Những minh họa từ Dante đến Dan Brown
Thần khúc (tiếng Ý: La divina commedia, tiếng Anh: The Divine Comedy) là trường ca nổi tiếng của nhà thơ Ý thời trung cổ Dante Alighieri (1265-1321). Tác phẩm được xếp vào hàng những bản trường ca vĩ đại nhất của văn học thế giới. Sức tưởng tượng và tính ẩn dụ về thế giới bên kia trong thế giới quan Thiên chúa giáo là đỉnh điểm sự phát triển nhãn quan về thế giới của Nhà thờ Thiên Chúa giáo Tây Âu. Cho đến nay Thần khúc truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều thế hệ nghệ sĩ.
![]() Dante với Thần khúc trước thành Florence, tranh của Domenico di Michelino, thế kỷ XV |
Mới đây, nhà văn Mỹ Dan Brown – từng gây chấn động với Mật mã Da Vinci (2003) – cho ra mắt cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng và đặt tên theo một phần trong Thần khúc là Địa ngục (Inferno). ĐBND giới thiệu bài viết của nhà phê bình nghệ thuật Jonathan Jones trên tờ Người bảo vệ, so sánh mối tương quan giữa các tác phẩm văn học và các bản vẽ minh họa.
Trong khi danh họa Sandro Botticelli (1444/45-1510), được đánh giá là họa sĩ Phục hưng sớm nhất) vẽ loạt tranh Paradiso giản dị minh họa cho Thần khúc, các bản vẽ bóng của nhà điêu khắc - họa sĩ thần đồng người Pháp Gustave Doré (1832-1883) đã được sử dụng để quảng bá cuốn tiểu thuyết mới nhất của Dan Brown. Chúng ta xem xét các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ văn bản vượt thời gian của Dante.
Cuốn sách Địa ngục (Inferno, 2013) của Dan Brown đang làm nên những điều lạ kỳ đối với Dante và các họa sĩ đã minh họa tác phẩm bất hủ của ông. Ví dụ, câu chuyện mới đây trên thời báo Người quan sát (The Observer) về tác phẩm li kỳ của nhà văn này khi đến Florence được minh họa bằng một bức tranh của danh họa Domenico di Michelino trong nhà thờ chính tòa thành phố. Trong bức tranh này (khoảng 1465), nhà thơ thời Trung cổ Dante Alighieri khổng lồ mặc áo choàng đỏ đang đứng, để ngửa trường ca Thần khúc của ông trước toàn thành phố Florence nhỏ bé phía sau lưng. Tên cuốn tiểu thuyết mới của Brown và biểu tượng của nó đề cập phần đầu tiên của ba phần tạo nên Thần khúc: Địa ngục, Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso).
Trong bức họa ở nhà thờ, Dante chỉ ra ba thế giới bên kia mà trường ca của ông mô tả – chúng được cụ thể hóa trước mắt dân Florence, cho mọi người thấy những kết quả họ phải đối mặt tùy theo sự lựa chọn cách sống của mình.
Danh ca người Mỹ Lou Reed (sinh năm 1942, được đánh giá là một trong 100 ca sĩ, nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất mọi thời đại) từng hát trong một ca khúc rằng Gieo hạt nào gặt quả ấy (câu này không phải Lou Reed nói đầu tiên – ND) và bức tranh này vẽ nên hậu quả hành động của chúng ta theo quan niệm của Dante. Thần khúc là biểu hiện văn hóa tối cao của Thiên Chúa giáo. Những ai phạm tội không thể tha thứ sẽ xuống địa ngục, chảo lửa có mức độ trừng phạt càng lúc càng dữ dội được khắc họa tỉ mỉ trong Địa ngục. Còn những ai không quá (hoặc cố tâm) độc ác sẽ có cơ hội sám hối từng việc ở Luyện ngục để đến Thiên đường – cảnh giới hạnh phúc thanh tao.
