Thất bại chiến lược của Ấn Độ ở Trung Á
Mặc dù nằm sát Trung Á và coi khu vực này là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh nhưng Ấn Độ vẫn tỏ ra chậm chân so với nhiều cường quốc khác, nhất là Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở đây. Ấn Độ phải hứng chịu thất bại chiến lược đó ngay cả khi Mỹ đang hậu thuẫn để giúp New Delhi có vai trò lớn hơn trong khu vực “long tranh, hổ đấu” này.
Chính sách “Kết nối Trung Á”
Mặc dù không tiếp giáp với đại dương nhưng Trung Á là một khu vực có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng ở châu Á. Trong lịch sử, đây từng là điểm trung chuyển hàng hóa giữa Đông Á, Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Với vị trí như vậy, hầu hết chiến lược gia quân sự đều nhất trí cho rằng ai kiểm soát được Trung Á, người đó có thể tiếp cận các con đường thương mại quan trọng và thậm chí là các hướng tấn công vào tất cả các cường quốc trong khu vực như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Trung Á cũng là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong đó đáng chú ý là nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt mà các nước lớn như Nga, Mỹ và nhất là Trung Quốc đều đang thèm khát. Tại đây, hiện có nhiều đường ống dẫn khí đốt quan trọng như đường ống dẫn khí Trung Á-Trung Quốc (còn gọi là đường ống dẫn khí Turkmenistan–Trung Quốc), hệ thống dẫn khí đốt Trung Á mà tập đoàn Gazprom của Nga đang điều hành hay đường ống khí đốt xuyên Afghanistan (TAPI) nối Turkmenistan qua Afghanistan và Pakistan tới Ấn Độ.

Với những lợi thế đó, từ lâu, Trung Á vẫn là một nơi “long tranh, hổ đấu” hay “chiến trường quan trọng” của các nước lớn. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua, Ấn Độ - một cường quốc lớn trong khu vực – đã có các động thái để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này. Và một trong những động thái như vậy là thực thi chính sách “Kết nối Trung Á”.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Ấn Độ - Trung Á lần thứ nhất hồi tháng 6.2012, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại của Ấn Độ Shri E. Ahamed cho biết theo chính sách “Kết nối Trung Á”, Ấn Độ sẽ tiếp tục xây dựng các mối quan hệ chính trị mạnh mẽ thông qua việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao.
Bên cạnh đó, theo chính sách trên, Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác an ninh và chiến lược với các nước trong khu vực này, với trọng tâm là huấn luyện quân sự, hợp tác nghiên cứu, phối hợp chống khủng bố và tham vấn chặt chẽ về vấn đề Afghanistan. Hiện tại, Ấn Độ đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với một số quốc gia Trung Á.
Mặt khác, Ấn Độ sẽ tăng cường mối quan hệ đa phương với các đối tác Trung Á thông qua các diễn đàn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng Kinh tế Âu - Á (EEC) và Liên minh Hải quan.
Đáng chú ý, theo Quốc vụ khanh Shri E. Ahamed, Ấn Độ coi Trung Á là đối tác dài hạn về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, ông Shri E. Ahamed cho biết Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Trung Á trong hàng loạt lĩnh vực khác như giáo dục-đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, ngân hàng, giao thông vận tải và hàng không.
Và sự thất bại chiến lược của Ấn Độ
Trên thực tế, ngoài tầm quan trọng về địa chính trị, Trung Á có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ do nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào ở đây. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh New Delhi đang phải đối mặt với “cơn khát” năng lượng do nền kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid đã từng mô tả rằng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế mới nổi này đang gia tăng với “tốc độ khủng khiếp”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng gần đây, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, họ sẽ không áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với dầu mỏ (và có lẽ cả khí đốt) từ bất cứ nước nào, kể cả Iran – một quốc gia đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, có lẽ Ấn Độ vẫn chỉ có thể đứng nhìn nguồn tài nguyên khí đốt đó do sự chậm chân của mình trước các đối thủ khác, nhất là Trung Quốc. Chẳng hạn, bất chấp nỗ lực của Ấn Độ, cho đến nay, vẫn chưa có tập đoàn quốc tế nào sẵn sàng tài trợ cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt TAPI. Tiến sỹ Stephen Blank của Viện Nghiên cứu Chiến lược (SSI) của Mỹ cho biết, dự án TAPI “vẫn ở mức sơ khởi” và nghiên cứu về dự án này cũng chưa được tiến hành. Trong khi đó, hiện tại, Trung Quốc đã kiếm được 40 tỷ m3 khí tự nhiên/năm từ Turkmenistan và con số đó có thể sẽ tăng lên 65 tỷ m3 khí khi các đường ống dẫn khí từ Uzbekistan và Kazakhstan được bổ sung vào.
