Phù sinh (Phần cuối)
Truyện ngắn của Đàm Huy Đông

16/05/2013 08:16

>> Phù sinh (Phần 1)

Minh họa của Trung Dũng
Minh họa của Trung Dũng
4. Liên trả lão Thống cái liềm, chào lão rồi về. Lão Thống nhìn theo Liên lắc đầu khe khẽ. Nó trẻ quá. Liệu có… Lão chẹp miệng nghĩ lơ vơ. Có người bảo lão thủy chung với vợ. Lão thì không nghĩ thế. Chẳng qua lão không có điều kiện, chẳng qua là lão nghĩ đến bọn trẻ, lão sợ chúng khổ. Lão cũng là người. Mà thủy chung là thế nào? Người chết liệu có bắt người sống phải thủy chung như thế? Lão nhớ đến câu chuyện những người đàn bà được vua ban những tấm bằng Tiết hạnh khả phong. Rồi những người phụ nữ được nêu danh trinh liệt, nào là Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng hà, kêu gào mãi rồi chết; Lê Thị nghe tin chồng chết, không ăn mà chết; Mỵ Ê phu nhân tiết nghĩa không thờ hai chồng, nhảy xuống sông mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa chồng, cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Ôi chao ơi, cứ một người chết lại có một người chết theo như thế thì mấy mà hết cả giống nòi.

Chiều qua, lúc ra chợ mua mớ rau, lão gặp bà Lành, người đàn bà ngày xưa yêu và một mực đòi lấy lão. Ngày ấy, vợ lão mới chết được hai năm. Bà Lành là gái nhỡ thì. Lũ trẻ con nhà lão quý cô Lành lắm. Lão cũng thinh thích, mà không hiểu sao ngày ấy lão sắt đá thế. Lão nhớ, có lần, dạo ấy mùa gặt tháng mười cùng đi làm hợp tác, mọi người lừa lão với bà Lành vào trong nhà kho rồi khóa cửa. Nhập nhoạng tối, ruột gan lão cồn cào như lửa đốt, lo cho mấy đứa trẻ ở nhà. Bà Lành thì ngồi yên một chỗ bên đống sợi đay, chẳng nói năng gì. Lão đấm thùm thùm vào cửa. Bất ngờ, lão thấy lưng mình nóng như phải bỏng. Tiếng Lành gấp gáp: Em em… Mùi tóc Lành thơm thoảng, thực mà như mơ. Lão đã đứng lặng yên, để mặc cho thân thể mình run khe khẽ. Rồi lão vụt xoay người lại, ghì chặt lấy Lành. Hai cặp môi khao khát yêu đương xoắn cuộn lấy nhau. Hai cái núi lửa đang chực phun trào lăn tròn trên nền nhà kho nham nhám. Cúc áo Lành chẳng cần tháo cũng bật tung. Đúng lúc những ngón tay mê cuồng của lão chạm vào bầu ngực căng tròn, săn chắc, hừng hực như lửa của Lành thì bất ngờ có tiếng trẻ khóc ré lên từ phía xa vọng đến. Thống giật mình đứng phắt lên. Lành kéo Thống lại bằng tất cả sức lực và đam mê khao khát. Anh, anh…

- Không, không, tôi xin lỗi Lành. Thống đứng phắt dậy. Loay hoay tìm lối trèo ra. Thống chạy. Chạy như ma đuổi. Để mặc cô Lành khóc như mưa trong cái nhà kho hợp tác. Thống cũng không biết ai đến mở cửa cho Lành, bởi sau ngày hôm ấy, Lành tránh mặt. Một thời gian sau Lành lấy chồng, một người thôn dưới. Tay ấy cũng góa vợ, kém Lành tám tuổi, có hai thằng con trai.

Lành lấy chồng nhưng không có con. Người ta bảo, thằng kia lấy Lành cũng là lấy người hầu hạ bố con nó, cho nó thỏa mãn cơn thèm đàn bà. Người ta bảo, vì thế thằng kia không cho Lành chửa. Ôi trời, cũng chẳng biết thế nào. Tin đồn thì mãi mãi chỉ là tin đồn.

Mấy mươi năm rồi, già lụ khụ rồi, chiều qua hai người gặp nhau mới nói với nhau. Mà đúng ra là bà Lành nói, nói mỗi mấy câu. “Bây giờ ông vẫn một mình à? Thế mà ngày xưa chẳng lấy tôi, giờ hai cái thân già dựa vào nhau cho đỡ khổ. Hay ông sợ lấy tôi phải xuống Dầu Oa Địa Ngục.