Dante, sống và viết trong cảnh lưu vong vào đầu thế kỷ XIV sau khi thất bại trong cuộc chiến gay gắt giữa các phe phái ở nước cộng hòa Florentine, nơi muốn giữ nền tảng đạo Cơ đốc theo thánh ca cổ xưa của nhà thơ La Mã Virgin. Chính ông được Virgin hướng dẫn đi qua các tầng địa ngục – và thi phẩm của Dante kể lại những điều thấy ở đó, như thể đó là một cuốn hồi ký chuẩn mực. Đây là tác phẩm đặc biệt nhất theo bút pháp hư ảo trong nền văn học châu Âu.
![]() Một bản vẽ chì trong loạt minh họa Địa ngục từ thế kỷ XV của Sandro Botticelli |
Chính tính huyền ảo đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ về sau.
Trong khi bức tranh từ thế kỷ XV đang được dùng làm minh họa trên tờ Người quan sát, thì một bài đặc biệt về Dan Brown trên trang bìa Thời báo Chủ nhật (Sunday Times) sử dụng bức tranh minh họa mê hoặc từ thế kỷ XIX của Gustave Doré cho tiểu thuyết Địa ngục. Doré vẽ Dante trong bóng tối và ly kỳ lãng mạn. Ông làm cho chúng ta cảm thấy sức nặng của trái đất sâu thẳm bị vây quanh bởi vô vọng, như ta đang ngắm nhìn một ngôi mộ, và hơn thế nữa.
Doré tạo ra dáng vóc cho Dante trong nền mỹ thuật Pháp thế kỷ XIX. Trong bức tranh Thuyền của Dante (The Barque of Dante) vào năm 1822, danh họa Delacroix mô tả Dante và Virgin đi thuyền qua biển địa ngục đầy rẫy các linh hồn đau đớn gào thét; còn trong họa phẩm Ugolino và đám con trai (Ugolino and His Sons), nhà điêu khắc Jean-Baptiste Carpeaux miêu tả sự khủng khiếp nhất trong tất cả các hình ảnh của Dante: bá tước Ugolino cùng các con ông bị giam cầm và chờ chết đói trong một pháo đài ở Pisa (không phải tháp nghiêng). Dante để lại những câu chuyện đa nghĩa có kết thúc khủng khiếp – có vẻ sau khi đám trẻ qua đời, Ugolino đói khát đã ăn thịt chúng. Để trả thù, ông tưởng tượng đang nhai ngấu nghiến hộp sọ kẻ bắt giữ mình.
Dante đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ – từ điêu khắc gia lừng lẫy người Pháp Auguste Rodin (1840-1917) cho đến họa sĩ nổi tiếng người Mỹ, nhà cải cách nghệ thuật lớn nhất (chỉ sau Jackson Pollock) là Robert Rauschenberg (1925-2008). Nhưng người tôi yêu thích nhất vẫn là Sandro Botticelli.
Khi Botticelli đặt bút minh họa cho Dante ở Florence vào cuối thế kỷ XV, ông đã kháng cự những hình ảnh khủng khiếp mà dường như đại thi hào đã gọi tên. Hay đúng hơn, trong khi tỉ mỉ ghi lại mọi sự khủng khiếp, ông sử dụng một phong cách đồ họa bình thản làm cho bản vẽ có cảm giác tươi mới và có cái nhìn trực diện của nhân chứng sự thật. Minh họa của ông ám ảnh tôi ngay lần đầu tiên nhìn thấy trong một cuộc triển lãm tại Rome, gần như tôi cảm thấy bị cám dỗ để theo Công giáo La Mã. Botticelli – riêng biệt giữa nhiều họa sĩ – tạo cho Thiên đường có sức hấp dẫn như Địa ngục.
Hãy tự thưởng thức mùa hè này, đọc Địa ngục của Dan Brown. Nhưng cũng nên đọc bản dịch Thường dân (Everyman) của Allen Mandelbaum chuyển ngữ Thần khúc được minh họa bằng những bức vẽ tuyệt vời của Sandro Botticelli.