Du đấu mùa hè - mảnh đất màu mỡ

Nhật Phong 15/07/2013 08:57

Mùa hè luôn được coi là mùa du đấu khủng khiếp của các câu lạc bộ bóng đá lớn, đơn giản bởi những chuyến đi nghỉ dưỡng kiêm kiếm tiền này có quá nhiều cái lợi mà không ai có thể bỏ qua.

 

Khai phá thị trường mới

Châu Âu đã bội thực với bóng đá và vì cũng muốn đổi gió, đồng thời lôi kéo thêm lực lượng cổ động viên - những người trả tiền để mua bàn quyền truyền hình với giá cắt cổ từ Premier Ligue, Bundesliga, La Liga…, thì du đấu là điều tất yếu. Du đấu để quảng bá giải đấu, tăng thương hiệu câu lạc bộ. Du đấu vì hãng tài trợ, để bán áo đấu, tăng thêm cổ động viên… Đủ lý do, nhưng chung quy là vì tiền. Vì thế, các thị trường đông dân mà lại yêu bóng đá cuồng nhiệt như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… luôn nằm trong danh sách ưu tiên của các CLB lớn. Premier League là giải đấu giỏi làm ăn nhất. Tất nhiên các ông lớn có nhiều fan phải đi trước để mở đường.  Châu Á là điểm đến lý tưởng, nơi mà Man Utd, Inter, Chelsea, Arsenal, Liverpool có lượng fan hùng hậu, sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem một trận giao hữu vô thưởng vô phạt và mua áo đấu hoặc đồ lưu niệm của CLB. Mùa hè này, Man Utd du đấu 5 trận ở Bangkok, Osaka, Yokohama, Hong Kong và Sydney. Arsenal đến Jakarta, Việt Nam, Nhật Bản. Chelsea đi Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, New York…

Một yếu tố không thể thiếu là nếu có cầu thủ bản địa nào ở câu lạc bộ thì nhất định phải cho đi cùng và cho ra sân để khán giả nhà còn được thấy đồng bào thi đấu dưới màu áo CLB danh tiếng, tiện thể quảng bá cho câu lạc bộ, còn về sau thế nào thì không biết. Các câu lạc bộ thường điều tra thị trường trước khi đến xem họ thực sự được hâm mộ nhất tại đâu và sẽ đến đó trước để củng cố lượng cổ động viên, như Inter tới Trung Quốc. Nơi nào ít cổ động viên cũng phải ghé thăm để tìm hiểu tình hình và lấy lòng fan, năm sau quay lại. Nếu muốn ký được hợp đồng tài trợ thì lại càng phải đến, ví dụ Man Utd vừa ký hợp đồng với một công ty của Thái Lan nên tất nhiên Thái Lan phải xuất hiện trong lịch du đấu của họ.

Bên cạnh châu Á, các thị trường lớn như Mỹ, châu Mỹ, Trung Đông cũng được ưu tiên. Một số đội ít thích kiếm tiền mà tập trung vào chuyên môn thì du đấu ở châu Âu, như Bayern Munich, đặc biệt là các đội của Serie A hay Bundesliga, trước hết vì họ không đọ nổi độ phổ biến với các đại gia của Premier League ở nước ngoài.

 

Giới thiệu cầu thủ mới

Thường thì các đội bóng sẽ cố gắng hoàn thiện đội hình trước khi đi du đấu, tức là việc mua bán cầu thủ sẽ hoàn thành sớm để cầu thủ mới có thể du đấu cùng CLB, vừa quảng bá CLB nếu đó là ngôi sao, cầu thủ vừa được làm quen với đồng đội và lối chơi mới cũng như hiểu rõ trách nhiệm của mình trong màu áo mới. Các HLV, đặc biệt là HLV mới, cũng có thời gian làm quen và thấy rõ phong độ của các cầu thủ để còn sàng lọc đội ngũ. Những người sắp bị bán hoặc có tin đồn chuyển nhượng sẽ thường nằm ngoài poster quảng bá du đấu và cổ động viên cũng đoán lờ mờ được phần nào tương lai cầu thủ đó. Năm nay, rất có thể, Higuain sẽ theo chân Arsenal sang Việt Nam, Thiago kịp đổi màu áo sang Man Utd để đến châu Á. Các HLV cũng có cơ sở để lên kế hoạch lâu dài cho mùa bóng sắp tới.

Cơ hội

Với những người không tìm được bến đỗ mới, hoặc cầu thủ trẻ ít có cơ hội ra sân, hay những cầu thủ dự bị không có vị trí chính thức, thì du dấu mùa hè cũng là cơ hội tốt để ghi điểm với HLV, nhằm có tương lai tốt hơn. Thường thì các HLV sẽ xoay vòng đội hình rất nhiều và cho tất cả cầu thủ có cơ hội ra sân. Vì vậy, nếu trình diễn tốt thì tương lai của các cầu thủ sẽ sáng sủa hơn. Với các tân binh, việc chứng tỏ mình dù trong một trận giao hữu vô thưởng vô phạt cũng hết sức cần thiết, để cho thấy anh ta đáng giá đồng tiền bát gạo thế nào.

Và rủi ro

Rủi ro đầu tiên là chấn thương, vì đơn giản là hợp đồng du dấu luôn thòng thêm điều khoản phải mang theo những cầu thủ tốt nhất, ví dụ như Barcelona không có Messi thì sẽ chẳng ai muốn xem, nên các ngôi sao dù đã phải thi đấu hết công suất cả mùa bóng vẫn phải xỏ giày ra sân. Vì vậy, nguy cơ ngã xuống bởi va chạm không ít, nên nếu chẳng may mất quân, câu lạc bộ sẽ lĩnh đủ, nhẹ thì vài trận đầu mùa, nặng thì vài tháng. Mà muốn câu thêm khán giả thì phải chơi tấn công và đá đẹp nên nguy cơ chấn thương cao, bởi các hậu vệ ở những nền bóng đá kém phát triển hơn rất dễ lỡ chân phang các siêu sao quốc tế. Nhưng nguy cơ cao nhất là tình trạng kiệt sức của cầu thủ, khi ngoài thi đấu họ còn phải di chuyển và thay đổi để thích nghi với múi giờ...

Lợi thì nhiều nhưng hại cũng không ít, nhưng lợi ích về kinh tế quá lớn và phong trào… cả làng du đấu khiến không đại gia nào có thể ngoảnh mặt làm ngơ và những cuộc du đấu càng ngày càng nhiều, dày đặc vẫn diễn ra trong sự chờ đợi của ngươì hâm mộ và sự mệt mỏi của cầu thủ.

Nhật Phong