Thất bại của Ấn Độ diễn ra ngay cả khi Mỹ ủng hộ việc Ấn Độ mở rộng vai trò của mình ở Trung Á và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này đang giúp mở rộng không gian chính trị, kinh tế và quân sự cho Ấn Độ. Trên thực tế, Washington cũng hy vọng New Delhi đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan và Trung Á để giữ ổn định cho khu vực sau khi các binh sỹ Mỹ rời khỏi Afghanistan.
Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Ấn Độ đang đóng vai trò lớn ở Afghanistan. Tuy nhiên, những nỗ lực của New Delhi vẫn chủ yếu tập trung vào việc xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, cải thiện tình hình an ninh, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và một số ngành quan trọng của nước láng giềng này.
Thất bại của Ấn Độ một phần là do sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc và “sự ngáng đường” của Pakistan. Không giống như Moscow, Bắc Kinh coi Ấn Độ không chỉ là một trở ngại mà còn là “cánh tay nối dài” của Mỹ ở khu vực này. Vì vậy, Trung Quốc đã liên tục ngăn chặn các nỗ lực tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ ở Trung Á. Nhiều người lo ngại khi rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc và Pakistan có thể sẽ thành công trong việc ngăn cản sự can dự của Ấn Độ vào đây, nhất là trong các hợp đồng về cung cấp năng lượng.
Không những phải cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc, Ấn Độ còn phải đối mặt với các thách thức từ phía Nga trên con đường chinh phục Trung Á. Theo các chuyên gia Mỹ, nỗ lực gần đây của Ấn Độ nhằm duy trì căn cứ không quân ở Tajikistan đã không mang lại kết quả nào khi Chính phủ Tajikistan khẳng định với New Delhi rằng Moscow phản đối sự có mặt của bất cứ căn cứ quân sự nước ngoài nào ở đây.
Trong bài viết gần đây trên mạng tin “The Diplomat”, Tiến sỹ Stephen Blank cho rằng Ấn Độ cần phải có một đối tác để can dự hiệu quả hơn vào Trung Á. Chắc chắn đó không phải là Trung Quốc, nước đang cố gắng khai thác lợi thế của mình càng lâu, càng tốt. Trung Quốc đã đi trước Ấn Độ trong việc chiếm các nguồn năng lượng và xây dựng hệ thống vận tải, thương mại và hạ tầng cơ sở trong khu vực này ngay cả khi tiềm lực kinh tế của Ấn Độ đang tăng. Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng đường ống khí đốt từ Bangladesh và Myanmar tới Trung Quốc chứ không phải Ấn Độ.
Năm 2010, các nhà phân tích Marlene Laruelle, Jean-Francois Huchet, Sebastien Peyrouse và Bayram Balci đã phát hiện ra rằng bất chấp sự thù địch giữa Trung Quốc và Ấn Độ, sự hiện diện của các doanh nghiệp Ấn Độ ở Trung Á vẫn “rất nhỏ”. Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ có thể tuyên bố rằng Trung Á là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Ấn Độ, nhất là khi sức mạnh quốc gia toàn diện của Ấn Độ đã tăng, nhưng vào năm 2010, nước này vẫn chưa thực hiện được tham vọng trở thành cường quốc có ảnh hưởng ở Trung Á. Trong bài viết mới đây, Tiến sỹ Blank cho rằng kể từ đó đến nay, tham vọng đó của Ấn Độ vẫn chưa trở thành hiện thực.
Nhiều học giả tin rằng Ấn Độ gặp “khó khăn bẩm sinh” trong suy nghĩ và hành động một cách chiến lược. Thực tế cho thấy, Trung Quốc thường xuyên và thành công trong việc trả giá cao hơn Ấn Độ trong các hợp đồng khí đốt ở Trung Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Hiện tại, Trung Quốc đang mở rộng danh mục đầu tư sang than và uranium. Do Trung Quốc đang nắm giữ dự trữ ngoại hối hơn 2.000 tỷ USD và không bị vướng víu bởi chế độ dân chủ nên họ có thể hành động nhanh hơn và quyết đoán hơn Ấn Độ.