Câu ấy là bà ấy trách ông hay hỏi ông mà ông cứ day dứt mãi. Mấy chục năm rồi. Lại còn ngục Dầu Sôi nữa. Ngục Dầu Sôi là ngục đọa đày những kẻ tà dâm. Ông mà lấy bà thì sao gọi là tà dâm được? Mà bà ấy gầy yếu quá…

5. Có lần cách đây cũng lâu lâu, nhân ngày giỗ mẹ, lũ con lão xúm lại bảo ông đã hy sinh bao nhiêu năm vì chúng con rồi, Ông vừa là bố vừa làm thay phần mẹ, bây giờ không thể ở một mình được. Con chăm cha không bằng bà chăm ông, các cụ nói thế. Ông phải lấy một bà đi. Chúng con đã ngắm rồi, bà Đen làng mình hợp lắm. Ông đồng ý đi, cả sáu đứa trai gái dâu rể chúng con đến lạy bà ấy rước về làm mẹ.

Chúng nó nói chân thành làm lão cảm động. Bốn đứa con lão, một thằng mất còn ba, thêm hai thằng rể và một nàng dâu, ơn trời đều ngoan ngoãn, hiếu thảo. Lão tự hào về chúng. Lão tự hào vì các con lão dù chúng không là ông nọ bà kia, chúng chỉ quanh quẩn nhà quê, trồng rau, nuôi gà, nhưng chúng không vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Chúng không dùng thuốc diệt cỏ phun cho cải để ngày mai ra chợ có cây dưa vàng ngon mắt, chúng không dùng thuốc bảo quản ngâm cho cà chua mấy tháng trời không thối, chúng không lừa lọc, gian dối, chao chát, điêu ngoa.

Lão bảo chúng: Ôi trời, bố đã bằng này tuổi rồi, bao năm sống một mình quen rồi, bây giờ ở chung với người khác khó chịu lắm. Bố cứ thế này thôi, được bao lâu thì được, sau rồi đi với bà Sáu, bà sáu tấm. Lão nói rồi lão cười.

Lũ chúng nó lại nhờ cả ông nọ bà kia vun vào nhưng ông gạt phắt. Chúng nó lại mè nheo bảo ông nghỉ, không cho ông đi làm đêm, không cho ông trông nghĩa địa, chúng bắt ông về ăn chung ở chung với thằng Cả, không một mình một niêu. Chúng nó van nài. Nhưng ông không nghe. Ôi giời nghe chúng nó thì khác gì trói chân trói tay ông lại. Chúng nó chẳng hiểu lẽ sướng khổ ở đời, chúng nó không hiểu bằng ông. Ở đời sướng nhất là được tự do, tự tại, thuận với tự nhiên, còn làm được thì làm, thích làm cái gì thì làm, thế mới là sướng. Con người đã bị trói buộc bởi bao nhiêu thứ nào là tập quán, nào là phong tục, nào là đạo đức, nào là pháp luật, nhiều điều chẳng thể làm theo ý thích, lẽ nào những thứ có thể làm theo ý thích mình lại không làm?
 
6. Nhà Liên ở trong một ngõ nhỏ của thị trấn. Một ngõ toàn nhà viên chức. Buổi trưa vắng hoe, vắng ngắt. Liên thường ở nhà một mình vào các buổi trưa. Lũ trẻ bán trú ở trường.

Cốc cà phê ban sáng Nguyễn mời làm Liên không ngủ nổi. Nằm trên giường mà mắt nàng mở chong chong, đầu óc nghĩ ngợi tận đẩu tận đâu. Ngột ngạt, bí bức, Liên trở dậy bước vào phòng tắm. Trút bỏ bộ quần áo mỏng manh trên người. Trong lúc chờ nước chảy vào bồn tắm, nàng ngắm mình trong gương. Nàng thấy mình vẫn đẹp. Mà nàng đẹp thật. Ba mươi tuổi, hai con, cơ thể nàng không còn nét mỡ màng mơn mởn của thời xuân thì thiếu nữ, nhưng bù lại có những nét đằm, phồn thực, miên man, mê hoặc của bãi bồi châu thổ.

Nàng búi tóc gọn gàng rồi vớ cái mũ chụp tóc phơn phớt hồng đội nên đầu, khoan khoái thả mình vào bồn tắm sáng bóng. Vòi nước vẫn xối xả chảy. Nàng lim dim mắt tận hưởng cảm giác mực nước bò lên, nhẹ nhàng xâm chiếm cơ thể mình từng chút một. Nàng nghĩ đến Nguyễn. Nghĩ đến mái tóc chấp chới giữa bồng bềnh và bù xù của Nguyễn, nhớ gương mặt rắn rỏi, nụ cười tươi và cái vẻ phớt đời của Nguyễn. Nàng nhớ những câu chuyện cười Nguyễn kể. Nguyễn luôn diễn tả mọi sự dù khô khan đến đâu thành những điều hài hước. Ở Nguyễn luôn có vẻ ung dung tự tại của người làm chủ được mình, làm chủ được tình thế.

