Lao động chưa có việc làm sẽ có điều kiện và cơ hội tốt nhất để có việc làm
Mục đích của Luật Việc làm chính là giải quyết việc làm cho người lao động, ai chưa có việc làm sẽ có điều kiện và cơ hội tốt nhất để có việc làm, góp phần làm giảm bức xúc của xã hội về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế của xã hội và đất nước. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, các quy định trong luật cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật khác.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương): Phạm vi điều chỉnh không rõ ràng và không bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật
Tôi tán thành về sự cần thiết ban hành luật bởi vì hiện nay có 65% số người lao động đến tuổi lao động nhưng không thuộc diện điều chỉnh quan hệ của Luật Lao động. Bên cạnh đó, việc ban hành luật này sẽ khai thác hiệu quả nhất tiềm năng lao động của đất nước trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên khác với ý kiến của Ban soạn thảo, ý kiến của Ủy ban thẩm tra, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, tôi thấy rằng với các quy định trong dự thảo luật như hiện nay thì chưa đạt được các yêu cầu và không đáp ứng được quan điểm trong việc xây dựng luật.
Thứ nhất là vấn đề xác định phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật có 5 nội dung điều chỉnh chính là hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, dịch vụ việc làm và đối tượng áp dụng bao gồm cả những người lao động thuộc diện điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Tôi cho rằng, phạm vi điều chỉnh như vậy không rõ ràng và không bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Nghiên cứu các quy định trong dự thảo luật, do chưa xác định rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh nên các quy định còn rất chung chung, khó xác định đối tượng áp dụng, mà thực chất các quy định trong dự thảo luật là các quy định tại các điều, các luật khác. Chính vì thế đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rõ và xác định rõ phạm vi và đối tượng áp dụng. Theo tôi, Luật Việc làm chỉ điều chỉnh, hỗ trợ, tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá cấp chứng chỉ nghề quốc gia, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng mà Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa điều chỉnh, hoặc có quy định nhưng mới chỉ mang tính nguyên tắc. Có như vậy thì mới bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quan điểm chỉ đạo trong xây dựng luật như tờ trình của Chính phủ.
Thứ hai về cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tôi đồng tình với việc cần có một hình thức công nhận kỹ năng nghề quốc gia nhằm hoàn thiện thị trường lao động, tạo lợi thế cho người có kỹ năng nghề tìm việc làm và được hưởng thu nhập phù hợp với trình độ lao động. Đồng thời, cũng sẽ là động lực khuyến khích người lao động tích cực học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở dạy nghề tự học để có kỹ năng nghề. Ngoài ra việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề còn có giá trị trong việc xác định tiêu chí để tôn vinh công nhận danh hiệu khen thưởng cá nhân những người có kỹ năng nghề cao, kỹ năng nghề đặc biệt và cũng là góp phần mở rộng hợp tác quốc tế trong việc công nhận kỹ năng nghề quốc tế. Tuy nhiên, các quy định về chế định cấp chứng chỉ nghề quốc gia trong dự thảo luật chưa thể hiện được sự khác biệt giữa việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của luật này với quy định về đánh giá và cấp chứng chỉ nghề quốc gia theo quy định tại Chương X Luật Dạy nghề, nó chưa bao quát được việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động không qua đào tạo và cấp chứng chỉ nghề, kỹ năng nghề đối với một số ngành nghề mang tính đặc biệt như các nghề gia truyền, nghề truyền thống, hoặc những người có khả năng kỹ năng nghề đặc biệt khác. Ngoài ra, tôi hết sức băn khoăn về tính hiệu quả khi triển khai thực hiện các quy định này, do những quy định của dự thảo mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định rõ thủ tục thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, nên sẽ tạo ra những sơ hở trong việc thực hiện hoạt động đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động, dễ gây phiền hà, dễ bị lợi dụng để cấp chứng chỉ một cách tràn lan và làm phát sinh tham nhũng trong việc cấp chứng chỉ, chứng nhận trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể chặt chẽ trong luật những vấn đề nêu trên…
ĐBQH Phạm Trí Thức (Thanh Hoá): Nếu chỉ quy định hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động khu vực nông thôn thì chưa đầy đủ và chưa sát thực với tình hình
Dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể hiện được tính nhân văn cao cả và chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Ban soạn thảo cũng cần rà roát lại dự thảo luật với các luật khác như đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, liên quan đến Luật Dạy nghề và dịch vụ việc làm liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo hiểm thất nghiệp liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội và cho thuê lại lao động cũng liên quan đến Bộ luật Lao động.
