BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ BẮC TRẠCH NGUYỄN VĂN VUI: Phiên họp HĐND bà con đứng ngay cột truyền thanh để nghe

- Quảng Bình không phải thuộc diện thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND cấp huyện. Anh có quan tâm đến chủ trương này không và thực tế hoạt động của xã Bắc Trạch cũng như huyện Bố Trạch khi có HĐND huyện như thế nào?
- Anh em chúng tôi ở cơ sở nhưng vẫn nắm được chủ trương thí điểm này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo tôi cần đánh giá rõ, nếu không tổ chức HĐND cấp huyện nữa thì được cái gì và không được cái gì, thuận lợi cái gì, khó khăn cái gì? Là những người hoạt động ở cơ sở, thứ nhất, chúng tôi cho rằng HĐND huyện là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. HĐND là nơi để nhân dân thể hiện quyền lực của mình. Nếu không tổ chức HĐND huyện nữa thì nguyện vọng của nhân dân huyện này do cơ quan nào trực tiếp giải quyết? Nếu trao cho HĐND tỉnh thì có giải quyết nổi không? Cấp tỉnh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Quảng Bình có 150 xã, phạm vi rất rộng, nên nếu không tổ chức HĐND cấp huyện mà nói rằng có thể bảo đảm được tiếng nói, quyền lợi của người dân hay giải quyết nhanh chóng ý kiến, kiến nghị của người dân trên toàn địa bàn là rất khó khăn. Và theo tôi là không thể hiện được vai trò Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thứ hai, với chức năng quyết định, khi không tổ chức HĐND huyện, những vấn đề về kinh tế - xã hội trước đây phải quyết định, thông qua tại kỳ họp HĐND huyện, thông qua các hoạt động của HĐND huyện thì cơ quan nào sẽ quyết định thay? Thực hiện thí điểm, chức năng này chuyển cho HĐND tỉnh. Nhưng như đã phân tích, Quảng Bình có 7 huyện, thành phố, HĐND tỉnh quyết những vấn đề lớn của địa phương, còn những vấn đề nhỏ hơn liên quan đến đời sống KT - XH, QP - AN trên địa bàn huyện có lẽ cũng là một quyết định khó khăn.
Thứ ba, với chức năng giám sát, đây là hoạt động thể hiện vai trò của nhà nước, thể hiện quyền lực của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền. Thực tế, các cơ quan nhà nước, trong quá trình thi hành nhiệm vụ cũng có cái được, cái chưa được, nhất là trong mối quan hệ giữa người dân với các cơ quan chức năng trên địa bàn. Nếu không còn HĐND cấp huyện thì cơ quan nào trực tiếp giám sát việc này, chịu trách nhiệm giải trình, giải thích với cử tri và nhân dân trong thẩm quyền của huyện? Nếu không còn HĐND huyện thì với phạm vi rộng thì HĐND cấp tỉnh có trực tiếp bao quát và giải quyết tất cả các ý kiến, kiến nghị của người dân không? Chắc là khó. Tại sao trước đây chúng ta chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân để tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên truyền thụ trực tiếp đến người dân và ngược lại người dân thể hiện ý chí của mình trong các cơ quan nhà nước rất lâu. Không phải họ không giải quyết được mà rất là lâu, chậm đến với người dân. Nên quan điểm của tôi là nên giữ lại HĐND huyện.
- Hoạt động ở cấp xã nhiều năm, anh thấy hoạt động của HĐND huyện Bố Trạch như thế nào?
- Hoạt động ở cấp xã, đồng thời là đại biểu HĐND huyện, tham gia nhiều kỳ họp HĐND huyện và chủ trì nhiều kỳ họp ở cơ sở, tôi thấy, các kỳ họp HĐND huyện đều có mời Lãnh đạo các xã tham dự. Cái hay ở đây là thông qua việc tham dự các kỳ họp HĐND huyện, tiếp xúc với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, và thông qua tiếp xúc cử tri... chúng tôi thấy, có những việc cơ quan chức năng buộc phải trả lời và có biện pháp giải quyết thỏa đáng cho nhân dân. Rất nhanh. Ví dụ ở HĐND huyện Bố Trạch, đặc biệåt trong những năm gần đây, sau khi phản ánh, nêu vấn đề chất vấn tại kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp có kết luận về nội dung các cơ quan, ban, ngành trả lời các ý kiến của cử tri mà đại biểu HĐND chất vấn. Sau kỳ họp, Thường trực HĐND huyện đôn đốc, phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục giám sát, đề nghị các cơ quan chức năng đó trả lời ý kiến cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đó là cách làm rất tốt và người dân rất mừng.
- Đánh giá về HĐND cấp huyện, có ý kiến cho rằng, từ khi thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng được phát huy toàn diện. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?
