Hoàn thiện quy định về giáo dục trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đại hội lần thứ VII Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định: “Giáo dục và đào tạo phải được xem là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, động lực trực tiếp của sự phát triển”. Vì vậy, chính sách giáo dục là một trong những nội dung quan trọng cần được hoàn thiện trong Hiến pháp.
Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trước yêu cầu đổi mới nền giáo dục, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở kế thừa những thành tựu của Hiến pháp năm 1992 hiện hành đã kịp thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng theo quan điểm giáo dục hiện đại. Ngoài quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân (Điều 42), Điều 65 quy định “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”; Điều 66 khẳng định: “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế” (Khoản 1); “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác” (Khoản 2); “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp” (Khoản 3).
Những quy định trong Dự thảo sửa đổi đã thể hiện bước phát triển mới về tư duy và quan điểm giáo dục so với Hiến pháp hiện hành. Tuy vậy, những nội dung đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện của nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Nhằm góp phần hoàn thiện những quy định về giáo dục trong Hiến pháp, bảo đảm nội dung của Hiến pháp phù hợp với điều kiện thực tế và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
Thứ nhất, về quan điểm phát triển giáo dục. Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu được xem là quan điểm xuyên suốt trong quá trình đổi mới, phát triển từ năm 1992 đến nay. Tuy nhiên, trong thực tế hơn 20 năm qua, giáo dục và đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu như nhận định tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 29.10.2012 của Hội nghị TW6 Khóa XI: “Đến nay, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển”. Một trong những nguyên nhân của thực tế đó xuất phát từ quy định “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” còn mang tính chung chung, không gắn liền với trách nhiệm của một chủ thể nào. Vì vậy, Điều 65 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần xác định rõ “Nhà nước đảm bảo phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
Thứ hai, cần hiến định quan điểm giáo dục suốt đời. Theo đó, Điều 42 của Dự thảo nên sửa đổi thành “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời”. Học tập suốt đời là nguyên lý gắn liền với phát triển toàn diện, bền vững con người và quốc gia. Quy định điều này trong Hiến pháp không chỉ thúc đẩy mọi công dân không ngừng học tập, mà còn xác định trách nhiệm của nhà nước trong việc hoạch định chiến lược học tập suốt đời cho toàn dân, đổi mới tư duy giáo dục và quản lý giáo dục nhằm xây dựng nền giáo dục thực chất và hiệu quả.
Thứ ba, về mục đích của giáo dục. Mục đích giáo dục luôn thể hiện sự thống nhất giữa yêu cầu phát triển xã hội và phát triển cá nhân, đồng thời gắn liền với việc đổi mới và phát triển giáo dục. Mục đích giáo dục của Việt Nam phải được xác định dựa trên quan điểm chủ đạo vì con người và phát huy nhân tố con người, trong đó phát triển đồng thời các mặt đức, trí, thể, mỹ và lao động. Giáo dục không chỉ nhấn mạnh việc trang bị tri thức mà còn phát triển nhân cách con người và thúc đẩy năng lực hoạt động thực tiễn. Qua đó, con người một mặt phát huy tối đa năng lực nội sinh để cống hiến cho xã hội, mặt khác có kỹ năng để tạo dựng cho riêng mình cuộc sống hạnh phúc, có chất lượng. Việc phát triển tối đa những phẩm chất của con người tạo nền tảng phát triển xã hội. Hơn nữa, mục đích của giáo dục không dừng lại ở việc bồi dưỡng nhân tài, mà trong xã hội hiện đại mục đích đó phải nhằm “phát triển nhân tài”. Việc phát triển, tôn vinh, đãi ngộ và sử dụng đúng đắn đội ngũ nhân tài chính là nâng cao toàn diện các tố chất của dân tộc. Vì vậy, cần xác định “Mục đích giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài”.
Bên cạnh đó, mục đích của giáo dục phải gắn liền với những tiêu chuẩn con người Việt Nam. Theo quy định tại Điều 64 của Dự thảo, những tiêu chuẩn đó là “xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Song từ thực tế cho thấy, trong xã hội hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, với sự tác động đa chiều của toàn cầu hóa và trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi ở nước ta, việc xác định con người Việt Nam với những tiêu chuẩn trên là chưa đủ. Con người Việt Nam được xây dựng phải là những người phát triển toàn diện, có đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng để cống hiến và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh. Do vậy, con người Việt Nam không chỉ có 5 tiêu chuẩn trên, mà còn phải bao gồm những tiêu chuẩn khác như lòng nhân ái, tri thức, khả năng tham gia các hoạt động thực tiễn và thích ứng một cách hiệu quả với các điều kiện xã hội. Điều này cần được khẳng định ngay trong Hiến pháp và theo tư duy hệ thống, đó phải là kết quả của nền giáo dục.
Thứ tư, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng nền giáo dục, phổ cập và miễn học phí cho bậc giáo dục phổ thông (tiểu học và THCS). Trước hết, Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng một nền giáo dục quốc dân dựa trên nền tảng các giá trị của dân tộc; đồng thời kế thừa, phát triển các thành tựu giáo dục trên thế giới và phát triển một nền giáo dục hướng tới tương lai. Chuyển nền giáo dục coi trọng thi cử, điểm số sang nền giáo dục lấy phát huy các nhân tố con người làm mục tiêu và động lực phát triển. Mặt khác, vì xã hội luôn vận động và phát triển nên nền giáo dục cũng phải luôn phát triển. Đặc biệt, giáo dục phổ thông là giai đoạn đặt nền móng cho sự phát triển về tâm lực, trí lực, thể lực của con người, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng nguồn nhân tài làm trụ cột cho quốc gia. Giáo dục phổ thông phát triển thì mới có giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát triển, đó chính là gốc của giáo dục. Vì vậy, giáo dục phổ thông mà trước tiên là bậc tiểu học, THCS phải được coi là giáo dục nghĩa vụ, nghĩa là phải bắt buộc và miễn học phí.
Từ những phân tích trên, Khoản 1, Khoản 2 Điều 66 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Mục đích giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; 2. Nhà nước phát triển nền giáo dục hiện đại, đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; phổ cập giáo dục phổ thông; phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn”.
Ngoài ra, việc tự do nghiên cứu khoa học trong nhà trường, chế độ đãi ngộ nhà giáo và nghiêm cấm hành vi thương mại hóa giáo dục cũng cần được Hiến định nhằm tạo cơ sở vững chắc cho quá trình thực thi chiến lược phát triển giáo dục, khoa học công nghệ và đào tạo đội ngũ các nhà khoa học từ trong nhà trường. Nghiêm cấm các hoạt động giáo dục nhằm mục đích lợi nhuận, chạy theo lợi nhuận, qua đó xây dựng nền giáo dục hiện đại, lành mạnh và thực chất.