉnh đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm. Nhưng thực tế cho thấy, chương trình, sách giáo khoa hiện hành, nội dung nặng, quá tải, nặng lý thuyết, chưa gắn nhiều với thực tiễn, tính liên thông giữa các cấp trình độ ở phổ thông với giáo dục chuyên nghiệp, đại học còn thấp. Theo đánh giá của Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Trần Thị Tâm Đan, chương trình giáo dục phổ thông hiện còn nặng về truyền thụ kiến thức, mà hạn chế về rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, phương pháp học tập, phương pháp tư duy, năng lực giải quyết vấn đề trên cơ sở khoa học.

Do vậy, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhận thức đúng về vai trò, vị trí của giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục là việc làm cần thiết. Đây là việc làm hệ trọng, vì vậy trong quá trình triển khai cần phải có đổi mới, tiếp cận, điều chỉnh, kế thừa chương trình, nội dung giáo dục phổ thông ở các nước hiện đại phù hợp với thực tiễn, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng. Khẩn trương nhưng chu đáo, hiệu quả và không được thoát ly thực tiễn.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải lấy hệ thống các trường sư phạm làm nòng cốt, tránh tình trạng để các trường sư phạm đứng ngoài cuộc; phải coi đội ngũ giáo viên sư phạm là lực lượng chủ công cần được huy động, đầu tư thỏa đáng. Đồng thời, cần phải làm rõ vai trò, nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo của trường sư phạm để các trường sư phạm có cơ hội tăng cường mối liên hệ giữa đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong quá trình sử dụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Dụ nhấn mạnh.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực mới của đất nước.

Hoa Lê