- Vai trò lãnh đạo của Đảng với HĐND và UBND thể hiện rất rõ, vì trong thể chế chính trị của chúng ta, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhưng Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, nghị quyết và bằng công tác cán bộ, kiểm tra, chứ Đảng không làm thay cho chính quyền. Nếu Đảng làm thay là Đảng sai. Đảng chỉ định hướng về công tác tuyên truyền thực hiện gương mẫu các chủ trương, chính sách của Đảng; lãnh đạo đối với công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đảng. Đảng chấp hành nghị quyết của Đảng. HĐND có nhiệm vụ thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tổ chức thực hiện. Về mặt lý luận là vậy. Vấn đề là vai trò của Đảng ở vị trí nào, vai trò của HĐND ở vị trí nào, vai trò của UBND ở vị trí nào – đều đã được quy định rõ. Do vậy cần có phân công, phối hợp để đạt hiệu quả, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chứ không phải không tổ chức HĐND huyện nữa thì cấp ủy cấp này lấn sân sang hoạt động của HĐND huyện. Nghị quyết của Đảng xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của chi bộ, đảng viên, còn HĐND là tiếng nói của nhân dân. Trước khi ra nghị quyết, HĐND phải lấy ý kiến cử tri. Quyết định của HĐND là quyết định trên cơ sở ý chí của cử tri và nhân dân. Khi dân đồng tình, HĐND ban hành nghị quyết thì UBND thực hiện mới dễ.
Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình thông qua HĐND, nếu không tổ chức HĐND cấp huyện nữa, có ý kiến nêu nhân dân làm chủ thông qua HĐND tỉnh, HĐND xã. Chỉ tính riêng huyện Bố Trạch, có 30 xã, nếu xảy ra mâu thuẫn giữa các xã, giữa các đơn vị trong xã... thì ai sẽ giải quyết? Nếu trung bình một kỳ họp HĐND tỉnh họp 3 ngày, vừa giải quyết công việc của tỉnh, vừa giải quyết công việc của huyện, của xã, thì chắc có họp đến 10 ngày cũng chưa xong. Các cơ quan chức năng có trực tiếp giải quyết thay nhiệm vụ của HĐND huyện không? Cho nên, cái gì nó cũng có cái lý của nó. HĐND cấp huyện cũng vậy. Thực tế tiếp xúc cử tri của xã chúng tôi cho thấy, cử tri nói rất thoải mái, thể hiện tâm tư, nguyện vọng một cách rất tình cảm. Đại biểu HĐND qua tâm tư, tình cảm của cử tri để phản ánh tại các kỳ họp HĐND, cùng nhau giải quyết, nhất là những tồn tại, khó khăn trên mọi mặt đời sống của người dân, hay những vướng mắc của các xã trong huyện này. Nếu không tổ chức HĐND huyện nữa, các cơ quan chức năng của chính quyền vẫn làm việc, nhưng ai giám sát các cơ quan này, bảo đảm lợi ích, nguyện vọng của nhân dân ở cấp huyện? Xã giám sát trong xã, còn huyện thì ai giám sát? Kể cả trong trường hợp chuyển cho HĐND tỉnh nhưng rõ ràng, chúng ta không tổ chức HĐND cấp huyện nữa nhưng chức năng, nhiệm vụ của HĐND vẫn còn đó, không thể bỏ đi được, vẫn phải có cơ quan làm thay. Thực tế có kham nổi không? Có phải trước mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh đến trực tiếp tất cả các xã đâu. Họ chỉ có thể đến 2-3 xã, điểm tiếp xúc cử tri và không phải năm nào cũng đến được, có xã 2 năm mới đến được một lần. Cho nên không thể nói là thể hiện hết được ý chí của nhân dân.
- Cụ thể mối quan hệ giữa HĐND huyện Bố Trạch với các xã, trong đó có xã mình như thế nào?
- Ở đây các xã nào cũng vậy, đều cóá hệ thống truyền thanh. Chúng tôi mua cách đây 3 năm, mất 225 triệu đồng. Thông qua hệ thống truyền thanh này, tiếng nói của Đảng bộ huyện về đây rất trực tiếp. Tất cả các kỳ họp HĐND huyện đều được phát thanh trực tiếp xuống các xã. Để tránh ảnh hưởng tới việc học của học sinh, chúng tôi họp HĐND vào thứ 7, nhất là những phiên chất vấn và trả lời chất vấn, để phát thanh trực tiếp toàn dân, ai quan tâm có thể theo dõi.
- Cử tri và nhân dân có quan tâm, theo dõi các phiên họp của HĐND không?
- Đông lắm. Đến buổi phát thanh trực tiếp phiên họp của HĐND, người dân đứng ngay gần cột truyền thanh để nghe, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn, và bàn luận rất sôi nổi. Sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri, họ nói lại với đại biểu HĐND. Điều này chứng tỏ dân rất quan tâm đến hoạt động của HĐND. Với HĐND huyện cũng vậy, khi HĐND huyện họp có truyền thanh trực tiếp, họ điện cho các xã chuẩn bị mở hệ thống truyền thanh để thu sóng và phát cho toàn dân nghe. Dân rất quan tâm, vì họ nói rằng HĐND bàn, chất vấn những chuyện đời sống thiết thực, gắn với nhân dân, cả những vướng mắc, tâm tư, tình cảm... Đoàn đến làm việc đúng vào lúc bà con trong xã đang vào vụ gặt, nếu không chúng tôi dẫn đoàn đến nói chuyện với bà con. Rất tình cảm, thiết thực.
- Xin cám ơn Anh!