Tôi rất tâm đắc với Chương II cũng như Điều 5 về hỗ trợ việc làm bởi vì đây là chính sách rất quan trọng, thể hiện định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn bởi các quy định tại Điều 11, tức là hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Điều 5 quy định nhóm chính sách chung và ở Chương II là các lĩnh vực cụ thể theo tôi đang còn khá chung chung. Như chúng ta đã biết nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng, là địa bàn chiến lược và cũng là lực lượng chiến lược của cách mạng trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Nông nghiệp và nông thôn đã đảm bảo cho đời sống của 87 triệu người và đã liên tục trong nhiều năm giúp chúng ta xuất siêu đem ngoại tệ về cho đất nước hàng chục tỷ USD; cung cấp lực lượng lao động cũng như nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp nhưng đang đứng trước rất nhiều những thách thức lớn ví dụ như được mùa mất giá, dịch bệnh... sản xuất nông nghiệp còn manh mún, theo số liệu thống kê có đến 80% hộ nông dân sử dụng dưới 0,5 ha đất để trồng lúa và trên 80% hộ nông dân sử dụng dưới 1 ha trong sản xuất màu. Trong điều kiện hiện nay, theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp chúng ta sẽ cố gắng xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn để phục vụ cho xuất khẩu, như vậy phải tạo sức bật mới cho nông nghiệp và nông thôn. Theo kinh nghiệm của nhiều nước công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, song song với quá trình công nghiệp hóa đất nước họ tiến hành hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn chứ không chỉ có tiến hành công nghiệp hóa nông thôn. Bởi vì nếu chỉ có công nghiệp hóa thôi thì đưa công nghiệp vào nông thôn sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, phá hoại nguồn nước... Vì vậy, theo tôi nếu chúng ta chỉ quy định là hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động khu vực nông thôn thì chưa đầy đủ và chưa sát thực với tình hình nông nghiệp nông thôn. Muốn tạo công ăn việc làm ở lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp, bên cạnh quy định từ Điều 11 vẫn phải giữ lại Điều 16 là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tạo việc làm ở nông nghiệp, nông thôn như dự thảo lần thứ 5 trước đây. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn rất thấp so với tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp. Các hợp tác xã nông nghiệp cũng không tăng và số lượng cũng không nhiều vì vậy cho nên chính sách để ta có một nền nông nghiệp hiện đại, có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn thì cần phải có hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tránh nghịch lý là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô, 3 triệu tấn đỗ tương và khô dầu đỗ tương, trong khi đó lao động vẫn thiếu việc làm ở nông thôn.
ĐBQH Nguyễn Trung Thu (Long An): Quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề trong Luật Việc làm sẽ hợp lý hơn
Việc ban hành Luật Việc làm cùng với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Dạy nghề sắp được sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội về việc làm, thị trường lao động phát triển theo các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà các nghị quyết của Đại hội Đảng đã đề ra và sẽ góp phần ngày càng nhiều việc làm cho người lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Theo báo cáo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2011 của Tổng Cục thống kê, lao động làm công ăn lương chiếm khoảng 34,6% trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, trong khi đó lao động không có quan hệ lao động chiếm 65,4%, vì vậy, tôi đề nghị trong quá trình hình thành và phát triển thị trường lao động đòi hỏi Nhà nước, đặc biệt QH cần phải quan tâm đầy đủ vấn đề quan hệ việc làm trong khu vực có quan hệ lao động và toàn bộ nguồn nhân lực có khả năng lao động sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
Hai, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tôi thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án luật và đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam trong nước từ đủ 15 tuổi trở lên đang có việc làm hoặc chưa có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, người lao động, cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng lao động. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các luật khác, cụ thể như Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thanh niên...
Ba, về những vấn đề có ý kiến khác nhau bao gồm đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề và bảo hiểm thất nghiệp, tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển vấn đề đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia từ Luật Dạy nghề và chuyển vấn đề bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang dự án Luật Việc làm. Tôi nghĩ rằng vấn đề đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quy định trong Luật Việc làm sẽ hợp lý hơn, vì đây là hoạt động hỗ trợ cho người lao động thuộc phạm vi của thị trường lao động, khác với việc đánh giá cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho người học nghề trong các cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định cụ thể về quy trình thủ tục đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự án luật theo hướng bổ sung quy định để có thể áp dụng những tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc tế đã được công nhận ở Việt Nam, đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc các tiêu chuẩn, kỹ năng nghề quốc gia phải tiếp cận chuẩn mực kỹ năng nghề quốc tế phù hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay.
Trên cơ sở tạo sự kết nối tốt hơn giữa chính sách việc làm và chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ngắn hạn. Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội được chuyển về Dự án Luật Việc làm. Tôi cho rằng sắp xếp theo hướng này hợp lý hơn. Trong tương lai Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí là chính sách an sinh xã hội dài hạn.
ĐBQH Lê Thị Yến (Phú Thọ): Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết
Thứ nhất, về dịch vụ việc làm, dự thảo luật đã đề cập đến khái niệm pháp lý mới đó là tổ chức dịch vụ công về việc làm tại Điều 15 và Điều 28. Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Việc làm có thể hiện quan điểm các quy định tại Chương V là cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Lao động về tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm. Nhưng đối chiếu với Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 tại Điều 14 chỉ quy định về tổ chức dịch vụ việc làm mà không có quy định về tổ chức dịch vụ công về việc làm như dự thảo Luật Việc làm. Tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ khái niệm pháp lý, thẩm quyền của tổ chức này để bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Luật Việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm của người lao động có quan hệ lao động và việc làm của người lao động không có quan hệ lao động do vậy việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ điều chỉnh người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 lao động trở lên, nên trong thời gian tới việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã là một bước đột phá lớn. Mặt khác, khi mở rộng đối tượng như vậy cùng với việc bổ sung thêm chế độ hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để duy trì việc làm cũng như điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ, đào tạo, tư vấn đối với người lao động theo hướng mở thuận lợi hơn thì bài toán về quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được xem xét kỹ nhằm cân đối thu chi trong điều kiện kinh phí hỗ trợ của ngân sách Nhà nước giảm đi.
Hiện nay đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm mà mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú nên việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi. Vì vậy đề nghị trong dự thảo luật chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là phù hợp. Đối với người lao động không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nên quy định trong luật mà giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong luật này.
Thứ ba, về tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tại Khoản 2, Điều 51 của dự thảo luật quy định: tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ quy định cụ thể. Theo tôi cần phải tiến hành tổng kết và đánh giá 3 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trước mắt tổ chức bảo hiểm thất nghiệp về cơ bản nên giữ như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và sửa đổi, bổ sung theo hướng xã hội hóa tạo cơ hội để mọi người lao động tiếp cận với dịch vụ này một cách thuận lợi hơn…