Hậu quả và hệ lụy

15/06/2013 11:26

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra khá muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang trở thành thách thức lớn trong quá trình phát triển.

Chưa nhận thức rõ hậu quả và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh
Mất cân bằng giới tính khi sinh là khi tỷ số giới tính khi sinh đạt mức từ 107 bé trai trên 100 bé gái trở lên. Ở nước ta, năm 2012 đã có tỷ số giới tính khi sinh đạt mức hơn 112 bé trai trên 100 bé gái và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có tới 45/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng. Trong đó, các tỉnh có chỉ số giới tính khi sinh cao tập trung khu vực phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định… Đặc biệt, sự mất cân bằng giới tính khi sinh đến từ những nơi có đời sống kinh tế phát triển, từ những gia đình khá giả và từ những người có trình độ học vấn cao.
Trong xã hội  còn tồn tại tư tưởng "trong nam, khinh nữ"  thì  trình độ học vấn, điều kiện kinh tế  khá giả sẽ  giúp cho các cặp vợ chồng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, việc thực hiện bình đẳng giới trong cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ vẫn còn những bất cập; hệ thống an sinh – xã hội cho người già vẫn chưa phát triển nhất là ở vùng nông thôn làm cho những cặp vợ chồng mong muốn có con trai để nương tựa lúc về già. Mặt khác, nhận thức của người dân về hậu quả và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình, xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết mọi người chưa ý thức được hệ lụy to lớn của việc mất cân bằng giới tính khi sinh trong 10, 20 năm nữa. Trong khi đó, tình hình thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm tuyên truyền, phương pháp tạo giới tính thai nhi, xác định giới tính thai nhi và loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính và các văn bản quy định chuyên ngành về các dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh còn hạn chế, đặc biệt là việc quản lý dịch vụ siêu âm và phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ trong xã hội sẽ làm gia tăng áp lực buộc phụ nữ phải kết hôn sớm hơn và nam giới sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời. Bên cạnh đó, bất bình đẳng giới sẽ gia tăng nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục, các mạng lưới buôn bán phụ nữ, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.

Theo dự báo 15 - 20 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 3 triệu nam giới đến tuổi kết hôn, nhưng khó tìm được cô dâu tương xứng... Có thế lúc ấy  sẽ diễn ra như tình trang bị buộc phải làm vợ nhiều người đàn ông... Câu chuyện mà chị em phụ nữ Việt Nam bị lừa bán qua biên giới sau này trốn thoát về kể lại đã cho chúng ta thấy được hậu quả hết sức nghiệm trọng của tình trạng việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại Trung Quốc. Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ, TB và XH nhận định.

Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới


Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam gắn chặt với vấn đề tư tưởng và văn hóa, tập tục của người dân và cộng đồng… nên sẽ rất khó giải quyết. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Nguyễn Thanh Hòa, cần chú trọng và kiên trì triển khai các chiến dịch truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp với nhiều hình thức phong phú. Để từ đó giải quyết được vấn đề phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là lý do chính cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Phụ trách Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Trần Thị Vân cũng cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị và nhận thức về quyền của họ; khuyến khích sự tham gia của nam thanh niên và trẻ em trai, vì họ là tác nhân thay đổi văn hóa xã hội cần thiết. Triển khai mạnh mẽ việc thực hiện nghiêm túc Luật Bình đẳng giới trong các cấp, các ngành và toàn xã hội, tập trung thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị của họ và nhận thức về quyền của họ. Cần có hình thức tuyên truyền hiệu quả tới từng gia đình, từng cá nhân, để thay đổi suy nghĩ về định kiến “trọng nam, khinh nữ” của người Việt.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép chiến lược dân số sức khỏe sinh sản, đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh với việc triển khai chiến lược quốc gia bình đẳng giới và Chương trình quốc gia về biến đổi giới… là những biện pháp cần được thực hiện một cách triệt để, có hiệu quả để giải quyết bài toán về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, việc tăng cường và duy trì công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới một cách thực chất và có chiều sâu đến tận người dân dưới nhiều hình thức để giúp họ nhận thức và hiểu đúng về bình đẳng giới là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Thực hiện tốt về bình đẳng sẽ góp phần giảm thiểu được thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay của các phụ huynh có tư tưởng lạc hậu, sinh con trai để nối dõi tông đường, phân biệt con trai, con gái, đặc biệt là các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đang có ý định lựa chọn giới tính khi sinh như hiện nay sẽ dần dần thay đổi và từ bỏ ý định.