Nàng với Nguyễn trước vốn là đồng nghiệp, cùng dạy một trường. Nguyễn dạy giỏi, học trò quý mến. Thế rồi đùng cái bỏ nghề. Nguyễn bảo: Tao thấy nhục, ai đời phụ huynh đến trường nói với giáo viên: “Con tôi nó nghỉ học bao ngày đi chơi mà cô chẳng báo cho gia đình một tiếng. Tôi nào có dám mong nó làm ông nọ bà kia gì, chỉ mong nó học xong cái cấp hai, tốt nghiệp, không chạy được vào cấp ba thì chạy vào bổ túc, xong cái bổ túc thì chạy cho nó đi học liên kết, làm giáo viên nhì nhằng…” Nó chửi đấy. Đau lắm. Nhưng mà đúng. Ai đời dốt lòi cán táu. Chẳng biết cái mẹ gì mà cũng đứng trên bục giảng, cũng đồng nghiệp với mình, cũng dự giờ, nhận xét. Ôi cha mẹ ơi, thứ tự thực hiện phép tính không biết, làm cái tính nhân không xong cũng đòi cao quý nhất trong các nghề cao quý, cũng đòi là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Sáng tạo, ngữ ấy thì tạo cái cục cứt.

Nguyễn bỏ nghề, dĩ nhiên còn có những lý do khác. Dĩ nhiên không phải chỉ một mình Nguyễn thấy đau, thấy nhục. Đầy người thấy đau, thấy nhục nhưng không thể bỏ nghề. Mà nếu ai thấy đau thấy nhục cũng bỏ nghề thì còn lấy ai đi làm. Nguyễn bỏ nghề bởi Nguyễn ở nhà có cả một trang trại mấy mẫu đất, đàn lợn cả nghìn con, vợ Nguyễn một mình quán xuyến không hết. Nguyễn bỏ nghề, ở nhà làm với vợ, chơi cây, nuôi chim, nuôi cá cảnh, nuôi gà chọi.

Ngày trước, Liên coi Nguyễn như người anh, người thầy, Nguyễn cũng quý Liên như em gái. Nguyễn bỏ nghề, nhưng Nguyễn vẫn thường xuyên liên lạc với Liên qua email, qua điện thoại và thỉnh thoảng gặp gỡ ở một quán cà phê nhỏ. Những câu chuyện giữa hai người đầu tiên là hỏi han về chuyên môn, sách vở, sau là những chuyện buồn vui thường nhật. Rồi thì càng ngày lời lẽ càng thắm thiết, bên cạnh sự quan tâm đã loáng thoáng thương nhớ, giận hờn. Tình cảm giữa hai người không còn đơn giản là tình đồng nghiệp đồng chí nữa.

Có những đêm Liên gặp Nguyễn trong mơ, những giấc mơ hoang hoải, nóng bỏng và đẫm ướt, rồi khi tỉnh dậy giữa cô đơn trống vắng, ôm cái gối vào lòng Liên ao ước được nằm trong vòng tay Nguyễn. Có lúc Liên hoang mang, lo lắng, không hiểu rồi tình cảm giữa Liên và Nguyễn sẽ đi về đâu. Liên cảm thấy mình như một vạt rừng khô vừa sợ vừa thèm lửa. Muốn được cháy một lần nhưng sợ cháy xong chỉ còn lại tro tàn, sợ cháy rồi không dập được, sẽ cháy thui tất cả.

Tiếng chửi rủa hò hét ngoài ngõ làm Liên dứt khỏi dòng suy nghĩ. Nàng lắng tai nghe. Hình như có ai bị đánh. Liên đứng dậy, choàng cái khăn tắm lên người, bước ra phòng ngoài, he hé rèm nhìn xuống đường. Ba bốn thằng đầu xanh đầu đỏ, mình trần trùng trục, đầy vết xăm trổ, mã tấu sáng lòe đứng dàn hàng ngang. Một người đàn bà khoảng ngoài bốn mươi, một tay túm tóc, một tay cầm dép vả đôm đốp vào mặt chị Hà hàng xóm nhà Liên, mồm chửi xoe xóe nào là con đĩ mày cướp chồng bà, nào là đồ giẻ rách, đồ ca ve, bà cho mày biết thế nào là lễ độ... Hà tóc tai xõa xượi, máu mồm chảy thành vệt từ hai bên mép, hai tay ôm ngực che cái khoảng áo bị xé rách, không kêu, không chống trả. Cái xe máy lăn kềnh ngã ngửa giữa đường.

Như có luồng điện chạy dọc sống lưng, Liên tự dưng run hết cả chân tay. Nàng khuỵu xuống. Hai tay bịt chặt tai. Trong một phút Liên nhớ đến những lời xì xầm về việc Hà cặp bồ, rồi Liên nhớ đến lần Nguyễn ghì lấy mình, lần ấy, chỉ cần một chút nữa thôi thì Liên đã… Liên rùng mình, chạy vào trong phòng tắm, đứng nép vào một góc, thật lâu.

7. Chiều. Lão Thống đi qua mộ thằng cháu lão. Ôi cha, cỏ mọc búa xua, bời bợp. Lão chợt nhớ, có đến gần hai tháng nay rồi không thấy mặt con vợ nó. Chắc là nó bận, nghĩ bụng thế, lão quay về nhà quản trang lấy cái liềm.

- Ông lò dò đi đâu thế ông? Đám thợ xây mộ cho làng nghỉ giải lao trong nhà quản trang hỏi lão.

- Ờ à, ra mộ thằng cháu. Cỏ tốt quá. Vợ nó lâu lắm không thấy đến.

- Đứa nào bố ơi.

- Thằng Long, thằng Long ấy mà…

- A, ối giời, con vợ nó là con Liên chứ gì, người thôn ta nhưng có nhà ở thị trấn.

- Ừ, phải phải.

- Ối giời, nó còn đi với bồ bố ạ. Vừa hôm nọ bị đánh ghen sưng mặt. Chắc chưa mở mắt ra được.

Lão Thống không hỏi gì thêm lặng lẽ cầm cái liềm đi ra ngoài mộ. Lòng lão nặng trĩu. Lão buồn.

Lão vừa cắt cỏ vừa thì thầm như nói với một người đang ngồi bên cạnh. Long này, cỏ trên mộ tốt quá rồi, để ông cắt cho mày, cái con vợ mày thế là hư, nhưng mày đừng trách nó. Mày chết là thoát nợ, là dễ. Nó ở lại mới là khó là khổ. Bao nhiêu gánh nặng mày dồn hết cho nó. Bao công lớn việc to, bao mưa nguồn chớp bể, bao nhiêu tiếng bấc hòn chì, bao nhiêu chông gai cạm bẫy. Ôi chao ơi, nó con gái đàn bà. Đàn bà nhẹ dạ lắm con ạ. Ông biết, mày không trách nó, chẳng lẽ mày bắt nó chung thủy với ma. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Sống khó lắm con ơi. Đời người phù du lắm. Ông nói mày có hiểu tí nào không?

Mà mày gặp chú Ngốc nhà ông không đấy…

Lão cứ vừa làm vừa thầm thì như thế, bóng lão gầy còm, khô héo đổ dài.

8. Chào các anh. Ông Thống đâu rồi ạ? Liên đứng ngoài sân hỏi vọng vào. Đám thợ xây đang đùa bỡn, văng tục chợt ngừng cả lại.

- Ông ấy chết rồi. Chiều tối hôm qua. Anh trưởng đoàn đứng dậy, bước ra sân và nói với Liên.

- Chết rồi. Liên nhắc lại hốt hoảng.

- Cô giáo có đi viếng thì giờ vào vẫn kịp, hai giờ chiều mới cất ma.

Liên vội vàng quay xe vù đi, không nghe rõ mấy tiếng cuối cùng. Nước mắt nàng chảy tràn hai gò má.

- Vợ thằng Tâm hay sao ấy nhỉ? Mấy tay thợ hỏi nhau.

- Đúng rồi. Chuẩn không phải chỉnh.

- Này, con bé này mới bị đánh ghen phải không.

- Ừ.

- Đâu, không phải, con bé bị đánh ghen là con Hà chứ. Hàng xóm con này.

- À,

- À thế là hôm nọ nói nhầm với cụ Thống.

***

Buổi chiều ngay sau hôm lão Thống cắt cỏ trên mộ Long, lão Thống thăng thiên. Từ nghĩa địa về, lão ăn cơm, uống nước, tắm gội xong xuôi, vào ngồi trong giường, tự dưng cười khà khà vài tiếng rồi chết.

Người ta bảo lão hóa. Hóa chứ không phải chết.

Đêm đầu tiên lão Thống nằm dưới đất, đom đóm ở đâu bay về nhiều lắm. Đom đóm đậu kín trên mộ lão, đến quá nửa đêm, đom đóm đồng loạt bay tản đi, hàng nghìn đốm sáng lập lòe như pháo hoa nổ bùng trong nghĩa địa.